Liên quan báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Thành Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố vừa có báo cáo cho biết, qua rà soát, Thành phố Hồ Chí Minh có quỹ đất hơn 2.400 ha vùng phụ cận tuyến đường để đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tính toán nguồn thu ngân sách từ quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 2.400 ha đất dọc tuyến để đấu giá quyền sử dụng đất, qua đó bổ sung vốn thực hiện Vành đai 3. Trong đó, diện tích đất do Nhà nước trực tiếp quản lý là 514,9 ha; diện tích đất do người dân trực tiếp sử dụng là 1.898 ha.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, quỹ đất này dự kiến sau khi thu hồi sẽ tổ chức đấu giá nên hiện Sở chưa đủ cơ sở xách định nguồn thu. Việc này cần có thời gian để rà soát quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và chỉ có thể thực hiện sớm nhất là vào thời điểm báo cáo khả thi.
Tại Đồng Nai, để tạo nguồn lực đầu tư đường Vành đai 3, tỉnh Đồng Nai đã dự trù khai thác đấu giá 3 khu đất dọc tuyến với tổng diện tích khoảng 214 ha. Giá trị tạm tính có thể thu về cho ngân sách sau khi đấu giá 3 khu đất là 4.332 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Long An đang được rà soát.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổng nhu cầu sử dụng đất cho các dự án thành phần tuyến đường Vành đai 3 là 642,7 ha (quỹ đất xây dựng đường và công trình liên quan).
Dự án có 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, trong đó có khoảng 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư. Các địa phương đã chuẩn bị địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí tái định cư; riêng Bình Dương, người dân đồng thuận chính sách hỗ trợ để người dân tự lo nơi ở mới.
Cuối tháng 1/2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 với tổng mức đầu tư khái toán khoảng 75.777 tỷ đồng. Tuyến đường dài gần 92 km, đi qua địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, được chia làm 4 đoạn lớn.
Dự tính thời gian chuẩn bị đầu tư thực hiện từ nay đến năm 2023; giai đoạn 2023-2024, dự án sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng; năm 2025, việc thi công tuyến đường cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến và sẽ hoàn thiện dự án năm 2026.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đề xuất dự án đầu tư công. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% (khoảng 39.990 tỷ đồng) tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; 100% tổng mức đầu tư dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An. Ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án: Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 24.380 tỷ đồng; Đồng Nai là 1.624 tỷ đồng; Bình Dương khoảng 9.781 tỷ đồng.
Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (cơ quan chuẩn bị dự án) và các tỉnh kiến nghị Chính phủ đồng ý, trình Quốc hội cơ chế cho phép các địa phương rà soát lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của các địa phương ưu tiên nguồn vốn để bố trí cho dự án; đồng thời, chấp thuận việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của các địa phương từ các nguồn vốn có thể huy động thêm trong giai đoạn 2021-2025 và phần dự kiến tăng thu của các tỉnh, thành phố từ các nguồn đấu giá quỹ đất dọc tuyến, các nguồn vốn hợp pháp khác khi thực hiện đầu tư dự án.
Về khả năng huy động nguồn vốn tăng thêm, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài tổng mức vốn được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg là 142.557 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh có khả năng có thể cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 261.967 tỷ đồng, cao hơn 119.410 tỷ đồng so với mức vốn thông báo của Thủ tướng Chính phủ (142.557 tỷ đồng).
Nguồn: Vietnam+