Sau khi được Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư, TPHCM đã quyết tâm triển khai dự án nhanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của TP và khu vực.
Kỳ vọng không gian, động lực mới cho sự phát triển
Phát biểu tại Hội nghị triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đây là hội nghị quán triệt cả hệ thống chính trị từ TP đến quận, huyện, cơ sở… với quyết tâm cao nhất để thực hiện dự án. TP đã thành lập Hội đồng cố vấn gồm các nhà quản lý giàu kinh nghiệm, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng giao thông để giúp Ban chỉ đạo dự án trong quá trình triển khai.
Nói về việc Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng dự án đầu tư Vành đai 3 (Nghị quyết 57/2022/QH15), Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Đây là quyết sách rất quan trọng để phát triển hạ tầng giao thông, góp phần cho TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm mở ra không gian, động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực phía Nam, giúp TP.HCM tiếp tục là đầu tàu về kinh tế của cả nước”.
Dự án có chiều dài 76,34km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại đảm bảo đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 642,7ha (trong đó TPHCM 408ha), với 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng…
Theo kế hoạch đến tháng 6-2023 dự án sẽ được khởi công xây dựng. Do đây là dự án có quy mô lớn về vốn cũng như khối lượng công việc, lại triển khai trong thời gian ngắn với quyết tâm thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2026 và đưa vào sử dụng trong năm 2026, nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) hết sức cấp bách.
Vì thế sự phối hợp giữa các địa phương có dự án đi qua rất quan trọng, nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đúng theo kế hoạch.
Kiến nghị cơ chế và chính sách đặc thù
Để thực hiện dự án Vành đai 3, TP.HCM phải thu hồi hơn 408ha nên sẽ có hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời, tái định cư. Với những quy định hiện hành nhiều người lo không kịp giao mặt bằng để khởi công vào tháng 6-2023, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TP.HCM, cho biết theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 93 Luật Đất đai năm 2013 và Điểm b Điều 41 Quyết định 28/2015/QĐ-UBND, việc bố trí tái định cư cho hộ dân đủ điều kiện sẽ được thực hiện sau khi UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ dân.
Trong trường hợp hộ dân nhận tái định cư bằng nền đất phải có thêm 6 tháng (kể từ ngày nhận được nền tái định cư) để xây dựng nhà ở. Nếu chủ đầu tư cần gấp mặt bằng phải chi trả tiền để hộ dân tự thuê nhà ở hoặc bố trí vào các khu tạm cư, dẫn đến hộ dân sống tạm bợ, phải di chuyển chỗ ở nhiều lần, vừa phát sinh kinh phí, vừa không đảm bảo hộ dân ổn định cuộc sống.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, Sở TN-MT kiến nghị UBND TP xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho thực hiện thí điểm chính sách tái định cư dự án Vành đai 3.
Đối với các trường hợp qua kiểm tra, rà soát, xác nhận pháp lý nhà đất, UBND TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh xác định là đủ điều kiện được bố trí tái định cư thì khẩn trương tiếp xúc, vận động hộ dân nhận nhà, đất tái định cư. Về giá căn hộ, nền đất bố trí tái định cư, UBND TP sẽ phê duyệt giá tái định cư trước khoảng 6 tháng so với thời điểm phê duyệt giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ.
Đối với các trường hợp nhận tái định cư bằng nền đất, giao Hội đồng bồi thường dự án căn cứ vào tiến độ xây dựng nhà của hộ dân để tạm ứng một phần tiền bồi thường, hỗ trợ về công trình, vật kiến trúc hoặc tiền bồi thường, hỗ trợ về đất (nếu có chênh lệch lớn hơn tiền nền đất tái định cư), giúp hộ dân có điều kiện xây dựng nhà mới nhưng thời gian xây dựng không quá 6 tháng.
Đồng thời giám sát tiến độ xây dựng nhà của các hộ dân, đảm bảo số tiền tạm ứng được sử dụng đúng mục đích. Hộ dân được giải quyết nhận tái định cư trước phải cam kết sử dụng tiền được tạm ứng để xây dựng nhà mới (nếu được tạm ứng), cam kết bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ, kế hoạch của Hội đồng bồi thường dự án.
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Phan Văn Tuấn, để kịp tiến độ bàn giao bình độ tuyến phù hợp với ranh tuyến dự án đi qua giúp dự án khởi công đúng tiến độ, qua rà soát có 32 đồ án cần điều chỉnh quy hoạch. Sở đang tham mưu cho TP, phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức để đến 30-9-2022 các đồ án này có thể xem xét để điều chỉnh. Được biết ngày 5-7 đã bàn giao 22km/47km cho chủ đầu tư, ngày 30-7 tới sẽ tiếp tục bàn giao mặt bằng tại một số khu vực.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang trình Chính phủ ban hành nghị quyết để triển khai dự án này. Theo dự thảo nghị quyết nhiều nội dung có tính đột phá cũng như có những chính sách nhằm tạo thuận lợi để triển khai dự án.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.HCM và chủ tịch các địa phương liên quan có thẩm quyền được áp dụng chỉ định thầu và thực hiện theo quy trình chỉ định thầu rút gọn trong 2 năm, kể từ khi Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời.
Bí thư Thành ủy TPHCM NGUYỄN VĂN NÊN:
Lo cho dân trước mới nói đến GPMB
Việc GPMB để thi công phải tính toán để làm sao người giữ đất, người sử dụng đất yên tâm khi bàn giao đất, đồng thuận hoặc tương đối đồng thuận việc giao mặt bằng thi công, hạn chế tối đa cưỡng chế.
Chú ý việc bồi thường tái định cư trước rồi mới GPMB. Phải nói cho dân hiểu, dân thông, dân thực hiện, dân đồng thuận mọi thứ mới ổn. Cố gắng đừng để người dân quá thiệt thòi, đó là chính sách, phải lo việc này cho chu đáo. Phải nắm hoàn cảnh, nhu cầu, cuộc sống để chúng ta tính toán chuyện tái định cư.
Về quy hoạch, trước hết phải rà soát, đối chiếu, làm sớm. Mỗi việc làm phải khoa học, có lịch, có phân công cụ thể, có trách nhiệm, có kiểm tra, giám sát. Thành ủy sẽ có văn bản chỉ đạo, đưa ra quyết tâm chính trị và phân công thực hiện.
Việc gì phát sinh cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền tránh làm tới làm lui, để ngày hoàn công dứt khoát có niềm vui trọn vẹn. Cố gắng quyết tâm cao nhất để hoàn thành dự án đúng theo thời gian Quốc hội và Trung ương giao.
Nguồn: Báo SGGP