TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ bắt tay triển khai các dự án lớn

07:59 21/10/2023
Chủ tịch TP.HCM đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây lắp đường Vành đai 3, còn Vành đai 4 đề nghị cơ chế vốn Trung ương và địa phương là 50-50.

Chiều 20/10, tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) diễn ra Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ quý III năm 2023.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh vùng Đông Nam Bộ gồm Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu cùng TTP.HCM đã cùng nhau rà soát kết quả thực hiện các nội dung phối hợp triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Long An quý III năm 2023.

Cho rằng Hội nghị đã bàn sâu và thống nhất được nhiều vấn đề thiết thực, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây lắp đường Vành đai 3.

Còn Vành đai 4 đề nghị cơ chế vốn Trung ương và địa phương là 50-50 (giống như Vành đai 3), trong đó Trung ương hỗ trợ Long An cao hơn.

Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, trong quý 4, Thành phố sẽ trình Trung ương chủ trương đầu tư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.

Đồng thời, đề nghị khởi động lại dự án Bến Lức-Long Thành và mở rộng cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây; chuẩn bị mở rộng cao tốc TP.HCM-Trung Lương, thúc đẩy nghiên cứu đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Long Thành và đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu…

Đối với cơ chế đặc thù vùng, ông Phan Văn Mãi đề nghị giao cho Sở KH&ĐT TP.HCM chủ trì làm đầu mối phối hợp với Sở KH&ĐT các tỉnh để xây dựng cơ chế, tham mưu tổng hợp có ý kiến chung với Bộ KH&ĐT.

Về kết nối y tế sẽ giao cho Sở Y tế Thành phố xây dựng, hoàn thiện hệ thống mạng lưới bệnh viện tuyến cuối, CDC vùng và đào tạo nguồn nhân lực y tế vùng để Bộ Y tế có ý kiến chính thức.

Việc kết nối du lịch vùng thành chuỗi, thu hút du khách đề nghị Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì và sớm có hội nghị vào tháng 12 tới. Xây dựng quy chế quản lý lưu vực các sông trong vùng giao cho Sở TN&MT TP.HCM chủ trì phối hợp với các tỉnh…

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh thống nhất, trong thời gian tới tiếp tục triển khai những nội dung hợp tác theo Kế hoạch số 4218/KH-UBND.

Phối hợp triển khai các dự án đường Vành đai 4, trong đó tập trung kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn cho các dự án; thống nhất quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật chung và các giải pháp tổ chức thực hiện các dự án xây dựng đường Vành đai 4. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần đường Vành đai 3, trong đó tập trung: lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; triển khai thi công, giải ngân vốn đầu tư…

Lãnh đạo các tỉnh cũng đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là thiếu nguồn vốn. Cụ thể, hiện các địa phương đang tập trung vốn cho dự án Vành đai 3 và các dự án trọng điểm, chưa cân đối được nguồn vốn bố trí cho các dự án đường Vành đai 4.

Dự kiến cần khoảng 107 ngàn tỷ đồng cho 5 dự án thuộc dự án đường Vành đai 4, trong khi qua khảo sát, chi phí cho bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn tuyến đường qua 5 tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM, Long An) mỗi tỉnh chiếm từ khoảng 40% đến gần 56% tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, lãnh đạo các địa phương cũng đã cho ý kiến về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của các dự án đường Vành đai 4; việc đầu tư Cầu Thủ Biên trên đường Vành đai 4 kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai; việc cân đối vốn đường Vành đai 4 cho đoạn qua tỉnh Long An (dài hơn 78km/198km) với tổng vốn gần 48.000 tỷ đồng, trong khi tỉnh này chỉ sắp xếp được khoảng 10%.

Đối với dự án đường Vành đai 3, Hội nghị đề nghị tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận về chủ trương giao UBND tỉnh Bình Dương đầu tư đoạn 15,3km đường Mỹ Phước-Tân Vạn hiện hữu đi trùng với đường Vành đai 3  TP.HCM theo hình thức đầu tư công và bổ sung các nhánh để hoàn thiện nút giao Tân Vạn; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh phục vụ dự án vì hiện nguồn vật liệu san lấp chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu.

Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã cho ý kiến về 5 phương án thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng góp ý cho Bộ Tài chính; về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ để TP.HCM tổng hợp trình Bộ KH&ĐT.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường thông tin, thực hiện Kế hoạch số 4218/KH-UBND về phối hợp triển khai Thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam Bộ, tổng cộng có 12 nội dung phối hợp cấp vùng.

Đến hết quý III năm 2023 đã thực hiện được 7/10 nội dung phối hợp cấp vùng. Còn lại 5/10 nội dung tiếp tục thực hiện trong quý 4 năm 2023 và năm 2024.

Cũng theo Kế hoạch số 4218/KH-UBND về phối hợp triển khai Thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam Bộ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết tổng cộng có 39 nội dung phối hợp song phương giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ trong năm 2023.

Đến hết quý III năm 2023 đã và đang thực hiện 39/39 nội dung.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Bình luận