Thiết kế chiếu sáng trong công trình kết cấu gỗ truyền thống:

Tôn vinh vẻ đẹp di sản văn hóa, lịch sử - Phát triển tiềm năng du lịch

Thiết kế chiếu sáng cho các công trình kết cấu gỗ truyền thống tại Việt Nam nhằm tôn vinh vẻ đẹp không gian kiến trúc nội thất, bảo tồn nguyên bản, tăng giá trị di sản, qua đó phát triển tiềm năng du lịch văn hóa, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật hiện đại và sự tôn trọng đối với giá trị nguyên bản lịch sử, văn hóa của công trình.

Tóm tắt

Nghệ thuật thiết kế chiếu sáng đóng vai trò quan trọng trong các công trình kiến trúc nội thất nói chung và công trình kết cấu gỗ truyền thống nói riêng, ánh sáng tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lich sử; từ đó mang lại tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam. Hiện nay, các công trình kết cấu gỗ truyền thống văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên việc thiết kế chiếu sáng trong các công trình di sản vẫn còn hạn chế.

Thông qua việc phân tích các dự án thực tế và các kỹ thuật chiếu sáng tiên tiến, cũng như tham khảo những kinh nghiệm trong nước và quốc tế, nghiên cứu đề xuất các định hướng thiết kế chiếu sáng hiệu quả, hướng tới việc tạo ra các giá trị thẩm mỹ mới và tăng cường tính linh hoạt trong công năng sử dụng đối với các công trình kiến trúc gỗ truyền thống. “Thiết kế chiếu sáng trong công trình kết cấu gỗ truyền thống - tôn vinh vẻ đẹp di sản văn hóa, lịch sử qua đó phát triển tiềm năng du lịch”*

Việt Nam đang bước vào quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa, được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng cho du lịch văn hóa, cùng với bốn ngàn năm lịch sử, các di sản văn hóa, lịch sử, mà đặc biệt là các công trình kết cấu gỗ truyền thống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết các công trình này chưa khai thác hết hiệu quả giá trị tài nguyên và bản sắc.

Trong khi, nhìn ra thế giới, có nhiều ví dụ thành công về việc áp dụng nghệ thuật thiết kế chiếu sáng cho các công trình kết cấu gỗ truyền thống mà vẫn đảm bảo các giá trị nguyên bản. Nhận thức được tiềm năng vô cùng to lớn của không gian kiến trúc nội thất công trình kết cấu gỗ truyền thống được tăng giá trị về công năng, thẩm mỹ bằng chiếu sáng, việc nghiên cứu giải pháp thiết kế chiếu sáng là cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng và thu hút khách du lịch, đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa của Việt Nam.

Nội dung bài báo, khẳng định vai trò quan trọng của thiết kế chiếu sáng đối với không gian kiến trúc nội thất công trình kết cấu gỗ truyền thống, đồng thời định hướng giải pháp chiếu sáng công trình tôn giáo tín ngưỡng sử dụng kết cấu gỗ nhằm tăng cường thu hút khách du lịch, thông qua tổng hợp và đánh giá một số kinh nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam.

Mục tiêu

- Tôn vinh kiến trúc truyền thống, qua đó bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa: Công trình kết cấu gỗ truyền thống mang lại sự khác biệt và độc đáo, đặc trưng về mặt kiến trúc và văn hóa. Thiết kế ánh sáng để làm nổi bật các yếu tố kiến trúc nội thất đặc trưng như cột, mái, hoa văn chạm khắc, điều này không chỉ mang lại vẻ đẹp về thẩm mỹ mà còn giúp du khách hiểu rõ hơn về nghệ thuật truyền thống.

- Tăng cường trải nghiệm du lịch: Ánh sáng được coi là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra không gian thẩm mỹ và thu hút du khách. Việc nghiên cứu và áp dụng nghệ thuật thiết kế chiếu sáng trong các công trình kết cấu gỗ truyền thống sẽ nâng cao trải nghiệm du lịch và thu hút khách tham quan.

