Tổng quan về quy hoạch và quản lý nghĩa trang an táng xanh tại TP Hà Nội

Công tác quản lý nghĩa trang an táng xanh thủ đô Hà Nội là một trong những ưu tiên hàng đầu của công tác bảo vệ môi trường của thành phố. Việc quản lý nghĩa trang đặt mục tiêu từng bước chấm dứt các hình thức hung táng truyền thống, chuyển hoàn toàn sang hình thức hỏa táng, an táng xanh.

 I. Đặt vấn đề

Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức. Hệ thống hạ tầng xanh đóng góp phần không nhỏ vào việc phát triển đô thị bền vững nói chung và cho các đô thị của Việt Nam nói riêng.

Tại Việt Nam, thuật ngữ "xanh" đã được đề cập trong các chính sách của Nhà nước như Nghị quyết số 148/NĐ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06/NĐ-TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trong đó, yêu cầu phải phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. Khái niệm hạ tầng “xanh” trong đô thị bao gồm rất nhiều hợp phần như giao thông xanh, thoát nước xanh, công viên xanh, cấp nước xanh, chiếu sáng xanh, quản lý chất thải rắn xanh, vệ sinh mội trường xanh và nghĩa trang an táng xanh...

Nghĩa trang an táng xanh là hệ thống nghĩa trang được quy hoạch, đầu tư xây dựng để an táng người qua đời, sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm tối đa đất, kinh phí xây dựng và đảm bảo yêu cầu môi trường cũng như cảnh quan xung quanh, mang lại lợi ích cho con người, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

II. Tập tục và các hình thức, công nghệ táng tại vùng Hà Nội

2.1. Quy định của pháp luật

Theo Khoản 5 Điều 3 Nghị định 23/2016/NĐ-CP ngày 05/04/2016 của Chính phủ quy định việc xử lý thi hài phải phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại.

Như vậy, theo quy định của pháp luật cho phép xử lý thi hài theo phong tục tập quán ở địa phương nhưng đảm bảo phù hợp với phong tục tập quán tốt, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh hiện đại.

Theo Khoản 3 Điều 2 Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định các hình thức lưu giữ thi thể bao gồm: Mai táng, hỏa táng và các hình thức táng khác.

Theo đó, theo quy định của pháp luật thì thi hài sẽ được xử lý dưới những hình thức sau đây:

+ Mai táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt, tro cốt ở một địa điểm dưới mặt đất. VD khu nhân dân nghĩa trang Văn Điển, nghĩa trang An Khánh...

+ Chôn cất một lần là hình thức mai táng thi hài vĩnh viễn. VD nghĩa trang Mai Dịch, nghĩa trang Thanh Tước, nghĩa trang Lạc Hồng Viên...

+ Hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng. VD nghĩa trang Yên Kỳ...

+ Cải táng là việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang hình thức táng khác.

+ Cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng hoặc lưu tro cốt sau khi hỏa táng.

+ Hỏa táng (bao gồm cả điện táng) là thực hiện việc thiêu thi hài hoặc hài cốt ở nhiệt độ cao.

2.2. Các hình thức, công nghệ táng vùng Hà Nội

a) Hình thức:

Ở khu vực vùng Hà Nội hiện nay chủ yếu là nghĩa trang mai táng với mật độ cao, trừ nghĩa trang Sài Đồng (Long Biên) là nghĩa trang cải táng, đã đóng cửa có diện tích cây xanh rất lớn nên có thể gọi là nghĩa trang xanh đô thị.

Giải pháp kiến trúc, quy hoạch các nghĩa trang thành phố đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ về loại hình “Công viên nghĩa trang”, “Nghĩa trang xanh” và bắt đầu có ý tưởng xây dựng “Vườn tưởng niệm” bên cạnh một loại hình rất phổ biến xuất hiện từ khoảng những năm 1950 của Thế kỷ trước là Nghĩa trang Liệt sĩ (còn gọi là nghĩa trang của tổ chức hay tập thể) để an táng những liệt sĩ, danh nhân, người có công...

Đặc biệt, hiện nay tại Hà Nội còn xuất hiện thêm một giải pháp khác là lưu tro hài cốt tại các ngôi chùa, vừa giải quyết được vấn đề về diện tích chiếm đất, vừa đáp ứng được vấn đề về cuộc sống tâm linh của người Á Đông. Tuy nhiên, hình thức này ở Thành phố Hà Nội vẫn chưa nhiều.

b) Công nghệ:

Hiện nay, trên thế giới có 3 hình thức táng chủ yếu là: hỏa táng, địa táng và lưu táng. Trong 3 hình thức này thì tại Hà Nội đã và đang sử dụng 2 hình thức phổ biến là hỏa táng và địa táng. Riêng lưu táng là công nghệ mới nên ít được biết đến.

Qua tham khảo hiện trạng và xu thế phát triển công nghệ táng của một số nước trên thế giới, phong tục tập quán, công nghệ táng hiện tại ở Việt Nam nói chung, vùng Hà Nội nói riêng thì công nghệ táng tại các nghĩa trang Hà Nội chủ yếu như sau:

- Địa táng: Chia làm 3 loại

+ Hung táng

+ Cát táng

+ Táng một lần

- Hỏa táng (đốt thi thể bằng lò điện, gas...)    

