TP.HCM khát vọng thành lập trung tâm tài chính quốc tế

11:57 26/02/2022
Ngày 25/2, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã chủ trì hội thảo “Đề án Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế”. Hội thảo thu hút hơn 100 chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, kinh tế của Chính phủ.

Hội tụ đủ các điều kiện
Phát biểu mở đầu hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, việc hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành TTTC quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho TP.HCM. Song có thể thấy TP.HCM đang hội tụ cả lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng TTTC quốc tế.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM, dù TP.HCM chưa được xếp hạng trong chỉ số TTTC toàn cầu (GFCI) nhưng thành phố đang dẫn đầu danh sách 10 TTTC tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách xếp hạng chỉ số GFCI chính thức, với 148/150 hạng mục đã hoàn thành đánh giá.
Bà Lê Ngọc Thùy Trang phân tích, TP.HCM nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là tâm điểm của Đông Nam Á và châu Á. Thành phố đang là đầu tàu kinh tế và một trong những động lực chủ yếu của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả Việt Nam nói chung, đóng góp khoảng 22% GDP, chiếm hơn 31% số doanh nghiệp và thu hút hơn 37% số dự án FDI cả nước.

TPHCM khát vọng thành lập trung tâm tài chính quốc tế ảnh 1

Trung tâm thành phố và khu Thủ Thiêm sẽ được phát triển thành TTTC TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Thành phố là nơi tập trung lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư, kiều hối... Năng suất lao động của TP.HCM đạt khoảng 293 triệu đồng/người/năm, gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước. Về hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị TP.HCM thay đổi khá nhanh chóng và tương đối hiện đại.

Các chỉ số cạnh tranh, chỉ số phát triển con người của TP.HCM được duy trì ở tốp đầu trong nước. Trên thực tế, hiện Việt Nam đang có khoảng 100 tập đoàn lớn trên thế giới hiện diện, đã góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa năng suất, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. 
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, đánh giá, việc phát triển TTTC quốc tế ở TP.HCM vấp phải một số hạn chế. Thành phố đang bùng phát cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) nhưng xu hướng phát triển chưa rõ. Thành phố cũng có nhiều ngân hàng nhưng hành lang pháp lý chưa đủ để ngân hàng đột phá phát triển thành tổ chức tài chính độc lập, ngân hàng số.

Mặt khác, hệ thống tài chính đang phát triển theo hướng mất cân đối trong cấu trúc. Trong đó, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển cân xứng với thị trường tín dụng, gây sức ép lên hoạt động cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hạ tầng công nghệ thông tin dù có sự cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với các quốc gia có TTTC phát triển trên thế giới. 
Trao quyền chủ động cho TP.HCM
Để có thể đẩy nhanh tiến độ thành lập TTTC quốc tế ở TP.HCM, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, đề xuất, Chính phủ cần trao quyền cho TP.HCM chủ trì áp dụng khung pháp lý thí điểm (sandbox) cho cộng đồng doanh nghiệp fintech, TTTC quốc tế tại TP.HCM dưới sự hỗ trợ giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các bộ. Sandbox cho các hoạt động liên quan đến tiền mật mã (cryptocurrency); khung pháp lý cho hoạt động của các công ty công nghệ lớn (bigtech)…
Ông Nguyễn Xuân Thành kiến nghị thêm, cần thiết phát triển các tổ chức tài chính theo mô hình tập đoàn tài chính kết hợp xây dựng khung pháp lý áp dụng cho các tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính. Các tập đoàn tài chính được phép phát triển các sản phẩm mới theo cơ chế cấp phép nhanh, được đóng vai trò tạo dựng và dẫn dắt trên các thị trường tiền tệ, chứng khoán và bảo hiểm. Đổi lại, các tập đoàn tài chính phải tuân thủ các chuẩn mực về hoạt động an toàn tương đương với chuẩn mực cao nhất của quốc tế và chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên ngành căn cứ vào các chuẩn mực này. 
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhận định, để hình thành và vận hành hiệu quả các TTTC tầm cỡ khu vực và quốc tế, cần rất nhiều nỗ lực thực hiện, bao gồm định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực, xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư…

Ý tưởng về việc xây dựng TTTC quốc tế của Việt Nam tại TPHCM đã có từ cách đây gần 20 năm và Thủ tướng đã đồng ý cho UBND thành phố nghiên cứu, lập đề án xây dựng. Điều này thể hiện khát vọng của thành phố phải thành lập cho được trung tâm này. Và cùng với những đóng góp của các chuyên gia, TPHCM sẽ giao các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện đề án này và trình Trung ương xem xét vào tháng 5-2022. 

