Điểm tin Quy hoạch - Kiến trúc

Tỉnh đầu tiên của Việt Nam có 2 đô thị loại I

08:58 29/12/2024
Ngày 27/12, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án phân loại đô thị TP Rạch Giá và đô thị TP Phú Quốc là đô thị loại I, thuộc tỉnh Kiên Giang.

Cụ thể, trong tuần từ ngày 23 - 29/12, lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc có một số tin tức đáng chú ý như: (1) TP Rạch Giá và TP Phú Quốc đạt tiêu chí đô thị loại I; (2) TP Hòa Bình đạt chuẩn đô thị loại II; (3) Phát triển đô thị Yên Phong đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại III; (4) Công bố Quyết định công nhận thị xã Kinh Môn là đô thị loại III; (5) Quy hoạch tu bổ Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

TP Rạch Giá và TP Phú Quốc đạt tiêu chí đô thị loại I

Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Internet

Theo đó, tại Hội nghị thẩm định Đề án phân loại đô thị TP Rạch Giá và đô thị TP Phú Quốc là đô thị loại I, thuộc tỉnh Kiên Giang, đối chiếu với các tiêu chí của đô thị loại I theo quy định, địa phương tự đánh giá TP Rạch Giá có 36/63 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa, 22/63 tiêu chuẩn đạt điểm trung bình hoặc tối thiểu, 05/63 tiêu chuẩn chưa đạt điểm.

Kết quả, Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua kết quả đánh giá tiêu chí phân loại TP Rạch Giá theo tiêu chí đô thị loại I thuộc tỉnh Kiên Giang, với 86,35/100 điểm, không có tiêu chí nào trong 5 tiêu chí đạt dưới mức tối thiểu.

Đối với TP Phú Quốc, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định, đánh giá TP Phú Quốc đạt 82,88/100 điểm, trong đó có 30/63 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa, 07/63 tiêu chuẩn đạt điểm trung bình, 19/63 tiêu chuẩn đạt điểm tối thiểu.

Kết quả, Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua kết quả đánh giá tiêu chí phân loại TP Phú Quốc theo tiêu chí đô thị loại I, thuộc tỉnh Kiên Giang, 83,99/100 điểm, không có tiêu chí nào trong 5 tiêu chí đạt dưới mức tối thiểu.

TP Hòa Bình đạt chuẩn đô thị loại II

Ngày 23/12, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận TP Hòa Bình là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hòa Bình.

Phạm vi lập Đề án gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Hòa Bình với quy mô khoảng 34,865 km2, gồm 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, với 12 phường và 07 xã.

Phạm vi nội thành gồm 13 đơn vị hành chính cấp xã, với 12 phường hiện hữu và xã Mông Hóa dự kiến thành lập phường.

Cục Phát triển đô thị đánh giá đô thị Hòa Bình đạt 82,84 điểm, trong đó có 30/63 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa, 26/63 tiêu chuẩn đạt điểm trung bình, và 7/63 tiêu chuẩn không đạt.

Kết quả, 100% thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua kết quả đánh giá tiêu chí phân loại đô thị đối với TP Hòa Bình theo tiêu chí đô thị loại II với 84,16/100 điểm.

Công bố Quyết định công nhận thị xã Kinh Môn là đô thị loại III

Đô thị Kinh Môn. Ảnh: Internet

Ngày 20/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng đã trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là đô thị loại III.

Ngay sau khi tái lập huyện vào năm 1997, Kinh Môn đã dồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị. Từ đô thị lõi là thị xã Kinh Môn, địa phương xây dựng, phát triển 3 thị trấn là Kinh Môn, Phú Thứ và Minh Tân, được công nhận là đô thị loại IV vào cuối năm 2014.

Với những cố gắng không ngừng, thị xã Kinh Môn đã hoàn thành 5 tiêu chí đô thị, với số điểm 86,36/100 điểm.

Ngày 16/9/2024, Bộ trưởng Xây dựng đã ký Quyết định công nhận thị xã Kinh Môn là đô thị loại III. Trong đó, khu vực nội thị gồm 14 phường và 8 xã ngoại thị.

Phát triển đô thị Yên Phong đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại III

Tuần qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 739/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị Yên Phong đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chương trình phát triển đô thị Yên Phong sẽ xây dựng các chỉ tiêu phát triển đô thị theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; cụ thể hóa theo từng năm trong giai đoạn 5 năm đầu của chương trình.

Đồng thời xác định các chương trình, dự án đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ưu tiên và kiến trúc cảnh quan đô thị đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị.

Nguồn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách huyện với tổng kinh phí lập Chương trình phát triển đô thị Yên Phong đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hơn 1,2 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện 180 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng tư vấn.

Quy hoạch tu bổ Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ

Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: Internet

Ngày 27/12, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1677/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện, bảo tồn và gìn giữ lâu dài các giá trị hiện hữu của Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ cùng các di sản văn hóa liên quan, bảo đảm hài hòa giữa công tác bảo tồn di tích với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ gắn liền với Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945 và sự ra đời, hoạt động của Đội du kích Ba Tơ anh hùng. Các điểm di tích này phân bố chủ yếu trên địa bàn các xã Ba Vinh, Ba Động, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Bình luận