- Sử dụng ánh sáng tự nhiên và nhân tạo: Tận dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày thông qua cách bố trí cửa sổ, giếng trời. Vào ban đêm, sử dụng đèn LED hoặc đèn sợi quang có ánh sáng dịu để không phá vỡ không gian lịch sử và đảm bảo an toàn

- Phát triển bền vững: Sử dụng kết cấu gỗ truyền thống không chỉ đảm bảo tính bền vững của công trình mà còn tạo ra một môi trường sống gần gũi với tự nhiên. Việc áp dụng thiết kế chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động môi trường cũng góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững trong ngành du lịch và xây dựng.

- Hài hòa với môi trường: Đảm bảo màu sắc ánh sáng phù hợp với màu sắc và chất liệu gỗ để duy trì cảm giác tự nhiên và ấm cúng. Ánh sáng vàng hoặc trung tính thường phù hợp với gỗ và tạo nên không gian thân thiện. Kiểm soát độ sáng: Sử dụng hệ thống điều khiển thông minh để thay đổi cường độ ánh sáng tùy theo nhu cầu, nhờ đó kéo dài tuổi thọ của đèn và tiết kiệm năng lượng.

- Tiềm năng tạo ra giá trị kinh tế: Hiệu quả của thiết kế chiếu sáng không chỉ tăng cường trải nghiệm của du khách mà còn kéo dài thời gian hoạt động của công trình, tạo ra một không gian thuận tiện và an toàn cho việc chiêm ngưỡng và tìm hiểu văn hóa, khai thác được giá trị kinh tế du lịch một cách hiệu quả.

- Kiểm soát độ sáng: Sử dụng hệ thống điều khiển thông minh để thay đổi cường độ ánh sáng tùy theo nhu cầu, nhờ đó kéo dài tuổi thọ của đèn và tiết kiệm năng lượng.

- Gia tăng tính thẩm mỹ và linh hoạt: Thiết kế chiếu sáng linh hoạt để phù hợp với nhiều loại hình hoạt động và sự kiện khác nhau tại công trình. Tạo ra các hiệu ứng ánh sáng độc đáo, nhấn mạnh sự khác biệt và đặc trưng của kiến trúc gỗ truyền thống.

- Bảo vệ các vật liệu nhạy cảm: Chọn loại đèn không phát ra tia UV để bảo vệ gỗ, tranh, tượng và các đồ vật nhạy cảm khác khỏi hư hại.

- Tích hợp công nghệ hiện đại: Áp dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại như ánh sáng động để tạo ra các hiệu ứng phù hợp với các sự kiện hay lễ hội văn hóa, làm cho trải nghiệm của du khách trở nên thú vị và đa dạng hơn. Khi thực hiện, cần có sự tư vấn của các chuyên gia về kiến trúc và văn hóa để đảm bảo tính xác thực và bền vững cho dự án.

Thưc trạng thiết kế chiếu sáng các công trình kết cấu gỗ truyền thống Việt Nam

Đặc điểm các công trình kết cấu gỗ Việt Nam

Các công trình sử dụng kết cấu gỗ truyền thống tại Việt Nam là biểu tượng của giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc. Từ kiến trúc khung gỗ tinh xảo, vật liệu tự nhiên đến không gian văn hóa và thiết kế không gian, trang trí… đều thể hiện sự khéo léo, tinh tế và triết lý sống của người Việt.

- Bộ khung gỗ truyền thống: Thông thường một bộ khung gỗ kiến trúc truyền thống Việt Nam nói riêng và kiến trúc gỗ Đông Á nói chung được xác định bởi các bộ vì, đây chính là thành phần cốt lõi tạo nên quy mô, hình dạng cơ bản của kiến trúc công trình. Ngoài ra, kỹ thuật xây dựng khung gỗ với các mối nối không dùng đinh mà sử dụng kỹ thuật “mộng” là di sản kỹ thuật độc đáo, phản ánh trí tuệ và sự khéo léo của các thế hệ người Việt.

