Đề nghị cơ chế cao hơn Nghị quyết số 54/2017/QH14
Nghị quyết số 31 ngày 30/12/2022 về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định xây dựng, phát triển TP.HCM trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam, châu Á…
Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, để đạt được các mục tiêu này, đòi hỏi phải có một Nghị quyết mới của Quốc hội với những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tạo điều kiện cho TP.HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An kiến nghị một số cơ chế như: Tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TP.HCM trong một số lĩnh vực (quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư và phát triển KTXH, quản lý nhà, đất và hạ tầng kỹ thuật xã hội đô thị, quản lý ngân sách nhà nước, tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức…), nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP.HCM phát triển theo nguyên tắc chỉ phân cấp ủy quyền một cấp, đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và có cơ chế kiểm soát quyền lực, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình…
Đi sâu góp ý chi tiết hơn vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, Điều 5 dự thảo Nghị quyết về tài chính ngân sách cho thấy, có những nhóm chính sách đã quy định trong Nghị quyết số 54/2017/QH14 và cũng đã được Quốc hội áp dụng đối với một số tỉnh, thành phố khác như: Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An…
Đề nghị xem xét đầy đủ, kỹ lưỡng hơn về tình hình và kết quả thực hiện các chính sách này và sắp xếp riêng một mục; đồng thời, cần có những quy định cụ thể hơn và đề nghị ở mức cao hơn để TP.HCM chủ động thực hiện ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực mà không cần phải chờ văn bản hướng dẫn.
Thúc đẩy hơn nữa đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông
Góp ý những nội dung chi tiết hơn cho dự thảo Nghị quyết, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị quy định rõ hơn một số vấn đề, và đề xuất một số giải pháp để TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, của vùng Đông Nam Bộ, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của vùng ĐBSCL.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, tại Điều 4 của dự thảo, việc tách dự án GPMB ra khỏi dự án tổng thể nhằm đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công là cần thiết trong bối cảnh hiện nay và sắp tới.
Tuy nhiên, đề nghị quy định rõ hơn 2 vấn đề: Một, nếu chủ đầu tư dự án tổng thể và dự án GPMB là một hay khác nhau thì sẽ như thế nào? Hai, tính cả kinh phí dự án GPMB vào kinh phí dự án tổng thể hay như thế nào?
Ngoài ra, đại biểu đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị Bộ Nội vụ sớm có cơ chế, chính sách xác định định biên trên cơ sở tiếp cận đa chiều của đối tượng quản lý cho cả nước, trong đó có TP.HCM trong việc chủ động xem xét, thẩm định, giao bổ sung, điều tiết số lượng biên chế cho các phường, xã, thị trấn cần căn cứ theo tiêu chí, thực tiễn địa phương về quy mô, diện tích, dân số, sự phức tạp của địa bàn tại TP.HCM để góp phần khắc phục tình trạng thiếu biên chế cũng như sự quá tải về công việc hiện nay.
Bên cạnh đó, để lấy TP.HCM là cực tăng trưởng, từ đó thúc đẩy thể chế liên kết vùng, cần tạo điều kiện và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối nội vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL và lân cận, tạo sự lưu thông, giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng, thu hút nguồn lực cho quá trình đô thị hóa TP.HCM, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng, như các tuyến đường Vành đai 4, các tuyến đường cao tốc kết nối TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ và các vùng lân cận...
Chú trọng vấn đề xã hội, môi trường đi đôi với phát triển kinh tế, tập trung giải quyết các điểm yếu về xã hội, môi trường hiện đại của thành phố, như năng lực y tế, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước, phát triển nhà ở, việc làm. Có thể xem xét bổ sung quy định về vấn đề này tại Điều 6 về quản lý đô thị, môi trường của Nghị quyết.
Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020 và sau 05 năm thực hiện thí điểm Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thành phố tiếp tục giữ vị thế, vai trò đầu tàu của kinh tế cả nước, vùng Đông Nam Bộ và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, đóng góp bình quân 20,3% GDP cả nước, 27% tổng thu NSNN. Tỷ lệ tham gia điều tiết về NSTƯ cao nhất nước là 82%, GRDP/người đạt 6.890USD, gấp 1,7 lần GDP trên người cả nước. |