Hình thức hỏa táng bằng công nghệ cao trong lò hỏa táng chuyên dụng (Quy trình hỏa táng hoàn toàn tự động, hệ thống kiểm soát nhiệt độ thông minh, kiểm soát ô nhiễm không khí). Hỏa táng là hình thức an táng ít gây ô nhiễm môi trường nhất và tiết kiệm được diện tích đất dành cho an táng.

Ở Việt Nam, tỷ lệ an táng theo công nghệ hỏa táng còn thấp, còn tồn tại hai hình thức hỏa táng:

+ Tại các đô thị nhỏ vẫn còn sử dụng các lò hỏa táng đơn giản tự xây, đốt bằng dầu, than củi, không có hệ thống lọc và xử lý khí thải phát sinh khi thiêu.

+ Tại một số đô thị lớn, lò hỏa táng hiện đại đã được xây dựng và sử dụng, trong quá trình hỏa táng không gây ô nhiễm môi trường.

+ Mười năm trở lại đây, nhu cầu hỏa táng ngày càng tăng ở Việt Nam, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, đó là xu thế tất yếu vì công nghệ hỏa táng là công nghệ táng hiện đại, văn minh, hợp vệ sinh, phù hợp với xu thế chung trên toàn thế giới và đặc biệt tiết kiệm đất an táng, điều này rất có ý nghĩa đối với nước ta, một nước đất chật, người đông.

Sau khi hỏa táng, các loại hình lưu cốt được bố trí dưới nhiều hình thức khác nhau như sau:

- Lưu tro cốt tại các nghĩa trang:

+ Lưu tro trong nhà: Mỗi mộ phần có kích thước tiêu chuẩn khoảng 0,5x0,5 m sâu 0,5 m (dạng hộc). Nhiều mộ phần được bố trí cạnh nhau theo từng ô, từng hàng, từng lớp tạo thành các dạng bức tường lưu tro xung quanh nhà lưu tro...   

+ Lưu tro ngoài trời (vườn mộ lưu tro): Các lọ tro được đặt âm trong lòng đất, phía trên là những tấm bia phẳng nằm ngang với mặt đất, kích thước tấm bia khoảng 50 cm x 50 cm. Khoảng cách giữa các mộ: 0,8 m, giữa 2 hàng mộ khoảng 1 m.

- Bố trí trong khuôn viên nghĩa trang xã, các cơ sở tôn giáo nếu có diện tích rộng đảm bảo phù hợp các quy định về xây dựng, về khoảng cách ly vệ sinh, về quy hoạch sử dụng đất, không làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

- Được người dân đưa về nhà để thờ tự (Tỷ lệ này cũng không nhiều)          

III. Hiện trạng hoạt động khai thác nghĩa trang tại Hà Nội

3.1. Thực trạng hoạt động khai thác, sử dụng nghĩa trang

Việc quản lý Nghĩa trang trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện thực hiện theo Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/09/2022 của HĐND thành phố Hà Nội quy định “Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Hệ thống nghĩa trang nhân dân được phân loại theo cấp quản lý gồm: Nghĩa trang cấp thành Thành phố quản lý giao Ban phục vụ lễ tang Hà Nội quản lý (đơn vị trực thuộc Sở Lao động thương binh xã hội); nghĩa trang trên địa bàn do UBND quận, huvện, thị xã (gọi tắt là cấp huyện) quản lý; nghĩa trang do UBND xã phường, thị trấn quản lý (gọi tắt là cấp xã).

- Đối với nghĩa trang nhân dân Thành phố: do Sở Lao động thương binh và xã hội đang quản lý gồm 4 nghĩa trang: (1) Nghĩa trang Văn Điển, (2) Nghĩa trang Yên Kỳ, (3) Nghĩa trang Thanh Tước, (4) 5 ha/36,9 ha nằm trong Nghĩa trang Vĩnh Hằng

- Đối với nghĩa trang nhân dân cấp huyện quản lý, phục vụ an táng trên địa bàn huyện bao gồm 3 nghĩa trang: Nghĩa trang Hà Đông (Q. Hà Đông), Xuân Đỉnh (Q. Bắc Từ Liêm), Nghĩa trang nhân dân Thị xã Sơn Tây. Trong đó, 2 nghĩa trang Hà Đông và Xuân Đỉnh đều nằm trong khu vực phát triển đô thị, không đảm bảo khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường. Duy nhất có nghĩa trang Sơn Tây nằm ngoài khu vực phát triển đô thị, vẫn còn khả năng mở rộng để đáp ứng nhu cầu an táng cho Thị xã Sơn Tây.

Ảnh: ITN.

