TP.HCM đề xuất 12 cơ chế đặc thù cho đường Vành đai 4

14:00 25/11/2024
Đường Vành đai 4 TP.HCM dài 207 km kết nối 5 tỉnh, thành Đông Nam Bộ, có tổng mức đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng, được đề xuất 12 cơ chế đặc thù để huy động vốn tư nhân.

Đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, là tuyến đường chiến lược lớn nhất khu vực phía Nam khi hoàn thành sẽ tạo động lực, kỷ nguyên phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ và các vùng lân cận.

 Đây là dự án có quy mô lớn thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) có 2 phương án được đưa ra để xem xét, lựa chọn. Phương án 1 là giao cho các địa phương triển khai thành 5 dự án độc lập, Quốc hội sẽ ban hành cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, việc ban hành cơ chế đặc thù tương đương như một Bộ luật, trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ. Việc này chỉ thuận lợi đối với các địa phương không sử dụng ngân sách Trung ương hỗ trợ như TP.HCM. Hơn nữa, rất khó thu hút đầu tư cũng như đảm bảo đồng bộ trong tiến độ thực hiện dự án.

Phương án 2 là ghép 5 dự án thành 1 dự án tổng thể trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Thủ tục làm tương tự như đường Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội. Phương án 2 cũng là phương án được Bộ KH&ĐT và TP.HCM đề xuất.

Đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ đi qua 4 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An.

TP.HCM đề xuất 12 cơ chế đảm bảo tính đồng bộ, khả thi khi thực hiện dự án, bao gồm:

Chính sách 1, nâng tỉ lệ vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư dự án tổng thể và trên tổng mức đầu tư các dự án thành phần không vượt quá 70% (quy định hiện nay không quá 50%). Việc tăng tỉ lệ vốn nhà nước sẽ tăng tính hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia thực hiện dự án.

Chính sách 2, đây là tuyến đường kiên vùng thuộc nguồn chi của ngân sách Trung ương, vì vậy, các địa phương đề xuất cơ chế giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư dự án.

Chính sách 3, giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền đầu tư công trình nằm trên địa giới hành chính của địa phương giáp ranh, được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác đầu tư công dự án qua hai địa phương. Chính sách này các địa phương sẽ hỗ trợ nhau, linh hoạt về cơ chế chính sách cũng như nguồn vốn thực hiện dự án.

Chính sách 4, cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch phục vụ dự án (bao gồm khu tái định cư), các gói thầu thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thi công hạ tầng khu tái định cư để giải phóng mặt bằng. Theo tính toán của TP.HCM cơ chế này sẽ góp phần đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư khoảng 4 tháng, góp phần đưa dự án sớm khởi công và về đích đúng hẹn.

TP.HCM đề xuất 12 cơ chế để thực hiện dự án đường Vành Đai 4

Chính sách 5, trong thời gian thực hiện dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Chính sách 6, về trình tự, thủ tục lập, tổ chức thẩm định và thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khi các dự án thành phần cần phải điều chỉnh..

Chính sách 7, giao Chủ tịch UBND các tỉnh thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án thành phần. Kiến nghị trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về PPP. Chủ tịch UBND 5 tỉnh, thành có dự án đi qua được thành lập Hội đồng thẩm định cơ sở tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định đầu tư các dự án thành phần.

Chính sách 8, cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4 của từng địa phương được chuyển tiếp kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 không tính cộng vào tổng mức đầu tư công trung hạn giai đoạn sau của từng địa phương.

Chính sách 9, cho phép UBND 4 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, khu đô thị, chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật các đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chính sách 10, các cầu trong đô thị thuộc dự án Vành đai 4 từ cấp II trở lên và các nút giao thông không thuộc đối tượng phải thi tuyển phương án kiến trúc.

Đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua Đồng Nai có điểm cuối tuyến trước mố cầu Thủ Biên (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu)

Chính sách 11, về định mức, khoản mục chi phí đối với các hạng mục công việc chưa có định mức, đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam, chủ đầu tư được áp dụng định mức, đơn giá hoặc xác định chi phí theo suất đầu tư của các dự án, công trình tương tự, bao gồm cả các công trình nước ngoài có quy đổi về thời điểm tính toán hoặc theo thông lệ quốc tế.

Chính sách 12, cho phép chủ đầu tư được thực hiện trước các hoạt động lựa chọn nhà thầu, bao gồm cả việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được đầu tư phê duyệt đối với các gói thầu: cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, điều chỉnh quy hoạch, tư vấn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công. Chính sách này sẽ cắt giảm được thời gian khi phát sinh trong quá trình thực hiện dự án cũng như chi phí và thời gian trong hoạt động đấu thầu.

Thực tế cho thấy, đầu tư dự án Vành đai 4 theo hình thức PPP sẽ giảm gánh năng cho ngân sách bởi giai đoạn 1 dự án khoảng 122.774 tỷ đồng, trong đó phân đoạn tại Long An cần tới 72.674 tỷ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, dự án sẽ thu hút được 46.983,92 tỉ đồng từ nhà đầu tư, đồng thời giảm kinh phí bảo trì, vận hành, khai thác khi tuyến đường hình thành.

Dự kiến tiến độ thực hiện dự án như sau: chuẩn bị dự án năm 2024 - 2025; lựa chọn nhà đầu tư năm 2025; công tác bồi thường, tái định cư năm 2025 - 2026; thi công xây dựng, khởi công Quý I, II năm 2026; hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2028.

 

Bình luận