Ngày 04/11, Quốc hội dành cả ngày để các ĐBQH thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Tin tưởng sẽ đạt chỉ tiêu đề ra
Hầu hết ý kiến các ĐBQH đều nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, năm 2024 nền kinh tế đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Ý kiến các ĐBQH cũng bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với định hướng đầu tư công của Chính phủ cho phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho biết, chưa bao giờ hạ tầng ĐBSCL được dồn lực đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. ĐBSCL từng là vùng trũng cao tốc, đến nay đã có 120 km đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ được đưa vào khai thác, theo mục tiêu đặt ra đến năm 2025, toàn vùng sẽ có khoảng 548 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, năm 2030 là 763 km.
Để đạt được kết quả này, trước tiên là nhờ có những quyết sách quan trọng của Quốc hội, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội đầu tư, tạo đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy ĐBSCL phát triển vươn lên cùng cả nước.
Đại biểu Vi Đức Thọ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đồng tình và nhất trí cao về các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ xác định. Theo đó, trong số 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025, Chính phủ đã xác định tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, đồng bộ, hiện đại, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng…
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất nỗ lực và quyết tâm triển khai, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chúng ta hoàn toàn tin tưởng thời gian tới sẽ đạt được những chỉ tiêu đề ra.
Cần tăng tỷ trọng đầu tư tư nhân
Tuy nhiên, ý kiến các ĐBQH cũng cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định trong đầu tư công…
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, BĐKH đang là thách thức không nhỏ đối với hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông ở khu vực ĐBSCL. Thực tế ghi nhận những năm gần đây, BĐKH và nước biển dâng đã gây ra tình trạng ngập nặng trên một số tuyến đường trong khu vực như các tuyến Quốc lộ 63, 54, 57, đặc biệt là Quốc lộ 1 đoạn qua các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau… Nguyên nhân chính của việc ngập nước trên các tuyến quốc lộ là do sụt lún nền đường.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu, ban hành Nghị quyết đặc thù về phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH thay cho Nghị quyết số 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Đây là chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH an toàn và thịnh vượng.
Đại biểu Vi Đức Thọ đề cập tới tuyến đường bộ cao tốc đoạn từ huyện Mộc Châu - thành phố Sơn La, là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy phát triển liên kết vùng; giúp cho các tỉnh phía Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng phát huy được tiềm năng, khơi thông nguồn lực, phát triển bền vững, tiến kịp với sự phát triển chung; việc đầu tư cho phát triển tuyến đường này cũng là điều kiện quan trọng đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp, xây dựng tỉnh Sơn La trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.
Do đó, đại biểu Vi Đức Thọ đề nghị các địa phương, Bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội, quan tâm, ủng hộ, chia sẻ nguồn lực; tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên đảm bảo tiến độ theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021.
Đại biểu Trịnh Xuân An thì cho rằng, chúng ta đã dành một nguồn lực đầu tư công rất lớn cho giao thông với một nguyên tắc, đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân nhưng tỷ lệ phát triển tăng đầu tư tư nhân lại đang ngày càng suy giảm.
Giai đoạn hiện nay, tăng đầu tư tư nhân chỉ đạt khoảng 7%, bằng một nửa so với giai đoạn trước.
Vậy, tại sao đầu tư công lớn mà không dẫn dắt được đầu tư tư nhân? Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần làm rõ được điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư nhân vào vào nền kinh tế.
Đại biểu Trịnh Xuân An đồng thời đề xuất, đối với công trình trọng điểm quốc gia, nên mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư để tăng tỷ trọng đầu tư tư nhân đối với toàn xã hội.
Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự kiến nền kinh tế đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó GDP ước tăng 6,8 - 7%, đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu về xã hội, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và phát triển hạ tầng đạt những bước phát triển mới và quan trọng; lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương cơ sở ở mức cao, đời sống an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt kết quả quan trọng.
Năm 2025, các đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Kết luận của Trung ương, nhất là Kết luận 97 của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 về kinh tế - xã hội năm 2024-2025; đề nghị phân tích cụ thể, có giải pháp ứng phó, tháo gỡ khó khăn điểm nghẽn, tiếp tục bảo vệ kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chủ động phòng, chống, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối NSNN, bội chi nợ công, ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường BĐS, điều tiết tốt thị trường, cân đối cung cầu, có giải pháp chấm dứt được đầu cơ của giá BĐS, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu, phát triển bền vững thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…