- Đối với nghĩa trang nhân dân cấp xã, Thành phố có khoảng 2.755 nghĩa trang cấp xã quản lý. Khu vực nông thôn còn tiếp tục sử dụng nghĩa trang hiện có không phù hợp quy hoạch và không đảm khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường

- Ngoài ra trên địa bàn thành phố còn có Nghĩa trang Quốc gia Mai Dịch dành cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước do Cục Quản trị A (Văn phòng Trung ương Đảng) quản lý.

Tổng diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến hết năm 2022 khoảng 3.368 ha chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên toàn thành phố[1]. Trong số các nghĩa trang chỉ có 1 nghĩa trang (Thanh Tước) có hệ thống thu gom nước rỉ, xử lý môi trường. Hầu hết các nghĩa trang không đủ khoảng cách ly, do phát triển đô thị. Hình thức mai táng chủ yếu là hung táng, cải táng.

Nhiều nghĩa trang hiện có nằm xen kẽ với các khu dân cư, không đủ khoảng cách ly. Ở một số nơi do nhu cầu phát triển, đất đô thị, đã áp sát nghĩa trang hiện có, tốc độ di dời nghĩa trang lấy đất cho xây dựng đô thị còn chậm, ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng.

Nhiều nghĩa trang do dân xây dựng tự phát (không theo quy hoạch) với nhiều kiểu kiến trúc, thiếu mỹ quan, lãng phí đất.

Tỷ lệ hỏa táng còn nhỏ (chủ yếu ở nội thành Hà Nội cũ). Do phong tục, tập quán, tín ngưỡng người dân phần lớn dùng hình thức an táng truyền thống (hung táng, cát táng).

Dịch vụ thăm viếng đến các nghĩa trang chưa thuận lợi, chưa đáp ứng nhu cầu với các nghĩa trang tập trung lớn.

Mật độ nhà tang lễ phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở các quận trung tâm Hà Nội cũ, khi đưa tang phải đi qua trung tâm thành phố gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị.

 

Hình 1: Sơ đồ hiện trạng phân bố nghĩa trang tập trung tại Thành phố Hà Nội.

3.2. Tóm tắt nội dung quy hoạch nghĩa trang theo các quy hoạch đã phê duyệt

Tại đồ án “Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 08/04/2014 có xác định: Tổng nhu cầu diện tích đất dành cho nghĩa trang đến năm 2050 khoảng 1.247 ha (trong đó khu vực đô thị là 1.103 ha và khu vực nông thôn là 144 ha).

* Nghĩa trang đô thị: Quy hoạch bao gồm nghĩa trang tập trung cấp quốc gia, nghĩa trang tập trung liên tỉnh, nghĩa trang tập trung cấp thành phố, nghĩa trang tập trung cấp huyện cụ thể như sau:

- Nghĩa trang tập trung cấp Quốc gia (1 nghĩa trang):

+ Cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang Mai Dịch 1 thành công viên nghĩa trang với quy mô hiện có là 5,5 ha lên 5,8 ha. Sử dụng hình thức táng một lần, phục vụ nhu cầu an táng lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

+ Xây mới nghĩa trang cấp Quốc gia tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, quy mô khoảng từ 100-150 ha. Sử dụng hình thức táng tổng hợp, phục vụ nhu cầu an táng lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. 

- Nghĩa trang tập trung Liên tỉnh (1 nghĩa trang):

+ Đóng cửa nghĩa trang Yên Kỳ 1, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì (hiện có 38,4 ha).

+ Mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ 1 (Yên Kỳ 2), huyện Ba Vì đến năm 2020 khoảng 203 ha, đến năm 2030 khoảng 583 ha; sử dụng hình thức táng tổng hợp; phục vụ nhu cầu an táng và quy tập mộ di chuyển của nhân dân khu vực Đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng.

- Nghĩa trang tập trung cấp Thành phố (8 nghĩa trang):

+ Đóng cửa, dừng chôn cất địa táng các nghĩa trang hiện có: Sài Đồng (quận Long Biên), Văn Điển (huyện Thanh Trì). Có kế hoạch trồng cây xanh cách ly, cải tạo nghĩa trang theo hướng xử lý đất, nước rỉ nghĩa trang và cải tạo cảnh quan xung quanh khu vực nghĩa trang trước năm 2015. Riêng nghĩa trang Văn Điển chỉ phục vụ hỏa táng.

+ Quy hoạch cải tạo, mở rộng 2 nghĩa trang tập trung: Vĩnh Hằng, Thanh Tước.

+ Mở rộng nghĩa trang Vĩnh Hằng (huyện Ba Vì) với quy mô hiện có là 37 ha lên 87 ha đến năm 2020; sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng 1 lần, hỏa táng; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển trong khu vực phát triển Đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng;

+ Quy hoạch cải tạo, mở rộng nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh) thành công viên nghĩa trang với quy mô hiện có là 7 ha mở rộng lên 17 ha đến năm 2020, đến năm 2030 khoảng 23 ha; sử dụng hình thức cát táng; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân khu đô thị huyện Mê Linh;

+ Xây dựng mới 6 nghĩa trang: Minh Phú, Bắc Sơn, Xuân Nộn, Trung Màu, Chuyên Mỹ, Trần Phú.

