Hơn một tuần qua, câu chuyện chính quyền thành phố Hà Nội tán thành phương án đề xuất phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập” bên hồ Hoàn Kiếm, đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của người dân.
Tòa nhà "Hàm cá mập" do Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) - doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND thành phố - quản lý, vận hành. Tòa nhà được xây dựng từ năm 1991 đến 1993, mặt trước hướng ra Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, mặt trái hướng ra hồ Hoàn Kiếm, mặt phải giáp với phố Cầu Gỗ. Tòa nhà có 6 tầng, trong đó tầng 2 đến tầng 5 là các nhà hàng, quán cà phê, tầng 6 có tầm nhìn bao quát hồ Hoàn Kiếm.
Lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, đây là nhiệm vụ cần triển khai sớm. Do vậy, cần rút ngắn thời gian nghiên cứu quy hoạch, lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án không gian công cộng khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm.
Ở Việt Nam, ngay từ khi hình thành các đô thị, hệ thống không gian, công trình công cộng đã có rồi. Ở Sài Gòn (TP.HCM hôm nay) và Hà Nội, các khu chợ, công viên, hồ đầm, vườn hoa công cộng cũng được tạo lập ngay từ những năm đầu thế kỷ 20… Khẳng định vậy để thấy, các khu vực công cộng luôn là hạt nhân đầu tiên của đô thị. Chính quyền thừa nhận nó thuộc sở hữu công cộng, giữ trách nhiệm quản lý nó cho dân đô thị, để không rơi vào tay tư nhân.
Nhưng, thực tế cho thấy, tại những đô thị lớn ở Việt Nam, thời gian qua, tốc độ phát triển nhanh, thiếu kiểm soát đã khiến không gian chung của đô thị vừa thiếu, vừa bị biến dạng. Cái thiếu nhất là mảng xanh, những khu chợ, khu công cộng, công viên cho người dân thư giãn.
Trong một thời gian dài, ở Hà Nội, các khu vực đầm hồ, công viên, nhà dịch vụ đã bị bị “nhòm ngó”. Phần lớn các khu vực đã bị thôn tính, sử dụng sai mục đích; một số ít may mắn còn lại cũng đã bị thu hẹp rất nhiều, thiếu sự quan tâm, mất chức năng và trở nên nhếch nhác, ô nhiễm.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, không gian công cộng là những “báu vật” của thành phố. Trong bản đồ du lịch của hết thảy các đô thị trên thế giới chúng đều được vinh danh (chẳng ai đi tham quan cao ốc văn phòng hay những khu ở dày đặc người). Trong những công trình công cộng nổi tiếng thế giới phải kể đến vườn thú Berlin (Đức) diện tích 160ha nuôi giữ trên 5.000 đầu thú thuộc 800 loài, hay vườn thú Moskova (Nga) gần 200ha; khu vườn khổng lồ Luxembourg TP. Paris, công viên Rizan nổi tiếng của Philippine, công viên Ueno (Tokyo)… Nếu so Hà Nội - Thủ đô của quốc gia có dân số lớn hơn nhiều dân số nước Pháp, chúng ta chưa có một công viên nào có quy mô tương xứng (Công viên Thống Nhất chỉ 54ha).
Sự phát triển đô thị đồng nghĩa với phát triển về qui mô, đa dạng về loại hình công trình công cộng như: Quảng trường, công viên, bảo tàng… mà Nhà nước đại diện cho nhân dân làm chủ sở hữu, và không thể “xã hội hóa” theo kiểu cho tư nhân làm kinh doanh.
Các chuyên gia về đô thị cho rằng, để làm đẹp thành phố, để có được không gian chung cho tất cả mọi người, cần có sự phối hợp giữa chính quyền và người dân. Trong 2 đối tượng này, chính quyền phải đi trước một bước. Người dân đi sau, nhưng chính người dân mới là người tạo nên “cái hồn” cho không gian công cộng.
Ở nhiều nước, người dân được chủ động và cùng nhau làm đẹp không gian công cộng quanh mình. Họ có thể cùng nhau sơn lại một tháp nước hay vẽ một bức tranh lên thành cầu để xóa đi cái xám xịt, nặng nề của các khối bê tông...
Tất nhiên, muốn tạo ra không khí này, không ai khác, chính quyền phải có cơ chế và động thái khuyến khích người dân tham gia. Một thành phố có nhiều khoảng không gian đô thị hấp dẫn không những làm cho chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên mà còn làm cho thành phố thêm hấp dẫn trong mắt du khách. Hoạt động du lịch phát triển cũng là một cách tạo thêm nguồn thu cho thành phố, và như thế, rõ ràng đầu tư cho các khoảng không gian đô thị là một khoản đầu tư cực kỳ có lợi.

Nhìn chung, cho đến nay, đất và các công trình công cộng ở Hà Nội và TP.HCM đều ít, nhỏ so với quy mô dân số. Cũng có nghĩa là phúc lợi xã hội cho người dân còn thấp, chưa kể đã bị xà xẻo khá nhiều. Nếu không có các chính sách tích cực hoặc lãnh đạo thành phố bị cuốn vào “phong trào xã hội hóa”, vì những lợi ích kinh tế trước mắt - thì các công trình công cộng sẽ bị những cuộc “chuyển mục đích sử dụng” làm thu hẹp hơn nữa.
Từ câu chuyện của một công trình đơn lẻ đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn về công sản của Hà Nội và các đô thị lớn thời gian qua!? Việc Transerco vận hành tòa nhà để kinh doanh liệu có là sử dụng đúng mục đích(?), nguồn tiền thu được đi về đâu? Những câu hỏi này có lẽ vượt quá khuôn khổ bài viết.
Nhưng, động thái tích cực của lãnh đạo thành phố Hà Nội tán thành đề xuất mở rộng không gian công cộng cho khu vực lịch sử như hồ Hoàn Kiếm là một quyết tâm đáng hoan nghênh và là điều rất mới mẻ.
Mặc dù vậy, cho đến thời điểm này, tất cả mới chỉ là những bước đi ban đầu, là kế hoạch. Người dân đang trông chờ vào những hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để trả lại không gian cho hồ Hoàn Kiếm. Bởi, đã không ít lần, tiếng nói của các nhà chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc để giành lại từng khoảng không gian công cộng đô thị cho người dân đã không thể cản được đường đi của những dự án triệu đô.