- Cấu trúc không gian mở và đa chức năng: Không gian bên trong công trình thường không có tường ngăn, tạo sự thông thoáng. Điều này phản ánh tinh thần cộng đồng và sự gắn kết trong văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, các công trình gỗ truyền thống thường được thiết kế để phục vụ nhiều chức năng, từ sinh hoạt cộng đồng đến các nghi lễ quan trọng, phản ánh tính linh hoạt và sự thích ứng cao của kiến trúc truyền thống.

- Mái nhà cong: Mái nhà với độ dốc lớn và các đầu đao cong vút là đặc trưng kiến trúc của công trình gỗ truyền thống, tượng trưng cho sự mềm mại, uyển chuyển nhưng vẫn vững chãi.

- Nghệ thuật thủ công: Các công trình sử dụng kết cấu gỗ truyền thống thường có các chi tiết chạm khắc tinh xảo, thể hiện kỹ thuật thủ công đặc sắc của người thợ mộc Việt Nam. Những hoa văn, họa tiết trang trí trên các cột, kèo, và mái nhà không chỉ là nghệ thuật mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử.

- Tính biểu tượng và ý nghĩa: Các họa tiết trang trí trên công trình gỗ thường mang những biểu tượng và ý nghĩa sâu sắc, liên quan đến phong thủy, tâm linh và tín ngưỡng. Mỗi chi tiết đều có mục đích cụ thể, từ việc xua đuổi tà ma đến cầu mong may mắn, bình an, phản ánh đời sống và tâm hồn của người dân, thể hiện sự đa dạng và phong phú trong văn hóa Việt Nam.

- Vật liệu tự nhiên: Sử dụng chủ đạo là vật liệu gỗ tự nhiên (Lim, Mít, Xoan, Đinh hương, Trai, Táu, Sến, Dổi… ), do tính chất cứng, chịu lực cao và không bị mối mọt, ngoài ra còn thể hiện sự hài hòa với môi trường xung quanh, phản ánh triết lý sống gần gũi với thiên nhiên của người Việt.

- Giá trị văn hóa, tôn giáo và tâm linh: Các công trình gỗ truyền thống như đình, chùa, nhà thờ họ… là nơi sinh hoạt cộng đồng, thờ cúng, là biểu tượng của tín ngưỡng và tôn giáo trong đời sống người Việt; đồng thời là nơi lưu giữ và truyền bá văn hóa, lịch sử cho các thế hệ sau.

- Tính bền vững và thẩm mỹ: Sự kết hợp giữa tính bền vững của kết cấu gỗ và giá trị thẩm mỹ của kiến trúc tạo nên những công trình có sức sống lâu dài, vừa đảm bảo công năng sử dụng vừa mang lại giá trị văn hóa nghệ thuật cao.

Việc thiết kế chiếu sáng nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị này không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững. Tuy vậy, thực trạng chiếu sáng công trình sử dụng kết cấu gỗ truyền thống tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và thách thức.

Cấu trúc bộ khung gỗ truyền thống Việt Nam.

- Không gian và vật liệu xây dựng công trình: Công trình sử dụng kết cấu gỗ truyền thống thường sử dụng gỗ làm nguyên liệu chính, dốc mái thẳng, diềm mái hạ thấp tạo ra không gian mang nét ấm cúng và gần gũi. Tuy nhiên, tông màu gỗ thường là nâu trầm hoặc nâu vàng, gây ra hiện tượng không gian nhà trở nên tối và thiếu sáng.

- Công nghệ và thiết bị chiếu sáng: Phần lớn các công trình gỗ truyền thống vẫn sử dụng các phương pháp chiếu sáng truyền thống và chưa được cập nhật công nghệ chiếu sáng tiên tiến. Trước đây, các công trình như đình chùa thường sử dụng đèn cầy, sau này chuyển sang sử dụng đèn sợi đốt. Tuy nhiên, cả hai loại đèn này đều không đạt được hiệu quả chiếu sáng và thẩm mỹ mong muốn. Thời gian gần đây đèn huỳnh quang được sử dụng để tiết kiệm điện năng, ánh sáng từ các đèn này thường không được phân bố đều, dẫn đến hiện tượng chói lóa hoặc tối cục bộ.

