Tại Tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15/11, các khách mời đã cùng nhau tìm ra phương pháp tiếp cận cũng như nhận diện, xử lý tin giả một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có tin thật mới xóa được tin đồn.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi tin đồn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp hay những thông tin sai lệch xuất hiện lan tràn trên không gian mạng, lập tức cổ phiếu của doanh nghiệp xuống giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay phải tìm hiểu ngay "sức khỏe" của doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng và nhiều đối tác có thể cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động. “Tin giả nhưng hậu quả rất thật, và những yếu tố này gây ảnh hưởng rất khủng khiếp đối với hoạt động của doanh nghiệp”, có thể làm cho doanh nghiệp sụp đổ.
“Điều đáng ngại hơn là tác động của tin giả này. Nhiều lúc doanh nghiệp như đối đầu với ‘bóng ma’, vì trước đây, nếu nguồn gốc tin giả có thể biết là được một tờ báo, một địa điểm nào hay một người cung cấp tin, nhưng hiện nay, với mạng xã hội, từng doanh nghiệp một sẽ rất khó biết nó từ đâu ra, vì cái gì, liên quan đến ai?”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, chỉ có cơ quan chức năng với bộ máy, kỹ thuật và thẩm quyền của mình mới có thể lần ra được tin giả ở đâu ra. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách tích cực.
Là doanh nghiệp từng nhiều lần phải đối mặt với tin giả, ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chứng khoán Vndirect chia sẻ, giai đoạn vừa qua, khi thị trường chứng khoán rất xấu, Vndirect cũng chịu rất nhiều thông tin sai lệch, bao gồm thông tin về hoạt động kinh doanh, thông tin về hoạt động tư vấn cho khách hàng, thậm chí là thông tin sai sự thật là Chủ tịch và Tổng giám đốc Vndirect bị bắt… Ở góc độ doanh nghiệp, những thông tin sai lệch, đầu tiên là ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng, tiếp đến là ảnh hưởng đến uy tín với các đối tác, như ngân hàng có thể dừng hạn mức của công ty chứng khoán, hay khách hàng chuyển hết tài khoản đi...
Trước những rủi ro đó, Vndirect chọn cách đối mặt bằng cách truyền thông lại thông qua hình thức email, trao đổi trực tiếp; trong đó chú trọng truyền thông đến nhân viên và các đối tác của mình, vì đó là những người hiểu, gắn bó, tin tưởng doanh nghiệp và có khả năng giúp doanh nghiệp đính chính lại thông tin.
Đối với những thông tin sai lệch có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp, tác động tới cảm xúc của nhà đầu tư, Vndirect chọn cách liên hệ trực tiếp với họ ngay khi có thông tin sai lệch để trao đổi, tư vấn, giải thích thấu đáo.
“Trong điều kiện bình thường có thể không cần thiết phải hành động đến thế, nhưng trong bối cảnh như vừa qua, chúng tôi thấy rằng đó là biện pháp thực sự cần thiết, hiệu quả và nó sẽ giúp cho nhà đầu tư bình ổn lại tâm lý, bình tĩnh trở lại”, theo ông Nguyễn Vũ Long.
Ông cũng cho biết, trong bối cảnh kỷ nguyên số, khi tốc độ lan truyền thông tin trên các mạng xã hội rất nhanh như hiện nay thì để giải bài toán này một cách triệt để, cần sự phối hợp chặt chẽ, giải pháp đồng bộ, tổng thể nhằm điều chỉnh hành vi, thay đổi nhận thức của mỗi người, bao gồm từ người đưa tin đến người chịu ảnh hưởng của thông tin, người đọc, người tiếp nhận thông tin, qua đó giảm thiểu vấn đề này.
Là chuyên gia truyền thông, nhà báo Lê Quốc Vinh cho rằng, với Vndirect có cổ đông trong công ty, khách hàng, các đối tác, mỗi người cần có nhu cầu thông tin khác nhau. Nếu có một chiến lược truyền thông thay đổi chủ động, tích cực, minh bạch thì tin đồn sẽ ít đất sống. Trong kỷ nguyên số, càng cởi mở bao nhiêu, càng tạo ra cơ hội tiếp xúc với công chúng, trực tiếp giải thích các vấn đề công chúng đang băn khoăn, lo lắng. Đừng để đến khi công chúng thắc mắc một vấn đề gì đó, họ phải tự đi tìm kiếm thông tin, mà cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp phải chủ động đưa ra thông tin ngay khi đo lường sức nóng vấn đề. Như vậy mới tạo ra niềm tin cho công chúng.
“Khi để họ băn khoăn, lo lắng đi tìm hiểu vài ba ngày, thậm chí vài ba tuần rồi mới trả lời thì ta đi sau và lúc đó khó lấy lại niềm tin từ công chúng”, ông Lê Quốc Vinh nhận định.
Theo ông, truyền thông phải đi bước một bước, dự báo được câu chuyện gì, thông tin gì cần phải nói. Những thông tin không phải là bí mật của doanh nghiệp, tổ chức phải đưa lên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các kênh truyền thông của chính mình như trên các trang điện tử, trang web, fanpage.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Quang Tự Do cho hay, thành lập vào tháng 4/2021, đến nay, Trung tâm xử lý tin giả của Cục đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả gửi đến và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin. Có những tin không phải tin giả, mà là những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, tin cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, Cục đã chuyển đến những nơi khác để xử lý. Bên cạnh đó, Cục có fanpage trên Facebook, có đường dây nóng và mạng lưới kết nối với các tỉnh, thành phố, bộ, ngành để tiếp nhận và xử lý tin giả.
“Ngoài ra, họ cũng gửi trực tiếp công văn về Cục, gửi đơn khiếu nại, thậm chí là tố cáo, chúng tôi đều xử lý hết mặc dù số lượng rất lớn. Các doanh nghiệp khi gặp những tin giả, tin đồn, họ cũng có những cách liên hệ trực tiếp với cơ quan chức năng để được hướng dẫn chứ không chờ qua quy trình gửi về Trung tâm”, ông Lê Quang Tự Do nói.
Nguồn: baotintuc.vn