+ Nghĩa trang Minh Phú (huyện Sóc Sơn) đến năm 2020 khoảng 83 ha, đến năm 2030 khoảng 100 ha; sử dụng hình thức cát táng, táng 1 lần, hỏa táng; phục vụ cho nhu cầu an táng của nhân dân khu vực phát triển đô thị huyện Sóc Sơn và quy tập mộ di chuyển trong khu vực phát triển đô thị huyện Đông Anh, Mê Linh, Long Biên và Gia Lâm.

+ Nghĩa trang Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đến năm 2020 khoảng 10 ha; sử dụng hình thức hỏa táng; phục vụ nhu cầu hỏa táng của nhân dân khu vực phía Bắc Hà Nội bao gồm các huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh).

+ Nghĩa trang Xuân Nộn (huyện Đông Anh) đến năm 2020 khoảng 10 ha; sử dụng hình thức hỏa táng; phục vụ nhu cầu hỏa táng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

+ Nghĩa trang Trung Màu (huyện Gia Lâm) đến năm 2020 khoảng 17 ha, đến năm 2030 khoảng 35 ha, đến năm 2050 khoảng 53 ha; sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng 1 lần và hỏa táng; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển khu vực phát triển đô thị quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

+ Nghĩa trang Trần Phú (huyện Chương Mỹ) đến năm 2020 khoảng 10 ha, đến năm 2030 khoảng 25 ha; sử dụng hình thức cát táng, hỏa táng; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

+ Nghĩa trang Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) đến năm 2020 khoảng 17 ha, đến năm 2030 khoảng 30 ha; sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng 1 lần và hỏa táng; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển trên địa bàn huyện Phú Xuyên.

- Nghĩa trang tập trung cấp huyện (12 nghĩa trang):

+ Đóng cửa, dừng chôn cất đối với nghĩa trang Xuân Đỉnh (5 ha), quận Bắc Từ Liêm trước năm 2015.

+ Cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang Hà Đông, quận Hà Đông với quy mô hiện có là 3,65 ha lên 7,4 ha đến năm 2015 theo hướng cải tạo thành công viên nghĩa trang, sử dụng hình thức cát táng; phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn quận Hà Đông.

+ Mở rộng nghĩa trang nhân dân Thị xã Sơn Tây với quy mô hiện có 3,5 ha lên 19 ha đến năm 2020. Sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng 1 lần; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

+ Xây dựng mới 11 nghĩa trang tập trung huyện để phục vụ quy tập mộ di chuyển và chôn mới của khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn các huyện: nghĩa trang huyện Sóc Sơn (xã Tiên Dược) khoảng 5 ha, nghĩa trang huyện Đông Anh (xã Vân Hà) khoảng 10 ha, nghĩa trang huyện Phúc Thọ (xã Liên Hiệp) khoảng 15 ha, nghĩa trang huyện Quốc Oai (thị trấn Quốc Oai) khoảng 11ha, nghĩa trang huyện Thường Tín (xã Nghiêm Xuyên) khoảng 35 ha, nghĩa trang huyện Thanh Oai (xã Tân Ước) khoảng 30 ha, nghĩa trang huyện Ứng Hòa (xã Phương Tú) khoảng 10 ha, nghĩa trang huyện Đan Phượng (xã Hồng Hà) khoảng 30 ha, nghĩa trang huyện Hoài Đức (xã Tiền Yên, xã Đắc Sở) khoảng 20 ha, nghĩa trang huyện Mỹ Đức (xã Hương Sơn) khoảng 10 ha, nghĩa trang huyện Thạch Thất (xã Yên Trung) khoảng 34 ha.

3.3. Tình hình thực hiện Quy hoạch nghĩa trang cho đến nay

Công tác quy hoạch dự án nghĩa trang theo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội (bao gồm 20 nghĩa trang nâng cấp, cải tạo mở rộng, xây mới: cấp quốc gia, liên tỉnh, Thành phố và cấp huyện) và Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 13/08/2014 của UBND Thành phố từ năm 2014 đến nay đã tiến hành lập quy hoạch và phê duyệt được 1 nghĩa trang Quốc gia, 1 nghĩa trang liên tỉnh, 2 nghĩa trang cấp thành phố và 3 nghĩa trang cấp huyện. Các nghĩa trang còn lại vẫn đang trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch. Cụ thể như sau:

- Nghĩa trang quốc gia: Đồ án đã được phê duyệt theo Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 03/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt QHCT xây dựng tỷ lệ 1/500 nghĩa trang Yên trung, tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.

- Nghĩa trang liên tỉnh: Mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ, huyện Ba Vì (giai đoạn 1 quy mô 203,1 ha, có hỏa táng). Hiện đã phê duyệt các QHCT, dự án chưa hoàn thành.

- Nghĩa trang Thành phố

 (1) Nghĩa trang Vĩnh Hằng (mở rộng), huyện Ba Vì (có hỏa táng). Đã phê duyệt QHCT. Quy mô khoảng: 16,284 ha. Dự án đang triển khai.

