Áp lực đô thị hóa
Với diện tích sau khi mở rộng lên tới trên 3,3 nghìn km2, dân số đến hết năm 2017 khoảng 10 triệu người bao gồm cả vãng lai. Thủ đô phải đối mặt với những thách thức, như: Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông quá tải. Thiếu các khu chức năng công cộng đô thị, hành chính, nhà ở, công nghiệp, y tế, giáo dục; Áp lực về dân số lên hệ thống hạ tầng; Ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước; Chưa đồng bộ về chính sách phát triển đô thị giữa các ngành; Khó khăn về chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ, từ nông thôn ra thành thị...
Để giải quyết các vấn đề và thách thức trên cho một đô thị đặc biệt lớn như thủ đô Hà Nội thì không cách nào khác phải áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong quản lý, phát triển đô thị, tuy nhiên, việc phát triển đô thị sao cho hài hòa, đảm bảo nhu cầu hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng đến nhu cầu của các thế hệ trong tương lai (phát triển bền vững) là bài toán đặt ra cho nhà quản lý đô thị phải giải quyết.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, để nắm bắt cơ hội trong quá trình hội nhập và xác định hướng đi tất yếu. Năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 đã chỉ rõ, Hà Nội phải phấn đấu để thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1 - 2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trên cơ sở đó, Hà Nội đang tích cực thực thi nhiệm vụ này bằng những bước đi đầu tiên trong quá trình xây dựng TP thông minh. Nhiệm vụ xây dựng TP thông minh được HĐND TP Hà Nội bổ sung tại Nghị quyết về việc điều chỉnh “Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan Nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”.
Những tiêu chí xây dựng đô thị xanh, thông minh cho thủ đô Hà Nội bao gồm: Kinh tế thông minh (nền kinh tế phát triển có sức cạnh tranh); Vận động thông minh (Hệ thống giao thông thuận tiện - hạ tầng kỹ thuật tốt); Cư dân thông minh (đô thị có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao); Môi trường thông minh (môi trường sống tốt, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng và bảo tồn hợp lý); Quản lý đô thị thông minh (chính phủ điện tử); Chất lượng cuộc sống tốt (mọi nhu cầu được đáp ứng phù hợp, thuận tiện).
Trong điều kiện hiện nay của Thủ đô, đặc biệt là đầu tư công hạn chế, việc xác định các tiêu chí ưu tiên để thực hiện phù hợp với điều kiện đặc thù là rất quan trọng. Các tiêu chí được lựa chọn phải là nền tảng và có sức ảnh hưởng tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tiêu chí còn lại. Đây chính là vấn đề cần giải quyết trong những giải pháp về quy hoạch nói chung, quy hoạch xây dựng đô thị nói riêng.
Quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn, khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Nắm bắt cơ hội của kỷ nguyên 4.0
Sau khi Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xác định mục tiêu xây dựng Thủ đô theo hướng bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao, có cơ hội đầu tư thuận lợi.
Trong Đồ án, Hà Nội sẽ xây dựng 5 khu đô thị vệ tinh – là những TP thông minh có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, làm đòn bẩy cho các khu đô thị mới phát triển để giải quyết những vấn đề về gia tăng dân số, quá tải hạ tầng. Các TP vệ tinh được bố trí những khu vực trọng yếu được kết nối với trung tâm chính, bao gồm: Láng - Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên – Phú Minh và Sóc Sơn.
Cùng với đó là 3 đô thị sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn với chức năng chính là đô thị sinh thái- nông nghiệp - đào tạo - làng nghề… 10 thị trấn với chức năng chính là trung tâm hành chính, hỗ trợ sản xuất và cung cấp tiện ích công cộng cho vùng nông thôn, khu vực hành lang xanh, đây là các khu vực để xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội trở thành TP xanh.
Để thực hiện được kế hoạch trên, công tác triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng cho TP đang được triển khai khẩn trương nhưng cũng rất thận trọng để vừa đảm bảo tính kế thừa của một Thủ đô ngàn năm Văn hiến nhưng cũng sẽ là Thủ đô hội nhập, năng động, hiện đại.
Xác định tiến trình xây dựng TP thông minh gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (đến năm 2020) hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của TP thông minh; giai đoạn 2 (2021 - 2025) hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số; giai đoạn 3 (từ sau năm 2025) sẽ phát triển TP thông minh ở mức độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.
Từ đó có thể khẳng định công tác quy hoạch đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần cụ thể hóa định hướng phát triển Thủ đô theo Quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt. Từ đây, các không gian phát triển đô thị được xác định, không gian xanh được định hình, những khu chức năng và khu chức năng đặc thù… được xác lập để tạo điều kiện huy động mọi nguồn lực kinh tế xã hội, nguồn lực kinh tế trong và ngoài nước chung tay đầu tư, xây dựng, hiện thực hóa.
Các không gian trên hình thành một mặt giúp thay đổi bộ mặt đô thị, cung cấp những tiện ích, hạ tầng cho đô thị, giúp nâng cao chất lượng đời sống của người dân Thủ đô, mặt khác đã góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế Thủ đô nói riêng, phát triển kinh tế của cả nước nói chung. Tranh thủ được sự phát triển của kỷ nguyên công nghệ 4.0.
Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền đô thị trong việc xây dựng chiến lược, chính sách, lập kế hoạch, quy hoạch để thực hiện mục tiêu xây dựng TP Hà Nội là TP xanh, thông minh thì việc tham gia góp ý, chung tay xây dựng của mọi tầng lớp Nhân dân cả trong và ngoài nước là đặc biệt quan trọng. Bởi mọi kế hoạch phát triển đều nhằm hướng tới một mục đích cao nhất là lấy người dân làm trung tâm phục vụ, phát triển đô thị xanh, thông minh cũng không nằm ngoài mục tiêu cung cấp các dịch vụ, tiện ích tốt cho mọi nhu cầu đến mọi tầng lớp Nhân dân một cách thuận tiện nhất.
Do đó, công tác xin ý kiến cộng đồng đối với các đồ án quy hoạch đã được quy định rất rõ trong các Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch... người dân ngày càng hiểu biết, quan tâm hơn đến lĩnh vực quy hoạch trong những năm gần đây đã thực sự phản ánh được tính dân chủ trong công tác quy hoạch xây dựng của TP Hà Nội. Tuy nhiên, để người dân hiểu rõ hơn về công tác xây dựng TP Hà Nội hướng đến TP xanh và thông minh thì công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức công nghệ khoa học đến mọi tầng lớp Nhân dân là rất cần thiết. Bởi một đô thị được coi là thông minh thì bản thân đô thị đó phải đáp ứng được tiêu chí “cư dân thông minh”.
Vì vậy, trong thời gian tới, song song với quá trình triển khai và áp dụng các ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong công tác quản lý, quy hoạch xây dựng Thủ đô sẽ là các chương trình, giáo dục, đào tạo, truyền thông, thông tin đến mọi tầng lớp Nhân dân để người dân thực sự hiểu, được sử dụng và đồng thuận cùng chung tay với các cấp chính quyền, nhà quản lý và hoạch định chính sách phát triển Thủ đô từng bước hướng đến mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành TP xanh, TP thông minh.
Nguồn: Báo Kinh tế& Đô thị