Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở ngành, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp…
Mô hình đạt hiệu quả
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, sau 30 năm xây dựng, đến nay trên địa bàn TP.HCM đã có 17 KCX-KCN với tổng diện tích 4.000ha. Diện tích còn khiêm tốn nhưng các KCX-KCN hoạt động rất hiệu quả, đóng góp tỷ trọng lớn trong công nghiệp và xuất khẩu.
Tuy nhiên, để đánh giá lại toàn diện những mặt được và chưa được của mô hình này, TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án Định hướng phát triển các KCX-KCN TP.HCM giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040 với mong muốn lắng nghe các hiến kế, để từ đó định hướng, tái cấu trúc lại theo tình hình thực tế, xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Báo cáo về tình hình hoạt động của các KCX-KCN, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM (Hepza) Hứa Quốc Hưng cho biết, các KCX, KCN được thành lập thời kỳ đầu những năm 90 như KCX Tân Thuận, Linh Trung 1 và 2, KCN Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, Vĩnh Lộc, Tân Bình, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi, Hiệp Phước giai đoạn 1 đã hoạt động được hơn một nửa thời hạn của dự án.
Quang cảnh buổi hội thảo ngày 11/8/2022. Ảnh: Hoàng Hùng
Một số khu cũng bộc lộ những hạn chế, đó là chưa đảm bảo phát triển bền vững trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Một số khu, ngành nghề thâm dụng lao động còn cao, giá trị thu hút trung bình trên 1ha đất còn thấp. Đây cũng là nguyên nhân UBND TPHCM giao Hepza sớm hoàn thành Đề án để có hướng điều chỉnh phù hợp, kịp thời. “Qua tìm hiểu, doanh nghiệp tại các KCX-KCN đã hoạt động được một nửa chu kỳ dự án, hiện nay đang “do dự” đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị do thời gian còn lại ngắn, chỉ còn hơn 20 năm (một số khu chưa tới 20 năm).
Đồng thời, Ban Quản lý và các công ty xây dựng - kinh doanh cơ sở hạ tầng KCX-KCN cũng gặp khó khăn trong thu hút đầu tư những dự án mới do thời gian còn lại của dự án là quá ngắn, khó thu hồi vốn cho dự án đầu tư sản xuất”, đồng chí Hứa Quốc Hưng cho biết.
Trước thực trạng này, các doanh nghiệp, công ty xây dựng - kinh doanh cơ sở hạ tầng đều mong muốn thành phố sớm có phương án định hướng phát triển các KCX-KCN hiện hữu, lộ trình, chính sách chuyển đổi KCX-KCN để các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao an tâm đầu tư dài hạn; các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cũ, lạc hậu có kế hoạch đổi mới công nghệ, cũng như tiếp tục thu hút những dự án mới phù hợp quy hoạch, định hướng của thành phố vào KCX-KCN.
Quy hoạch phải có trọng tâm trọng điểm
Đại diện hầu hết hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tham dự hội thảo đều thể hiện tha thiết mong muốn UBND TPHCM giữ lại các KCX-KCN, đặc biệt KCX Tân Thuận khi thời hạn còn lại rất ngắn.
Phát biểu góp ý cho Đề án, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, quy hoạch KCX-KCN phải đồng bộ trên cơ sở kế thừa, xem xét lại cái hay cái đúng. Đặc biệt, trong quy hoạch phải có thời hạn rõ ràng và xem xét thận trọng những vấn đề phát sinh gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
“KCX Tân Thuận đã hoàn thành sứ mệnh nhưng để như hiện nay thì không ổn. Nên chăng nâng cao hiệu suất dự án đầu tư và mở rộng diện tích, như gắn với Khu kinh tế phía Nam thành phố. Muốn thúc đẩy phát triển các KCX-KCN, quy hoạch sắp tới phải có trọng tâm trọng điểm. Coi khó khăn của nhà đầu tư như chính mình và chăm sóc nhà đầu tư chu đáo... Đặc biệt, để khắc phục những khó khăn hiện nay, cần áp dụng mô hình trước đây, có cơ chế một cửa tại chỗ, được tự chủ tài chính”, ông Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng ban Quản lý Hepza, đề xuất.
Đại diện Công ty TNHH Hepzone - Linh Trung đề nghị, ngoài việc giữ lại các KCX-KCN hiện hữu nhằm tạo lòng tin cho nhà đầu tư với điều kiện doanh nghiệp cần thay đổi công nghệ phù hợp với xu hướng và tránh những ngành nghề thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, cần mở rộng và “linh hoạt” cho các ngành nghề khi đáp ứng các tiêu chí, chứ không gói gọn nhóm ngành từng khu như hiện nay để doanh nghiệp không phải qua khu vực khác.
Đồng thời, lựa chọn nhà đầu tư vào các KCX-KCN có năng lực mạnh về tài chính và có kinh nghiệm đầu tư quốc tế. Ngoài ra, Đề án cần lưu ý đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng như cung cấp điện, nước, gas, IT… ổn định cho các nhà máy hoạt động không bị gián đoạn; tạo điều kiện thuận tiện về tuyến đường từ khu KCX-KCN đến sân bay và năng lực đối ứng của sân bay…
Chia sẻ tại cuộc họp, đại diện Hepza cho biết đã kiến nghị Chính phủ, Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục mở rộng các KCX-KCN cũ và mới. Về vấn đề này, đồng chí Võ Văn Hoan khẳng định, TPHCM không có chủ trương bỏ hay “xóa sổ” KCX-KCN nào, mà định hướng chuyển đổi cho phù hợp, đồng thời bổ sung định hướng cho các KCX-KCN mới!
Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM có 23 KCX-KCN tập trung với tổng diện tích 5.921ha. Đến nay, đã có 19 KCX-KCN được thành lập, trong đó 17 KCX-KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Từ khi triển khai đến nay, các KCX-KCN của thành phố đã thu hút được 1.665 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của các KCX-KCN khoảng 8 tỷ USD, chiếm khoảng 21% kim ngạch xuất khẩu của thành phố (trừ dầu thô). Thu ngân sách các doanh nghiệp trong các KCX-KCN hàng năm gần 50.000 tỷ đồng. |
Nguồn: Báo SGGP