“Đề án Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế” do Công ty CP Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM và Trường Đại học Fulbright Việt Nam xây dựng, xác định, từ nay đến năm 2025, thành phố cần tập trung triển khai 4 chương trình hành động. 
Một là phát triển fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số tại TTTC quốc tế TP.HCM.
Hai là thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực cho TTTC quốc tế ở TP.HCM. Việc này có mức độ ưu tiên cao nhất. Để triển khai Đề án TTTC quốc tế ở TP.HCM cần có cơ sở bằng văn bản xác định rõ chủ trương, định hướng và nhiệm vụ ở cấp cao nhất. Nghị quyết của Bộ Chính trị là cơ sở để Chính phủ thành lập Hội đồng Phát triển TTTC quốc tế ở TP.HCM và thực hiện các đổi mới về cơ chế chính sách.
Ba là phát triển Khu Tài chính - Thương mại Thủ Thiêm, với điểm nhấn là lựa chọn mô hình thu hút đầu tư xây dựng và phát triển TTTC quốc tế. Cụ thể là 4 phương án khác nhau gồm: đấu giá đất để nhà đầu tư tự do quyết định phương thức đầu tư; đấu thầu dự án theo các yêu cầu của thành phố; mô hình đối tác công tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Bốn là phát triển thị trường hàng hóa tại TTTC quốc tế ở TP.HCM. 

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương: Phát huy lợi thế đang có
Để hình thành TTTC, TPHCM nên nâng cấp những gì đã có, đồng thời phát triển thêm những dịch vụ mới như thành lập trung tâm hàng hóa phái sinh, fintech, ngân hàng số. Việc phát triển TTTC có khả năng vấp phải những rào cản lớn về pháp lý và cần phải có đột phá thể chế. TPHCM cần mạnh mẽ hơn trong đề xuất với Chính phủ, Quốc hội thay đổi thể chế pháp lý cho phù hợp. TTTC quốc gia tại TPHCM thì Trung ương phải vào cuộc. Đây cũng là công việc của Chính phủ. Do đó, nếu TPHCM tham gia chủ trì, các bộ ngành chỉ tham gia bổ sung thì khó thành công. TPHCM chỉ có thể là đồng chủ trì đề án. Mặt khác, có cách tiếp cận từng vấn đề như thành lập thị trường phái sinh chỉ nên ở mức nghị định là có thể làm được. Hoặc vận động ban hành một luật riêng về fintech, một luật riêng về ngân hàng số, hơn là sửa đổi quy định pháp luật về tổ chức tín dụng hay thay đổi hệ thống pháp luật hiện nay. 
TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Sớm thay đổi thể chế tài chính
Để phát triển TTTC, phải sửa lại luật lệ về tài chính. Hiện Việt Nam chưa có luật về tập đoàn tài chính. Đây là vấn đề thuộc về thể chế. TTTC suy cho cùng có 2 từ là thể chế tài chính và hàng hóa tài chính. Nếu không thay đổi thể chế tài chính thì không thể ra được TTTC. Thể chế không cho phép tồn tại hàng hóa, dịch vụ thì làm sao hình thành TTTC! Rủi ro khi xây dựng TTTC là thể chế vẫn còn như cũ. Do đó, bộ ngành phải cùng TP.HCM tập trung vấn đề này. Đánh giá tác động giữa các rủi ro và cơ hội đến mức độ nào? Chừng nào chưa chuyển đổi được đồng tiền Việt Nam thì tính cạnh tranh vô cùng thấp, sức ảnh hưởng của TTTC chưa cao. TTTC là sự biến động, nên phải xây dựng thể chế để có “vaccine” cho những biến động đó. 
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Bổ sung thêm kinh nghiệm các nước
Đề án nên bổ sung kinh nghiệm quốc tế ở Singapore, Dubai, Thượng Hải… để có bài học đầy đủ hơn về TTTC. Về quản lý nhà nước, đề án TTTC đại diện là TP.HCM. Chúng ta định làm TTTC tầm quốc gia thì ban quản lý có thẩm quyền đại diện từ các bộ ngành quan trọng. Thêm nữa, tổ chức này cần lưu ý hơn về các chuyên gia làm việc tại đây, chế độ thế nào, nguồn kinh phí ở đâu. Ngoài ra, đề án phải thêm phần đánh giá tác động, ngoài nhìn nhận rủi ro cần đánh giá tích cực trong huy động vốn ở TP.HCM và vùng Đông - Tây Nam bộ; tác động đến đời sống xã hội. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược còn liên quan đến địa chính trị và chủ quyền, an ninh tiền tệ.

Bình luận