TP Hội An: Giải bài toán bảo tồn và phát triển bền vững đô thị di sản

19:08 25/04/2024
Dự thảo Quy hoạch chung nêu rõ, Hội An phấn đấu trở thành đô thị loại II theo tiêu chí đặc thù vào năm 2030, trong đó trọng tâm của đồ án vẫn là hài hòa được bài toán bảo tồn và phát triển bền vững đô thị di sản.

Ngày 22/4 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức cuộc họp để nghe TP Hội An báo cáo thông qua đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hội An đến năm 2035, tầm nhìn 2050. 

Trung tâm phố cổ Hội An. Ảnh: LHS

Theo Đồ án quy hoạch chung, xây dựng Hội An phấn đấu trở thành đô thị loại II theo tiêu chí đặc thù vào năm 2030; hướng tới phát triển đô thị thông minh vào năm 2050, định hướng phát triển đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch mang tầm quốc tế, phát triển dựa trên nền tảng: dân tộc, hiện đại và bền vững; kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh là Hội An - Điện Bàn - Tam Kỳ - Núi Thành; phát triển du lịch thông minh, du lịch xanh…

Dự báo đến năm 2035, dân số toàn thành phố khoảng 160.000 người; đất xây dựng đô thị khoảng 2.841 ha. Đến năm 2050, số dân khoảng 230.000 người; đất xây dựng đô thị khoảng 3.274 ha.

Đồ án quy hoạch chung cũng vạch ra các chiến lược phát triển đô thị Hội An trong giai đoạn tới: bảo tồn không gian mặt nước độc đáo, đa dạng và dễ biến động của Hội An; quảng bá Hội An như một thành phố của di sản sống; cải thiện tình trạng quá tải và phát triển bền vững hơn.

Để tạo điều kiện cho quá trình bảo tồn, phát triển và quản lý đô thị trong tương lai, TP Hội An sẽ được quy hoạch với 7 phân khu. Cấu trúc phân khu chức năng dựa theo ranh giới hành chính và tính chất, đặc điểm của 4 vùng không gian của Hội An. 

7 phân khu gồm: Khu đô thị dịch vụ di sản gồm các phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô, Tân An. Khu đô thị đảo gắn với trung tâm văn hóa-dịch vụ phường Cẩm Nam. Khu phát triển mới đô thị và nông thôn bao gồm phường Thanh Hà, xã Cẩm Hà. Khu dân cư sinh thái đảo xã Cẩm Kim. Khu đô thị gắn với cảnh quan sông nước phường Cẩm Châu, xã Cẩm Thanh. Khu đô thị dịch vụ cửa ngõ biển gồm phường Cẩm An, phường Cửa Đại. Khu dân cư gắn với bảo tồn sinh quyển xã đảo Tân Hiệp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung, định hướng phát triển đô thị Hội An đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, lưu ý đến một số vấn đề về quy hoạch dân số, hạ tầng, môi trường… Đồng thời, đề nghị TP Hội An tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, cập nhật thông tin mới nhất, tham vấn thêm các Bộ, ngành liên quan, nâng cao chất lượng; đẩy nhanh tiến độ triển khai đồ án. 

Vì tính chất đặc biệt của đô thị di sản, từ tháng 12/2015, tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương cho Hội An chọn tư vấn nước ngoài thực hiện quy hoạch.

Qua thời gian dài trì hoãn bởi một số vướng mắc, đến năm 2021, Liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) và Công ty AREP Villa (Pháp) được chọn là đơn vị tư vấn lập đồ án này.

Quy hoạch đề xuất các chiến lược phát triển phù hợp với bảo tồn là yếu tố hàng đầu, kết hợp phát triển kết nối hệ sinh thái di sản, tạo ra các giá trị mới giúp cải thiện cũng như bảo tồn đa dạng giá trị hiện hữu của đô thị để tạo lập cấu trúc “vườn trong phố - phố trong vườn” đặc trưng của Hội An.

Các trụ cột trong chiến lược phát triển đô thị của Hội An bao gồm: Chiến lược phát triển hệ sinh thái để bảo tồn không gian mặt nước độc đáo, đa dạng và dễ biến động của Hội An; chiến lược phát triển văn hóa quảng bá Hội An như một thành phố của di sản sống; chiến lược phát triển du lịch qua đó cải thiện tình trạng quá tải và phát triển bền vững hơn.

Bình luận