Theo đó, tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu có tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và được ưu tiên triển khai trước năm 2030.
Theo thiết kế, dự án có chiều dài 6 km, lộ giới 60m, quy mô 12 làn xe. Tuyến đường này sẽ bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định và kết thúc tại Vành đai 3, đồng thời xây dựng một nút giao thông hoàn chỉnh tại điểm giao với Vành đai 3.
Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ trở thành trục giao thông chuyên dụng, kết nối trực tiếp cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Vành đai 3. Đồng thời, dự án giúp giảm tải giao thông trên các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh và Vành đai 2, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc quanh khu vực cảng Cát Lái.

Dự án đường nối Xa lộ Hà Nội với Vành đai 3 có tổng mức đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng sẽ triển khai theo hình thức PPP. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.498 tỷ đồng, dự án ưu tiên thực hiện trước năm 2030.
Theo thiết kế, dự án có chiều dài 6 km, rộng từ 107-120 m, quy mô 12 làn xe. Tuyến đường kéo dài từ nút giao Trạm 2 (TP Thủ Đức) đến Vành đai 3, đồng thời quy hoạch nút giao Gò Công thành nút giao 4 tầng hiện đại. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ kết nối Vành đai 2 và Vành đai 3, góp phần giảm tải áp lực giao thông trên các đoạn tuyến trong khu vực, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP Thủ Đức và vùng phụ cận.
Dự án khép kín Vành đai 2 có tổng mức đầu tư hơn 13.800 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.500 tỉ đồng. Dự án có chiều dài 64 km đã được tái khởi động sau 20 năm dang dở. Dự kiến vào tháng 9/2025, TP.HCM sẽ khởi công hai đoạn Vành đai 2 trên địa bàn TP Thủ Đức, gồm: Đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài 3,5km và đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng có chiều dài 2,8km.
Đến nay, TP Thủ Đức đã chi trả khoảng 3.000 tỉ đồng cho công tác bồi thường, hỗ trợ người dân và dự kiến hoàn tất chi trả bồi thường, bàn giao mặt bằng trong quý 2/2025.
Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ kết nối liên hoàn với các trục giao thông chính, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu Đông của TP.HCM, tăng cường kết nối giao thông đến các cảng Cát Lái và khu vực P. Trường Thọ - TP Thủ Đức.
Dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. Do không vướng giải phóng mặt bằng nên nguồn vốn cho dự án được chi từ ngân sách của TP.HCM.
Theo thiết kế, tuyến đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến Vành đai 2) dài 4 km sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, và nâng cấp cầu Mương Kênh, cầu vượt Đỗ Xuân Hợp. Dự án sẽ khởi công vào tháng 9/2025 và hoàn thành vào năm 2026.
Đối với các dự án đường cao tốc được coi là “xương sống” kết nối TP.HCM với khu vực lân cận, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện mở rộng đoạn cao tốc từ Vành đai 2 đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với tổng vốn khoảng 15.000 tỉ đồng. Theo đó, đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 sẽ được nâng cấp lên 8 làn xe, đoạn từ Vành đai 3 đến nút giao Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ mở rộng lên 10 làn xe. Dự án này dự kiến khởi công trong quý 3/2025 và hoàn thành vào tháng 12/2026.