(2) Nghĩa trang Trần Phú, huyện Chương Mỹ (25,31 ha, cát táng, hỏa táng). Đã được phê duyệt QHCT.

(3) Dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước, huyện Mê Linh (6,4 ha, cát tảng và nhà để tro cốt): Đến nay chưa thể triển khai thực hiện do người dân chưa đồng tình ủng hộ. Nghĩa trang Thanh Tước phần mở rộng (3 ha, không có hỏa táng): Hiện đang tạm dừng để tập trung triển khai dự án Công viên tưởng niệm thiên đưởng Thanh Tước.

(4) Nghĩa trang Xuân Nộn, huyện Đông Anh (10 ha, có hỏa táng): Đồ án đã được duyệt Nhiệm vụ quy hoạch, tạm dừng thực hiện. Nghĩa trang này nằm ngoài đê sông Cà Lồ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thống nhất đề xuất phương án kỹ thuật để giải quyết về dòng chảy của sông trong mùa mưa lũ.

(5) Nghĩa trang Trung Màu, huyện Gia Lâm (17 ha, có hỏa táng): chưa lập quy hoạch do người dân không đồng tình ủng hộ.

(6) Nghĩa trang Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (10 ha, có hỏa táng): chưa lập quy hoạch do người dân không đồng tình ủng hộ.

(7) Nghĩa trang Minh Phú, huyện Sóc Sơn: Chưa triển khai thực hiện do để thực hiện dự án hoàn thiện Khu xử lý chất thải Sóc Sơn. Bộ Quốc phòng đã có công văn số 13307/BQP-TM ngày 05/11/2017 thống nhất chủ trương di chuyển Trung đoàn 165/Sư đoàn 312/ Quân đoàn 1 hiện đang đóng quân tại xã Nam Sơn và Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đến vị trí mới tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội với quy mô diện tích khoảng 100 ha.

(8) Nghĩa trang Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (30 ha, có hỏa táng): chưa lập quy hoạch do người dân không đồng tình ủng hộ.

- Nghĩa trang huyện: Nghĩa trang của các Quận, Huyện, Thị xã (không có hỏa táng) đang thực hiện việc lập quy hoạch (đã được đưa vào các quy hoạch phân khu) gồm:

(1) Nghĩa trang huyện Thạch Thất (quy mô khoảng 44 ha): Dự án đã được UBND huyện Thạch Thất phê duyệt QHCT.

(2) Nghĩa trang huyện Mỹ Đức (quy mô khoảng 27,85 ha): Dự án đã được UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết.

(3) Nghĩa trang Vạn Phúc, quận Hà Đông: Đã được UBND Thành phố phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết khu công viên, nghĩa trang S4 4-2 tỷ lệ 1/500. Diện tích: Khoảng 9,56 ha, cải tạo, nâng cấp thành công viên nghĩa trang.

(4) Nghĩa trang huyện Hoài Đức, Thạch Thất: Văn phòng UBND Thành phố đã có văn bản số 650/VP-XDGT ngày 25/01/2016 giao Sở Kế hoạch & Đầu tư chi đạo rà soát đầu tư các nghĩa trang tại hai huyện này.

Ảnh: ITN.

(5) Nghĩa trang huyện Ứng Hòa: Theo Quy hoạch chung thị trấn Vân Đình đã được phê duyệt tại Quyết định số 5323/QĐ-UBND ngày 16/10/2014, dự kiến quy hoạch nghĩa trang tập trung huyện tại xã Phương Tú quy mô đến năm 2030 là 5 ha. Theo Quy hoạch nông thôn mới của 28 xã trên địa bàn huyện, mỗi thôn giữ nguyên vị trí và diện tích các nghĩa trang hiện có, trong đó chọn một nghĩa trang của thôn mở rộng thành nghĩa trang tập trung của toàn xã, không mở rộng nghĩa trang thôn. Đề xuất cải tạo 1 nghĩa trang hiện có ở phía Nam thị trấn với quy mô 6 ha phục vụ di chuyển các nghĩa trang hiện có trong khu vực, tuyệt đối không phục vụ các hình thức táng khác (hung tảng, hỏa táng, táng một lần...).

 (6) Nghĩa trang huyện Đan Phượng: Trên địa bản huyện Đan Phượng đã có quy hoạch nghĩa trang tập trung tại xã Hồng Hà, diện tích dự kiến xây dựng mới giai đoạn 2011-2020 là 5,0 ha, giai đoạn 2020-2030 là 10 ha, giai đoạn 2030-2050 là 15 ha. Hiện nay khu vực này người dân không đồng thuận.

3.4. Nhận xét chung
Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch nghĩa trang Thành phố, kết quả thực hiện như sau:

+ Trong 8 nghĩa trang cấp Thành phố, chưa có nghĩa trang nào được xây mới, chỉ có 1 nghĩa trang được mở rộng (Vĩnh Hằng) đi vào hoạt động;

2 nghĩa trang được phê duyệt quy hoạch (Trần Phú, Thanh Tước); 1 nghĩa trang tạm dừng lập quy hoạch (Minh Phú, BQP xin làm đất quân sự); Nghĩa trang Xuân Nộn vướng hành lang thoát lũ; Nghĩa trang Bắc Sơn (đài hỏa táng Bắc Sơn), Thanh Tước (Mê Linh), Trung Màu (Gia Lâm), Chuyên Mỹ (Phú Xuyên)… người dân không đồng thuận. 

