Ngày 07/01, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức thẩm định đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn - Chủ tịch Hội đồng thẩm định - chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM; cùng đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội là thành viên Hội đồng thẩm định.
Tiếp tục phát triển mô hình đô thị loại đặc biệt trực thuộc Trung ương
Theo đồ án, phạm vi lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 2.123,29 km2, bao gồm toàn bộ diện tích thuộc ranh hành chính hiện hữu của TP.HCM là 2.095,5 km2 và vùng biển Cần Giờ có liên quan (bao gồm các khu chức năng lấn biển).
Ranh giới cụ thể như sau: Phía Bắc giáp tỉnh Bình Dương; phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang; phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía Nam giáp biển Đông.
Thời hạn quy hoạch: ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
TP.HCM được xác định là đô thị loại đặc biệt trực thuộc Trung ương; trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và công nghệ quan trọng của quốc gia, có vai trò tiên phong dẫn dắt đổi mới, sáng tạo; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
Đồng thời là một trong những trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, du lịch hỗn hợp, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo; trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Thành phố cũng được định hướng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, kinh tế trí thức, phát triển khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ của khu vực miền Đông Nam bộ; đầu mối giao thông, hạ tầng số quan trọng trong vùng Đông Nam Bộ, quốc gia và quốc tế.
Ngoài ra là trung tâm liên kết vùng, đầu mối kết nối các loại hình vận tải đa phương thức của vùng phía Nam; và là một trong những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực miền Đông Nam bộ và cả nước.
Dự báo quy mô dân số thực tế thường trú toàn Thành phố: Đến năm 2030 khoảng 11 triệu người; đến năm 2040 khoảng 13 triệu người; đến năm 2060 khoảng 16 triệu người.
Quy mô đất xây dựng: Đến năm 2030, đất xây dựng toàn Thành phố khoảng 107.832 ha, chỉ tiêu trung bình khoảng 79 m2/người. Đến năm 2040, đất xây dựng toàn thành phố khoảng 126.511ha, chỉ tiêu trung bình khoảng 77 m2/người.
Định hướng phát triển không gian các phân vùng đô thị
Theo đồ án, TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, gắn với đa dạng không gian sinh thái, bao gồm khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) và 6 phân vùng đô thị là TP Thủ Đức - ở phía Đông, TP Bình Chánh - ở phía Tây, TP Hóc Môn - ở phía Bắc, TP Củ Chi ở phía Tây Bắc, TP Nhà Bè phía Nam và TP Cần Giờ - ở phía Đông Nam.
Đồng thời hội tụ và lan tỏa động lực phát triển bởi sông Sài Gòn, 10 trục xuyên tâm, 3 vành đai và hành lang kinh tế biển; kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia và quốc tế.
Mỗi phân vùng đô thị đều là những vùng đa chức năng, có thể đáp ứng nhu cầu việc làm và môi trường sống có chất lượng cao, tại chỗ, cho bộ phận lớn người dân và thực hiện vai trò trung tâm vùng, quốc gia và quốc tế; đô thị phát triển tập trung gắn với giao thông công cộng. Cụ thể:
(1) Khu vực đô thị trung tâm - bao gồm 16 quận nội thành hiện hữu, được giới hạn bởi ranh giới với các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và sông Sài Gòn (ranh giới với TP Thủ Đức): có chức năng là trung tâm hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo… Trung tâm của vùng đô thị trung tâm là khu vực trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn và phụ cận, đồng thời là trung tâm chính của toàn Thành phố.
(2) TP Thủ Đức: có chức năng là đô thị sáng tạo, giáo dục, đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, y tế, du lịch sinh thái…, trong đó, trung tâm tài chính quốc tế được định hướng phát triển tại khu vực Thủ Thiêm.
(3) Phân vùng đô thị phía Bắc - TP Hóc Môn: có chức năng là đô thị dịch vụ, văn hoá - giải trí, chăm sóc sức khoẻ; Công nghiệp tiên tiến, đào tạo...