- Bảo tồn và an toàn trong sử dụng công trình:
Chiếu sáng gây hại cho vật liệu gỗ: Sử dụng đèn không phù hợp có thể làm tăng tốc độ lão hóa và hư hỏng của vật liệu gỗ do nhiệt độ cao và tia UV từ đèn. Ánh sáng không đúng chuẩn cũng có thể gây ra hiện tượng mối mọt và mục nát.
Hệ thống điện không an toàn: Nhiều hệ thống chiếu sáng đã cũ và không được bảo trì định kỳ, dẫn đến nguy cơ chập điện, cháy nổ. Đặc biệt, việc sử dụng đèn sợi đốt có nguy cơ gây cháy rất cao.

- Tiết kiệm năng lượng: Sử dụng đèn tiêu thụ nhiều năng lượng: Các loại đèn truyền thống tiêu tốn nhiều năng lượng và không thân thiện với môi trường. Chưa có nhiều công trình áp dụng các loại đèn tiết kiệm năng lượng như đèn LED.
Thiếu giải pháp chiếu sáng thông minh: Chưa có nhiều công trình áp dụng các giải pháp chiếu sáng thông minh như cảm biến ánh sáng, hệ thống điều khiển tự động để tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa ánh sáng.

- Sự đầu tư và chuyên môn hóa trong việc thiết kế chiếu sáng:
Thiếu kế hoạch chiếu sáng đồng bộ: Nhiều công trình chưa có một kế hoạch chiếu sáng tổng thể và đồng bộ. Việc thiết kế và lắp đặt chiếu sáng thường mang tính tự phát, không tuân theo một tiêu chuẩn cụ thể nào.
Thiếu sự tham gia của chuyên gia chiếu sáng: Thiếu sự tham gia của các chuyên gia chiếu sáng trong quá trình thiết kế và triển khai hệ thống chiếu sáng, dẫn đến việc lựa chọn và bố trí đèn không phù hợp.

- Khai thác giá trị thẩm mỹ và văn hóa:
Chiếu sáng không hợp lý: Ánh sáng không được bố trí hợp lý để làm nổi bật các chi tiết kiến trúc và chạm khắc tinh xảo của công trình gỗ. Nhiều nơi ánh sáng quá mạnh hoặc quá yếu, không tạo được không gian thẩm mỹ và gây khó chịu cho người nhìn.

Chiếu sáng kiến trúc – nội thất tại Đình Tây Đằng. Nguồn: Internet

Thiếu các giải pháp chiếu sáng nghệ thuật: Chiếu sáng nghệ thuật, một yếu tố quan trọng trong việc tôn vinh giá trị thẩm mỹ và văn hóa, chưa được áp dụng rộng rãi. Điều này làm giảm đi sức hấp dẫn và giá trị trải nghiệm của du khách khi tham quan các công trình này.

Kinh nghiệm thiết kế chiếu sáng trên thế giới tôn vinh vẻ đẹp văn hóa di sản

Việc thiết kế chiếu sáng cho các công trình kết cấu gỗ truyền thống đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để tôn vinh và bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của kết cấu, vật liệu, trang trí… đồng thời tạo ra môi trường hoạt động tiện nghi và hấp dẫn du lịch.

Trên thế giới, nhiều bài học kinh nghiệm và xu hướng đã cung cấp cơ sở cho việc thiết kế chiếu sáng cho các công trình kết cấu gỗ truyền thống, với sự tôn trọng di sản và phản ánh văn hóa địa phương và sự độc đáo của từng quốc gia. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nepal… đều đã có những thành tựu ấn tượng trong việc sử dụng ánh sáng để tôn vinh và phát triển văn hóa gỗ truyền thống của họ, để ta có thể xem xét học hỏi và ứng biến phù hợp trong bối cảnh Việt Nam.