+ Trong 12 nghĩa trang cấp huyện mới có 2 nghĩa trang huyện Thạch Thất, Mỹ Đức (2/12) đã được phê duyệt QHCT, chưa triển khai xây dựng. Nhiều khu vực nghĩa trang vướng mắc do người dân không đồng thuận (Đan Phượng, Hoài Đức). 5 nghĩa trang hiện có dừng địa táng theo

Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 08/04/2014 là: Văn Điển, tiếp tục hỏa táng; Đóng cửa các nghĩa trang Sài Đồng, Xuân Đỉnh, Hà Đông (quy hoạch cải tạo thành công viên nghĩa trang có bố trí nhà tang lễ). 

+ Các nghĩa trang Thành phố chưa được xây dựng nên thiếu quỹ đất quy tập mộ từ các dự án. Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng dự án đường Vành đai 4 đã phát sinh việc quy tập mộ tại chỗ. Tuy nhiên, việc này lại nhận được sự đồng thuận của người dân.
3.5. Khó khăn, tồn tại

Sau khi quy hoạch nghĩa trang Thủ đô được phê duyệt, công tác quản lý nghĩa trang với quản lý đất đã từng bước được thực hiện theo quy hoạch. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hoá nhanh, dân số gia tăng, số người chết trong phạm vi địa giới tăng theo, cùng với việc cải táng, di dời mồ mả tại nghĩa trang nhân dân của các phường, xã nằm trong diện giải phóng mặt bằng làm tăng nhu cầu đất nghĩa trang, gây sức ép lên quỹ đất còn lại trong nghĩa trang tập trung của Thành phố. Việc triển khai các dự án phát triển đô thị cũng bị ảnh hưởng do khu đất nghĩa trang cần di dời thuộc dự án chưa có nghĩa trang tập trung của thành phố để quy tập.

Phần đất dành để an táng cho người chết tại các nghĩa trang trên địa bàn Thành phố đang cạn kiệt do nghĩa trang cũ không còn đất; việc triển khai xây dựng thêm các nghĩa trang mới gặp rất nhiều khó khăn do tại những địa điểm có quy hoạch quỹ đất xây dựng nghĩa trang vấp phải sự không đồng thuận của nhân dân, do tâm lý lo sợ tâm linh. Một số nghĩa trang hiện có mở rộng theo quy hoạch (Yên Kỳ, Vĩnh Hằng) quỹ đất cũng không còn nhiều, xa khu trung tâm. 

Hiện nay, nhu cầu hoả táng tăng cao, sau hoả táng tro cốt được đưa về quê hoặc các khu vực nghĩa trang tại các quận huyện ven khu vực trung tâm. Các nghĩa trang này theo quy hoạch cũng thuộc diện nghĩa trang dừng chôn cất, cải tạo thành công viên nghĩa trang, lâu dài di chuyển về nghĩa trang tập trung của Thành phố.

Việc xác định nghĩa trang thành phố tại các khu vực phía Đông, Tây, Nam và Bắc của Thành phố đã được thống nhất từ quy hoạch Vùng, Quy hoạch chung và quy hoạch nghĩa trang Thủ đô nhằm đảm bảo cự ly di chuyển và bán kính phục vụ, cũng như sự cân đối nhu cầu tính toán cho các khu vực. Nhu cầu quy tập mộ trên địa bàn Hà Nội rất lớn, chiếm hơn 50% tổng diện tích đất nghĩa trang theo quy hoạch, đặc biệt là khu vực phía Bắc và Đông sông Hồng. Vì vậy, diện tích nghĩa trang tập trung của khu vực này (nghĩa trang Minh Phú, Trung Màu…) có quy mô tương đối lớn, chủ yếu để phục vụ nhu cầu quy tập mộ cho chính địa phương đó (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Long Biên, Gia Lâm). Hiện nay, cả 2 nghĩa trang này đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong sự đồng thuận của nhân dân và có sự điều chỉnh theo chủ trương của Bộ Quốc phòng để phục vụ công tác an ninh quốc phòng

- Việc quy hoạch các khu vực để đầu tư xây dựng nghĩa trang tập trung, cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ của Thành phố còn nhiều khó khăn hạn chế về quỹ đất, khó đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường đến khu dân cư, công trình công cộng, dân dụng.

- Việc đầu tư xây dựng mới các nghĩa trang tập trung, cơ sở hỏa táng trên địa bàn Thành phố đều gặp khó khăn ngay từ công tác lập quy hoạch, do quỹ đất của Thành phố hạn hẹp và tiêu chí khoảng cách ly hiện hành chưa thống nhất. Mặc dù công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh nhưng đến nay, một số dự án chưa nhận được sự đồng thuận của một bộ phận nhân dân địa phương khu vực dự án (Nghĩa trang Minh Phú - Huyện Sóc Sơn, Thanh Tước - Huyện Mê Linh). Do đó, việc đầu tư xây dựng mới các nghĩa trang tập trung của Thành phố gặp nhiều khó khăn, đến nay chưa triển khai được.