(4) Phân vùng đô thị phía Tây - TP Bình Chánh: có chức năng là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh - hoá dược, giáo dục đào tạo…
(5) Phân vùng đô thị phía Nam - TP Nhà Bè: có chức năng là khu công nghệ cao, sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hoá nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, công nghiệp, logistics…
(6) Phân vùng đô thị phía Tây Bắc - TP Củ Chi: có chức năng là đô thị dịch vụ giải trí, văn hoá, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ sinh thái môi trường và nông nghiệp (cảnh quan, chất lượng cao, công nghệ cao); công nghiệp dẫn dắt; hỗ trợ và đào tạo công nghệ phục vụ nông nghiệp và công nghệ sinh thái môi trường…
Đối với khu vực nông thôn, các khu vực được quy hoạch giữ lại là khu vực nông thôn của TP.HCM, đến năm 2040, dự kiến bao gồm 13 xã thuộc các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ hiện nay, với các chức năng như: dân cư nông thôn, du lịch sinh thái, nông nghiệp đô thị và các chức năng khác phục vụ cho việc phát triển nông thôn, cũng như các chức năng đô thị hoá, tạo tiền đề để thực hiện đô thị hoá ở giai đoạn sau năm 2040.
Duy trì ở mức tối đa sự ổn định của hệ thống khu dân cư hiện hữu. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn đô thị, kết nối với khung hạ tầng vùng và của Thành phố.
Phát triển các khu trung tâm, nhà ở mới theo hướng tập trung, phù hợp với các đặc thù cảnh quan, sinh thái, để đáp ứng nhu cầu nhà ở và đô thị hoá, trong tương lai.
Phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, cung cấp nông sản trực tiếp cho Thành phố, tạo nền tảng sinh thái cho hoạt động dịch vụ du lịch. Kiến trúc nhà ở và cơ sở hạ tầng được xây dựng và cải tạo phù hợp với điều kiện sống hiện đại, cũng như đặc trưng từng tiểu vùng.
Phân loại các dự án đầu tư để đề xuất nguyên tắc xử lý phù hợp
Bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) lưu ý, thuyết minh đồ án cần bám theo các nội dung của Nhiệm vụ Quy hoạch đã được phê duyệt; cấu trúc lại để đồ án mạch lạc, rõ ràng hơn.
Đối với các dự án đã được đầu tư trên địa bàn, cần đánh giá, rà soát các nhóm dự án, đặc biệt là về tính pháp lý, cũng như có hướng xử lý để đảm bảo quy hoạch có tính kế thừa, nhưng vẫn tuân thủ các quy định pháp luật.
Liên quan đến định hướng phát triển không gian, phân vùng đô thị, cần có lộ trình cụ thể, để đảm bảo không lãng phí trong thực hiện quy hoạch ở bước tiếp theo, cũng như đảm bảo sự phù hợp với Quy hoạch TP.HCM vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Ngoài ra, cần đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặc biệt là các chỉ tiêu về cây xanh, đất dân dụng, đất đơn vị ở và các khu chức năng khác, đồng thời cần làm rõ hơn các khu vực chức năng, công nghiệp, đô thị và khu vực chức năng hỗn hợp khác, có các chỉ tiêu để kiểm soát trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Ngoài ra, bên cạnh khu vực dự kiến thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Thủ Thiêm, cần dự trù xem có những khu vực nào có thể xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế.
Cuối cùng, cần làm rõ các vấn đề về giao thông kết nối, đặc biệt là vấn đề kết nối trung tâm TP.HCM ra Cần Giờ bằng hệ thống metro, cần có độ mở để các phương thức kết nối đảm bảo các yêu cầu tăng trưởng; xây dựng các nguyên tắc chung về vấn đề không gian ngầm…
KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, với vai trò phản biện cho đồ án, nhấn mạnh cần làm rõ hơn nội dung về liên kết vùng của TP.HCM, trong đó có mối quan hệ với sân bay Long Thành, kết nối với cửa khẩu Mộc Bài, cảng Cái Mép - Thị Vải; kết nối với các địa phương khác, đặc biệt là kết nối với Long An, Tiền Giang.