Nhật Bản

Sử dụng ánh sáng gián tiếp:

- Đèn chiếu sáng gián tiếp được sử dụng để tạo ra không khí thư giãn. Đèn LED với các góc chiếu điều chỉnh được giấu trong các khe hở trần, sàn và tường.

- Đèn lồng giấy truyền thống, thường được treo ngoài trời hoặc trong nhà, tạo ra ánh sáng dịu nhẹ và cổ kính.

- Chọn đèn có ánh sáng vàng ấm (khoảng 2700K-3000K) giúp tôn vinh màu sắc tự nhiên của gỗ và tạo ra không gian ấm cúng.

Thiết kế chiếu sáng ban ngày và ban đêm & Các thiết bị chiếu sáng sử dụng tại Chùa Sensoji, Tokyo, Nhật Bản.

Trung Quốc

Đèn lồng đỏ truyền thống không chỉ là nguồn sáng mà còn mang ý nghĩa may mắn và thịnh vượng, thường được sử dụng trong các dịp lễ hội và trang trí.

Chiếu sáng điểm nhấn:

- Sử dụng đèn spotlight để làm nổi bật các chi tiết kiến trúc đặc biệt như cột, xà nhà và các tác phẩm nghệ thuật, phân vùng ánh sáng để tạo ra độ tương phản.

- Kết hợp ánh sáng màu: để tạo ra hiệu ứng nghệ thuật và phong phú, phù hợp với các sự kiện văn hóa và lễ hội.

Ý tưởng phân vùng chiếu sáng tại Đền thờ Thần Gió, Đài Nam, Đài Loan.

Hàn Quốc

Chiếu sáng mềm mại và tự nhiên:

- Sử dụng đèn có ánh sáng không quá chói để giữ nguyên sự thanh bình và giản dị của không gian gỗ truyền thống.

Sử dụng ánh sáng khuếch tán:

- Mang lại cảm giác ấm áp và thân thiện.

- Sử dụng đèn cầy LED để thay thế đèn cầy thật, giúp tạo ra không gian lãng mạn và an toàn hơn.

. Thiết kế chiếu sáng tại khu vực lối vào tại Điện Geunjeongjeon, Cung điện Cảnh Phúc, Seoul, Hàn Quốc.

Nepal

Đèn dầu và đèn nến:

- Đèn dầu và đèn nến truyền thống hiện nay vẫn được sử dụng trong nhiều ngôi nhà và chùa chiền, tạo ra không gian ấm cúng và cổ kính.

Đèn LED tiết kiệm năng lượng:

- Đèn LED với ánh sáng ấm được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong các khu vực yêu cầu ánh sáng liên tục nhưng tiết kiệm điện năng.

Chiếu sáng linh hoạt:

- Sử dụng hệ thống chiếu sáng có thể điều chỉnh được để phù hợp với các hoạt động khác nhau và tạo ra các không gian khác nhau trong cùng một khu vực.

Sơ đồ thiết kế vị trí chiếu sáng và hình ảnh thử nghiệm tại Đền Tripureshwor Mahadev, Kathmandu, Nepal.

Qua các ví dụ tham khảo trên, có thể thấy thiết kế chiếu sáng nhân tạo cho các công trình di sản kết cấu gỗ truyền thống đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại và sự tôn trọng với giá trị nguyên bản lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ của các công trình này. Sự chú trọng đến chi tiết và tinh tế trong việc sử dụng ánh sáng sẽ tạo nên không gian thẩm mỹ, hấp dẫn và giữ gìn giá trị truyền thống. Việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tôn trọng vật liệu tự nhiên là yếu tố then chốt trong thiết kế chiếu sáng hiệu quả và bền vững.

Kết luận

Thiết kế chiếu sáng cho các công trình kết cấu gỗ truyền thống tại Việt Nam nhằm tôn vinh vẻ đẹp không gian kiến trúc nội thất, bảo tồn nguyên bản, tăng giá trị di sản, qua đó phát triển tiềm năng du lịch văn hóa, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật hiện đại và sự tôn trọng đối với giá trị nguyên bản lịch sử, văn hóa của công trình. Qua nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nepal, và thực trạng thiết kế chiếu sáng các công trình di sản truyền thống tại Việt Nam …..