Hình thức táng như hiện nay đã có nhiều tiến bộ như: tỷ lệ hỏa táng tăng, tỷ lệ hung táng giảm... tuy nhiên diện tích nghĩa trang vẫn càng ngày càng mở rộng, lãng phí về đất đai, thu hẹp không gian phát triển kinh tế. Cần xây dựng lộ trình triển khai thực hiện một số hình thức táng mới theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai như sử dụng các tháp lưu tro cốt.

- Hầu hết các nghĩa trang nhân dân thôn, xã mang tính tự phát, tồn tại lâu đời, không được quy hoạch, không đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường hiện hành mà tồn tại theo thói quen, tập tục của khu dân cư nên khó khăn trong công tác quản lý, quy hoạch.

- Kinh phí cho công tác duy trì, cải tạo nâng cấp các nghĩa trang hiện có hạn hẹp, vì vậy cảnh quan, môi trường khu vực có nghĩa trang gặp khó khăn.

- Việc đầu tư xây dựng các nghĩa trang tập trung, cơ sở hỏa táng chủ yếu bằng hình thức xã hội hóa, tuy nhiên các quy định, hướng dẫn về cơ chế đầu tư chưa rõ ràng. Vì vậy có nhà đầu tư sau khi vào triển khai đã bỏ dự án.

Hình 2: Mô hình công viên nghĩa trang an táng xanh Lạc Hồng Viên

IV. Kết luận - kiến nghị

4.1. Kết luận

Công tác quản lý nghĩa trang an táng xanh thủ đô Hà Nội là một trong những ưu tiên hàng đầu của công tác bảo vệ môi trường của thành phố. Việc quản lý nghĩa trang đặt mục tiêu từng bước chấm dứt các hình thức hung táng truyền thống, chuyển hoàn toàn sang hình thức hỏa táng, an táng xanh. Bên cạnh đó, cần phải quản lý các không gian nghĩa trang hiện trạng và chỉ tiêu sử dụng các lô đất nghĩa trang. Việc sử dụng nghĩa trang cần tôn trọng nguyên tắc không khép kín theo địa giới hành chính, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác xây dựng và quản lý nghĩa trang an táng xanh.

Phương án phát triển các khu nghĩa trang đã được lập trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch, có bổ sung thêm một số nội dung định hướng tính toán về nhu cầu quy tập mộ trong các khu vực phát triển đô thị, định hướng các nghĩa trang cấp huyện, cấp xã nhằm cụ thể hóa mục tiêu và phát triển nghĩa trang an táng xanh trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn mới và kế thừa định hướng “Quy hoạch xây dựng nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014.

Phạm vi phục vụ nghĩa trang cấp quốc gia, cấp vùng liên tỉnh, liên huyện đã được phân bố đều trên toàn thành phố đảm bảo bán kính phục vụ và thuận lợi cho người dân trong việc tổ chức tang lễ và an táng. Tuy nhiên, cần xem xét lại hệ thống quy chuẩn hoặc đề xuất đặc thù cho Thủ đô cho phép xây dựng các khu vực lưu tro sau hỏa táng gắn với các không gian công cộng tại các khu vực có giao thông thuận lợi trong khu vực phát triển đô thị, các công trình tôn giáo tín ngưỡng để rút ngắn khoảng cách thăm viếng, khuyến khích người dân không địa táng sau hỏa táng nhằm tiết kiệm chi phí, quỹ đất.

Việc hỏa táng cũng gặp một số vấn đề nhất định. Nếu nhiệt độ cháy các lò hỏa thiêu <1200 độ C thì khói thoát ra sẽ có chất Dioxin, một loại hợp chất khó phân hủy trong môi trường và rất nguy hiểm. Nếu lò hỏa thiêu có nhiệt độ đốt >1200 độ C thì giá thành cao, công nghệ hiện đại nên chi phí hỏa táng lớn.

Trong Tiêu chuẩn TCVN 7956 : 2008 Nghĩa trang đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế mới chỉ đề cập các nội dung cơ bản khi thiết kế nghĩa trang, chưa cập nhật các chỉ tiêu cụ thể để đảm bảo tiêu chí xanh. Năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero Carbon) vào năm 2050. Đến năm 2030, các nước phải giảm ít nhất 45% lượng khí thải so với năm 2010 nên cần có sự điều chỉnh cụ thể tiêu chí xanh trong nghĩa trang an táng theo đúng xu hướng chung.

4.2. Kiến nghị

UBND Thành phố cần làm rõ việc sở hữu, quản lý nghĩa trang theo 3 hình thức cụ thể sau để áp đặt tiêu chí xanh trong tương lai:

- Sở hữu nhà nước (sở hữu công cộng) do chính quyền quản lý.