Bên cạnh đó, đồ án cũng cần xác định các công trình điểm nhấn, như các công trình văn hoá, dịch vụ: sân vận động, trung tâm nghệ thuật biểu diễn, bảo tàng…
Đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội đóng một số ý kiến khác để hoàn thiện đồ án, như bổ sung danh mục các dự án theo quy hoạch, rà soát các dự án không triển khai, không phù hợp hoặc có vi phạm để có phương án xử lý; dự báo các loại hình nhà ở, đánh giá cung cầu, giải pháp phát triển nhà ở xã hội…
Các Bộ, ngành cũng đề nghị cơ quan lập quy hoạch rà soát, thống nhất nội dung đồ án đường sắt đô thị; phát triển các loại hình đô thị đặc thù, mối quan hệ của các loại hình với nhau; nghiên cứu sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2026-2030, bổ sung các nội dung của giai đoạn 2026-2030; nghiên cứu kết hợp đường trên cao có chức năng ngăn triều; nghiên cứu xây dựng hệ thống metro ở mức độ phù hợp…
Tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng thẩm định, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nhiều nội dung của đồ án được xây dựng có độ mở để tạo thuận lợi cho công tác triển khai quy hoạch, cũng như việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố sẽ chỉ đạo cơ quan lâp quy hoạch rà soát các nội dung theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định, cập nhật các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật, xác định nguồn lực thực hiện quy hoạch; đồng thời sẽ triển khai thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch không gian ngầm… sau khi điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn lưu ý, UBND TP.HCM chỉ đạo tự rà soát các căn cứ lập đồ án quy hoạch, đánh giá việc triển khai các nội dung của Quy hoạch chung 2010, làm rõ các bất cập; đánh giá thực trạng các dự án đang triển khai, có tiêu chí phân loại dự án để đề xuất nguyên tắc xử lý phù hợp.
Ngoài ra cần đánh giá được các bất cập về hạ tầng đô thị, giao thông, thoát nước, tình trạng ngập úng; đánh giá mối quan hệ của hệ thống đô thị của TP.HCM với hệ thống đô thị xung quanh.
Đối với nội dung dự báo phát triển, cần bổ sung thuyết minh, làm rõ cơ sở dự báo, đặc biệt về dân số quy đổi, có luận cứ khoa học cho từng đô thị; chỉ tiêu áp dụng đối với TP.HCM nói chung và từng đô thị.
Quy hoạch không gian, chuyển từ mô hình tập trung đa cực sang mô hình đô thị đa trung tâm, hệ thống đô thị… cần phân tích, đánh giá mang tính khoa học, phù hợp; xây dựng lộ trình phù hợp về sắp xếp đơn vị hành chính, chuyển đổi mô hình phát triển, phân vùng đô thị, phân bổ không gian đô thị gắn liền với hệ thống sông Sài Gòn, biển Cần Giờ...
Thứ trưởng cũng lưu ý rà soát đảm bảo tiêu chí đô thị, có các công trình cấp đô thị, quy mô quốc gia; xây dựng hành lang pháp lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn về không gian ngầm; chỉ tiêu sử dụng đất ở, đất dân dụng… đảm bảo có độ mở, linh hoạt nhưng cũng cần đảm bảo mục tiêu kiểm soát khi đi vào thực hiện.
Đặc biệt cần luận giải được cơ sở khoa học, tính khả thi của các mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, cao độ nền thoát nước mặt, các khu vực tiêu thoát nước, quy hoạch cấp thoát nước và xử lý chất thải rắn cũng như các chương trình, dự án đầu tư.
Kết quả, các thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với điều kiện có hoàn thiện, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.