Có thể rút ra các kinh nghiệm áp dụng vào bối cảnh Việt Nam:

- Phân vùng và tạo sự tương phản về độ sáng giữa các khu vực trong không gian:
Định hướng hành trình khách tham quan và nhấn mạnh các vị trí quan trọng như bàn thờ, tượng hoặc trang trí…

- Kết hợp các cách thức chiếu sáng linh hoạt:
Chiếu sáng trực tiếp (Direct Light), gián tiếp (Indirect Light), sử dụng ánh sáng khuếch tán (Diffusion light) kết hợp với ánh sáng nhấn (Accent light),…

- Lựa chọn nguồn sáng:
 + Ánh sáng màu ấm hoặc trung tính (1500 – 3000K), sử dụng công nghệ đèn LED hiện đại góc chiếu chính xác với độ hoàn màu cao (CRI>90) để tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của gỗ.
 + Kết hợp sử dụng nguồn sáng truyền thống và kỹ thuật chiếu sáng hiện đại.

- Tiết kiệm năng lượng:
Đèn LED là lựa chọn tối ưu vì chúng tiết kiệm năng lượng và có tuổi thọ cao, phù hợp với các công trình truyền thống cần bảo trì ít.

- Hệ thống chiếu sáng:
 + Điện áp thấp, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, dễ lắp đặt, tiết kiệm chi phí và linh hoạt trong thiết kế.
 + Thiết bị cần được lắp đặt tại các vị trí tránh ảnh hưởng đến thẩm mỹ công trình nhất có thể.
 + Hệ thống kỹ thuật, đường điện cho thiết bị chiếu sáng cần được giấu đi khéo léo sau các chi tiết cấu kiện gỗ.

- Hình thức chiếu sáng đa dạng, linh hoạt:
Phù hợp với nhiều hoạt động và tạo ra những trải nghiệm không gian khác nhau đối với du khách.

Tóm lại, việc thiết kế chiếu sáng cho các công trình gỗ truyền thống tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là cung cấp ánh sáng mà còn là một phương tiện để kể câu chuyện văn hóa, lịch sử của đất nước. Một hệ thống chiếu sáng được thiết kế tốt sẽ không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị của di sản kiến trúc mà còn đóng góp quan trọng vào việc phát triển du lịch văn hóa, thu hút du khách và nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Tài liệu tham khảo:
[1]. ThS.KTS. Đặng Nhật Minh (2020). Nhận diện các loại hình kiến trúc gỗ Việt Nam qua bố cục không gian, tổ chức mặt bằng, cấu trúc mái và kết cấu khung gỗ. Tạp chí Kiến trúc.
[2]. ThS. Vũ Thị Ngọc Anh (2020). Kiến trúc Đình làng Việt. Tạp chí Kiến trúc.
[3]. Bista, A., Diwakar, B., Bhattarai, H., & Bhusal, P. (2023). Constrains of lighting design and installation in complex spaces: A case study of lighting in Nepalese Heritage Sites. In 2023 IEEE Sustainable Smart Lighting World Conference and Expo, LS18 2023 IEEE.
[4]. Bista, D.; Bista, A.; Shrestha, A.; Doulos, L.T.; Bhusal, P.; Zissis, G.; Topalis, F.; Chhetri, B.B. Lighting for Cultural and Heritage Site: An Innovative Approach for Lighting in the Distinct Pagoda-Style Architecture of Nepal. Sustainability 2021, 13, 2720.
[5]. https://panasonic.net/electricworks/lighting/vn/case/sensoji/
[6]. https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/dem-van-mieu-ky-ao-nho-cong-nghe-anh-sang.html
[7]. https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-italy-de-xuat-giai-phap-chieu-sang-van-mieu-va-hoang-thanh-post850023.vnp#google_vignette
[8]. https://www.erco.com/en/projects/public/gyeongbokgung-palace-seoul-7296/

Chú thích: “Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) trong đề tài mã số 07-2024/KHXD”

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc

Bình luận