- Sở hữu làng xã (sở hữu tập thể) do thôn làng hay giáo hội tự quản lý.

- Sở hữu tư nhân do doanh nghiệp tư nhân quản lý.

Cần có nghiên cứu cụ thể về nơi an táng khi có trường hợp phát sinh đột biến như thiên tai, hỏa hoạn, bão lũ, dịch bệnh... Đại dịch Covid – 19 là bài học để các nhà quản lý cần sự phòng bị. Những trường hợp chết do bệnh dịch cần quy định rõ không được áp dụng hình thức thổ táng mà bắt buộc phải hỏa táng theo quy định của Bộ Y tế.

Cần nghiên cứu nghĩa trang đặc biệt an táng trường hợp chưa rõ nguyên nhân. Việc an táng những trường hợp này cần tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên Môi trường. Đảm bảo cự ly giãn cách (thông thường tối thiểu là 3 km).

Cần có hệ thống các cơ chế chính sách và mô hình khuyến khích hỏa táng, khuyến khích hình thức lưu tro sau hỏa táng, cho phép xây dựng các nhà lưu tro trong khu vực phát triển đô thị. Thời điểm được áp dụng các cơ chế chính sách nói trên sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển và hình thành các nghĩa trang theo các giai đoạn quy hoạch. Ngoài ra, để việc quy hoạch các khu nghĩa trang đi vào hiện thực đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính sau:

+ Tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố về quản lý nghĩa trang, khuyến khích hỏa táng, khuyến khích lưu tro cốt sau hỏa táng;

+ Đẩy mạnh xã hội hoá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và quản lý nghĩa trang; Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các đơn vị theo cơ chế hợp đồng cung cấp dịch vụ hoặc đấu thầu thực hiện sản phẩm dịch vụ công ích đối với các nghĩa trang thành phố quản lý theo quy định của pháp luật;

+ Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ phù hợp với các khu hỏa táng tập trung

+ Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực.

+ Tính toán mức ảnh hưởng đến hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu khi triển khai các dự án nghĩa trang, đảm bảo tiêu chí xanh, bền vững.

+ Áp dụng công nghệ mới để quản lý mộ phần, tro cốt. Xây dựng cơ sở dữ liệu số để quản lý lâu dài.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc “Ban hành quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh”.

Nội dung này nhằm mục đích hướng tới tạo lập hành lang pháp lý và kỹ thuật đầy đủ cho hình thành, vận hành và điều tiết thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo hướng minh bạch, rõ ràng và hiệu quả, góp phần huy động, phân bổ và điều tiết các nguồn lực tài chính xanh trong nước và quốc tế thực hiện thành công các mục tiêu bảo vệ môi trường của quốc gia.

Điều này cũng hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức tài chính, ngân hàng và các tổ chức có liên quan trong việc định hướng cấp tín dụng, huy động từ phát hành trái phiếu cho các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh vào các ngành, lĩnh vực, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại các lợi ích về môi trường góp phần thực hiện thành công mục tiêu cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP 26.

Đây là vấn đề rất quan trọng, cấp bách mà các cơ quan đơn vị quản lý nghĩa trang và an táng xanh cần quan tâm để đủ điều kiện cấp tín dụng thực hiện dự án liên quan trong tương lai.

 

Tài liệu tham khảo

1) Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP, 2016. Nghị định và xây dựng Quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng tại Việt Nam (Tài liệu tiếng Việt);

2) Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2282/QĐ-TTg, 2016. Quyết định phê duyệt đề án khuyến khích tỷ lệ hỏa táng tại Việt Nam (Tài liệu tiếng Việt);

3) Bộ Khoa học và Công nghệ, Tiêu chuẩn Quốc gia số 7956:2008/TCVN, 2008, Nghĩa trang đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế (Tài liệu tiếng Việt);

4) Trung tâm nghiên cứu Phát triển Hạ tầng kỹ thuật – Bộ Xây dựng, 2016, Dự án Điều tra nghĩa trang và cơ sở hỏa táng cho Vùng thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận (Tài liệu tiếng Việt);

5) Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 2014. Hướng dẫn Quy hoạch nghĩa trang (Tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh);

6) Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Tổng cục Thống kê 2022, mức sinh và mức chết ở Việt Nam, thực trạng xu hướng và những khác biệt (Tài liệu tiếng Việt);

7) UBND thành phố Hà Nội, Quyết định số 03/2017/QĐ-UBND, 2017. Quy định về Chính sách hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng trên địa bàn thành phố Hà Nội (Tài liệu tiếng Việt);

8) Tổng cục thống kê 2000, 2005, 2010, 2015, 2020. Tổng điều tra dân số, đất đai Việt Nam (Tài liệu Tiếng Việt);

9) Dự án “Quy hoạch Phát triển cơ sở vật chất phục vụ tang lễ Thành phố Hà Nội 2003 – 2010”, 2004. Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn – Chỉ đạo PGS.TS Lưu Đức Hải/ Chủ nhiệm THS.KTS Lê Tuấn Kiệt.

Bình luận