Tại đề án này, TP.HCM đặt mục tiêu thu hút nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên là đầu tư phát triển hạ tầng, như giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là tuyến Vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối vùng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
TP.HCM cũng đặt mục tiêu sẽ rà soát cơ chế để huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội: phấn đấu đến năm 2025 đạt 420.000 tỷ đồng, năm 2026 đạt 477.000 tỷ đồng, năm 2027 đạt 528.000 tỷ đồng, năm 2028 đạt 584.000 tỷ đồng, năm 2029 đạt 646.000 tỷ đồng, năm 2030 đạt 714.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là mục tiêu huy động kiều hối hàng năm đạt 6 - 8 tỷ USD. Cùng với đó là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên; đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân từ 1,0%/GRDP trở lên. Kêu gọi xã hội hóa tham gia các dự án đầu tư bình quân đạt 3 - 5 dự án/năm.
UBND TP.HCM khẳng định việc xây dựng Đề án “Huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024 - 2030” là rất cần thiết nhằm đề ra định hướng, giải pháp quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng trong giai đoạn 2024 - 2030.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư xã hội năm 2022 (đạt hơn 333.600 tỷ đồng), khu vực vốn ngoài nhà nước chiếm cao nhất với 69,1%.
Trong đó, tổ chức doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất đạt 56,5% tổng vốn đầu tư thực hiện. Vốn của dân cư chiếm tỷ lệ 14%. Tiếp theo là vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ 13,6%. Vốn khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm tỷ lệ 9,9%, vốn vay chiếm tỷ lệ 0,015%.
Trong khi tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt 480.289 tỷ đồng, năm 2023 đạt 448.826 tỷ đồng. Điều đó cho thấy nguồn vốn đầu tư xã hội có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng thành phố trong những năm qua.
Theo đề án, đến năm 2030, tổng vốn đầu tư hạ tầng các lĩnh vực tại TP.HCM là khoảng 209.778 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải huy động theo hình thức đối tác công tư cho 16 dự án, dự kiến 69.256 tỷ đồng. Lĩnh vực giáo dục đào tạo là 24.803 tỷ đồng, với 110 dự án (2.638 phòng học). Lĩnh vực xây dựng 41.127 tỷ đồng, với 8 dự án.
Lĩnh vực văn hóa và thể thao 28.585 tỷ đồng, với 40 dự án. Trong đó, 21 dự án đã được HĐND TP.HCM thông qua với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 22.100 tỷ đồng. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn huy động 3.414 tỷ đồng, với 6 dự án. Lĩnh vực y tế huy động 42.592 tỷ đồng, với 48 dự án.
Nguồn: SGGP