Khí nhà kính là một tập hợp các khí tự nhiên và nhân tạo có khả năng gây hiệu ứng nhà kính trên Trái Đất. Các khí này có khả năng hấp thụ và tỏa nhiệt độ, giữ lại nhiệt năng từ ánh sáng mặt trời và gây ra sự gia tăng của hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng mà các khí nhà kính tạo ra một lớp chắn bức xạ trong khí quyển, giữ lại nhiệt và làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất.
Hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng đối với việc đánh giá và quản lý tác động của con người lên biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong hệ thống khí quyển. Vì vậy, không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới luôn có sự quan tâm đối với hoạt động kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp.
Theo đó, tiêu chuẩn GHG Protocol là một trong những tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính hiện nay đối với các tổ chức, doanh nghiệp. GHG Protocol do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán, quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ.
GHG Protocol cung cấp hướng dẫn, phương pháp tính toán và khuôn khổ báo cáo theo ngành cụ thể cho các loại hình tổ chức và hoạt động khác nhau.
GHG Protocol chia phát thải khí nhà kính làm ba phạm vi: Phạm vi 1 - phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát. Phạm vi 2 - phát thải gián tiếp từ việc sản xuất các nguồn năng lượng điện, nhiệt, hơi do tổ chức mua và sử dụng. Phạm vi 3 - tất cả các phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị.
GHG Protocol tương đối toàn diện và chi tiết, bao trùm nhiều lĩnh vực và hoạt động, đồng thời cung cấp thêm hướng dẫn, công cụ để tính toán, quản lý khí nhà kính.
Nguồn: VietQ.vn