Tiếp tục triển khai Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS

18:32 05/05/2023
“Đẩy nhanh các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu; tiếp tục triển khai Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản”.

Đây là một trong những nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính, được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhắc lại tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, chiều 5/5, để thông tin tới báo chí về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, cũng như một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thông tin tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn cho rằng, nước ta còn không ít tồn tại, khó khăn, thách thức phải đối mặt, xử lý, trong đó nổi lên là: (1) Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa thực sự vững chắc; môt số động lực tăng trưởng giảm. (2) Lạm phát chịu nhiều sức ép. (3) Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm giảm. (4) Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; thị trường nội địa chưa được khai thác hiệu quả. (5) Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ. (6) Việc triển khai một số chính sách của 3 CTMTQG, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn...

Trước tình hình này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu lên những nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả:

Tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... Tập trung hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ các đề án, nội dung trình Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, gắn với bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; kết hợp hài hòa, bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với tỉ giá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, giữa tình hình bên trong với thực tiễn bên ngoài.

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tăng khả năng tiếp cận vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất mặt bằng cho vay cả đối với các khoản nợ hiện hữu và vay mới. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả; tận dụng tốt các dư địa còn khá lớn cho các mục tiêu phát triển; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác.

Tiếp tục triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số… và chống thất thu thuế. Triệt để tiết kiệm chi, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách. Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cho sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp qua đó góp phần giữ ổn định và tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, khai thác và phát triển mạnh thị trường trong nước; thực hiện tốt cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đẩy nhanh các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.  

Tiếp tục triển khai Nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp về phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương.

Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đổi mới và tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Chủ động, tích cực đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, xấu, độc, các quan điểm sai trái, thù địch. Xử lý nghiêm các hoạt động lừa đảo trên mạng.

Từ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan. Yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, phát huy hơn nữa vai trò người đứng đầu, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Bình luận