Theo nội dung Quy hoạch, Thành phố giữ quan điểm sắp xếp, tổ chức không gian theo hướng đô thị toàn cầu, đa trung tâm. Thành phố sẽ hình thành một khu đô thị trung tâm, một đô thị đồng hành là TP Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh được phát triển từ các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.
Trên cơ sở các hành lang quốc gia và vùng, TP.HCM đề xuất 2 kịch bản phát triển không gian. Kịch bản 1: Sẽ hình thành 1 khu vực đô thị trung tâm (gồm 16 quận), 1 thành phố là Thủ Đức - là đô thị song hành và 5 đô thị vệ tinh (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ). Kịch bản 2: Sẽ hình thành 1 khu vực đô thị trung tâm (gồm 15 quận), 1 thành phố Thủ Đức và 2 đô thị song hành gồm Củ Chi - Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè - Quận 7 - Cần Giờ.
TP.HCM đề xuất chọn kịch bản 1 vì tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của thời kỳ quy hoạch và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của Thành phố.
Theo đó, 5 vùng đô thị bao gồm:
Vùng đô thị trung tâm: phía Bắc, phía Tây là đường Vành đai 2, phía Nam là kênh Đôi - kênh Tẻ, phía Đông là sông Sài Gòn. Vùng trung tâm bao gồm các Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, một phần Quận 12. Tổng diện tích khoảng 17 nghìn ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 4,5 triệu người.
Vùng đô thị phía Đông: đã thành lập TP Thủ Đức, tổng diện tích khoảng 21 nghìn ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1,1 triệu người.
Vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc: phía Bắc giáp Tây Ninh, phía Tây giáp tỉnh Long An, phía Nam là ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn, Bình Chánh và đường Vành đai 2. Vùng đô thị này bao gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và một phần Quận 12, tổng diện tích khoảng 58,5 nghìn ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1,4 triệu người.
Vùng đô thị phía Tây: phía Bắc giáp ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và Bình Chánh, phía Nam giáp tỉnh Long An, phía đông giáp đường Vành đai 2 và sông Cần Giuộc. Vùng này bao gồm phần lớn huyện Bình Chánh. Tổng diện tích vùng khoảng 23,3 nghìn ha, quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 840 nghìn người.
Vùng đô thị phía Nam: phía Bắc giáp kênh Đôi - kênh Tẻ, phía Nam giáp tỉnh Long An và biển Cần Giờ, phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây là sông Cần Giuộc. Vùng bao gồm Quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, và toàn bộ huyện Cần Giờ với tổng diện tích 93,3 nghìn ha, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Quy mô dân số hiện hữu (2019) khoảng 1,2 triệu người.
Với chiến lược phân vùng như trên, kết hợp mô hình đô thị đa trung tâm gắn với đa dạng không gian sinh thái sẽ hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, nguồn lực về kinh tế, linh hoạt với các phạm vi và nguyên tắc.
Về định hướng phát triển kinh tế, UBND TP.HCM xây dựng 3 kịch bản phát triển. Trong đó, kịch bản 1 là mô hình tăng trưởng hiện tại, có áp dụng một số chiến lược đổi mới sáng tạo. Kịch bản này đề ra chỉ tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2025 đạt 5,3%, giai đoạn 2026-2030 đạt 7,9% và 2021-2030, đạt 6,6%.
Kịch bản 2 là đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nguồn lực thực hiện dự án giữ vai trò động lực tạo ra sự đột phá, phù hợp với xu hướng phát triển vùng Đông Nam Bộ. Các chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể là: giai đoạn 2021-2025 đạt 7,5-8,0%; giai đoạn 2026-2030 đạt 9,5-10,0% và giai đoạn 2021-2030 đạt 8,5-9,0%.
Kịch bản thứ 3 là xây dựng thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi, áp dụng hiệu quả mô hình kinh tế mới để tạo ra bước chuyển đột phá, khai thác tiềm năng lợi thế, vị trí chiến lược của thành phố. Các chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể là: giai đoạn 2021-2025 đạt 8,1%; giai đoạn 2026-2030 đạt 12,8% và giai đoạn 2021-2030 đạt 10,5%.
Phân tích những ưu, nhược điểm của 3 kịch bản trên, TP.HCM cho rằng: kịch bản 1 có tính khả thi cao, nhưng không đạt được chỉ tiêu về tăng trưởng và GRDP bình quân đầu người theo Nghị quyết số 31-NQ/TW, không tạo ra các động lực tăng trưởng làm tiền đề cho tầm nhìn 2050, cơ cấu kinh tế ngành mất cân đối. Kịch bản 2 đạt chỉ tiêu về tăng trưởng theo Nghị quyết 31-NQ/TW nhưng nhu cầu về vốn đầu tư khá cao, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Kịch bản 3 đáp ứng được khát vọng của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM, tuy nhiên, tính khả thi không cao nếu không hình thành được các động lực tăng trưởng mới và một số siêu dự án mang tính đột phá.
Sau khi cân nhắc, TP.HCM đề xuất phát triển theo kịch bản thứ 2. Với kịch bản này, Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 14.700-15.400 USD. Chỉ tiêu tăng trưởng này cũng là một thách thức lớn đối với TP.HCM.
Tuy nhiên, trong hồ sơ quy hoạch, TP.HCM đã tính toán quy hoạch gắn liền với các kế hoạch và chỉ tiêu phát triển kinh tế. Theo đó, TP.HCM dự kiến triển khai 199 dự án, trong đó có khoảng 72 dự án trọng điểm được đặc biệt ưu tiên đầu tư với tổng số vốn khoảng 360 tỷ USD.
Bên cạnh đó, TP.HCM dự kiến hình thành 2 khu thương mại tự do gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái, quy mô 1.000 - 2.000 ha; dự kiến bố trí trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm hoặc Trường Thọ với diện tích khoảng 100 -200 ha. Hình thành 37 KCN, 3 khu chế xuất, trong đó có 5 KCN đã thành lập nhưng chưa hoạt động có diện tích khoảng 754 ha, đề xuất 4 KCN với diện tích khoảng 1.368 ha. Ngoài ra còn có khoảng 11 KCN tiềm năng thành lập mới trong điều kiện TP.HCM được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất với diện tích khoảng 4.127 ha.
Quy hoạch chung TP.HCM lần này được đánh giá cao bởi gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế của cả vùng phía Nam như sân bay Long Thành, cảng Thị Vải, cảng trung chuyển Cần Giờ…
Sau khi hồ sơ được thông qua, Thành phố sẽ tiến hành song song xin ý kiến Bộ Chính trị, Bộ KH&ĐT để hoàn thiện trình Thủ tướng phê duyệt.