Đây là 2 dự án tại Cần Giờ được UBND TP.HCM đưa vào danh mục các dự án tiêu biểu cấp thành phố thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Nếu được Chính phủ duyệt, Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ) được TP.HCM đặt mục tiêu khởi công vào dịp 30/4/2025 và đây sẽ là cảng lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Cảng Cần Giờ được nghiên cứu xây dựng tại cù lao Phú Lợi thuộc cửa sông Cái Mép với tổng vốn đầu tư hơn 113.000 tỷ đồng (khoảng 4,8 tỷ USD) trên diện tích 571 ha. Trong đó, cầu cảng chính dài hơn 7 km, có thể tiếp nhận tàu containner tải trọng lớn nhất hiện nay 250.000 DTW (24.000 Teu, 1 Teu tương đương 1 container 20 feet) do Tập đoàn MSC - hãng tàu container đứng hàng đầu thế giới đề xuất.
Cảng Cần Giờ dự kiến sẽ hoạt động từ năm 2027 với sản lượng hàng hóa năm đầu tiên là 2,1 triệu Teu. Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng có thể đạt 16,9 triệu Teu vào năm 2027.
Về tác động của cảng Cần Giờ lên hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải và khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, TP.HCM và các bộ ngành liên quan đã có đề án nghiên cứu đánh giá, qua đó kết luận cảng Cần Giờ sẽ tác động tích cực đến cảng Cái Mép và không ảnh hưởng đến khu Dự trữ sinh quyển.
Với cầu cảng chính dài 7km, cảng Cần Giờ được TP.HCM đánh giá khi xây dựng sẽ đóng vai trò như “đê chắn sóng” bảo vệ đảo Thạnh An, khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và khu vực phía trong dưới tác động của xâm thực biển. Cảng Cần Giờ lấy 86 ha đất rừng ngập mặn nhưng sẽ trồng 258 ha thay thế. Hiện tổng diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 34.000 ha, trong đó có 19.000 ha được trồng lại.
TP.HCM tham vọng đưa cảng Cần Giờ ngang tầm các trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế lớn nhất Đông Nam Á như Singapore và Malaysia. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm nếu khai thác hết công suất.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ KH&ĐT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, UBND TP.HCM rà soát tính đồng bộ, thống nhất của dự án với các quy hoạch liên quan, khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để tiến hành thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bên cạnh việc phát triển cảng, TP.HCM còn định hướng xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ thành một khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Dự án KĐT lấn biển Cần Giờ được TP.HCM đặt mục tiêu đến ngày 30/4/2025 sẽ được cấp giấy phép xây dựng.
Dự án được quy hoạch tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với diện tích 2.870 ha. Khi hình thành, dự án kỳ vọng trở thành nơi sinh sống của hơn 228.000 người - gấp 3 lần dân số huyện Cần Giờ hiện tại, thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm và tạo ra hơn 36.000 việc làm.
Dự án đã trải qua 2 lần điều chỉnh quy hoạch sau lần đầu phê duyệt năm 2007, với diện tích 600 ha. Năm 2020, Chính phủ đồng ý mở rộng dự án lên gần 5 lần - 2.870 ha, tổng vốn đầu tư 217.000 tỉ đồng (hơn 9 tỷ USD).
Sau 16 năm kể từ khi được phê duyệt lần đầu, dự án đã lấn biển 20 ha (chưa đến 1% diện tích dự kiến) và chưa xây dựng bất kỳ công trình nào trên phần lấn biển này.
Tháng 4/2023, TP.HCM lập hội đồng thẩm định quy hoạch lần thứ ba dự án này. Theo đó, diện tích mặt nước bị thu hẹp hơn 300 ha và đất du lịch giảm 195 ha, nhường chỗ cho nhiều công trình xây dựng. Trong đó, diện tích đất nhóm nhà ở tăng gần 6 lần ( từ 100 ha lên 578 ha). Với việc điều chỉnh nhóm diện tích đất ở tăng gần 6 lần sẽ đảm bảo cho mục tiêu thu hút người đến ở gấp 3 lần dân số huyện Cần Giờ hiện tại.
Sau khi được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, nhà đầu tư triển khai dự án đến năm 2070. Riêng phần diện tích lấn biển đã được giao cho nhà đầu tư từ năm 2007 có thời hạn thực hiện đến 2057.
Để tạo động lực cho Cần Giờ phát triển, TP.HCM sẽ bổ sung vào quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn kết nối từ Củ Chi đến cầu Cần Giờ với quy mô tối thiểu 4 làn xe, kết hợp làn đường riêng dành cho xe đạp và đường sắt đô thị nhẹ (đoạn từ trung tâm thành phố đi Củ Chi).