Tránh trục lợi trong đấu giá, đại biểu Quốc hội đề nghị tăng đặt cọc tối thiểu lên 20%

06:00 29/11/2023
Các đại biểu Quốc hội có những ý kiến khác nhau về quy định tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá tài sản. Có những ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, những ý kiến khác đề nghị nâng mức đặt cọc tối thiểu lên 20% giá trị tài sản để tránh trục lợi...

Cần chế tài phạt hợp đồng nếu bỏ cọc

Sáng 28/11, chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Các ĐBQH tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật, trong đó có nội dung liên quan đến tiền đặt cọc nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Theo báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo, hiện có hơn 20 nhóm loại tài sản được đưa ra bán đấu giá với giá trị, tính chất và tài sản khác nhau. Theo quy định hiện hành, mức tiền đặt trước từ 5 - 20% đối với các tài sản đặc thù như đất đai, khoáng sản trong khung từ 2 - 20%; những tài sản thông dụng, phổ quát do người có tài sản quyết định giá.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An. Ảnh: quochoi.vn.

Nêu quan điểm giữ nguyên mức đặt cọc tiền như quy định hiện hành, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, mức tiền đặt trước từ 5 - 20% là phù hợp, tạo điều kiện thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá. Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể ảnh hưởng đến quyền tự do tham gia giao dịch, giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá, ảnh hưởng đến kết quả đấu giá.

Ví dụ, nâng mức tiền đặt trước lên 40 - 50%, nếu tài sản đưa ra đấu giá có giá trị khởi điểm là 1 tỷ thì người muốn đăng ký tham gia đấu giá phải chuẩn bị và nộp tiền đặt trước từ 400 - 500 triệu đồng. Thực hiện đặt cọc trong giao dịch dân sự, người đặt cọc cơ bản đã khẳng định sẽ xác lập mua bán, chuyển nhượng tài sản. Còn khi tham gia đấu giá, chưa chắc người trúng giá mua được tài sản đấu giá.  

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhận định, dù biết trong thời gian qua có các tổ chức hoặc cá nhân tham gia đấu giá tài sản với mục đích không tốt như muốn phá cuộc đấu giá để đấu giá không thành hoặc để thao túng thị trường hình thành mặt bằng giá mới, chứ không phải để mua tài sản hoặc để phô trương thanh thế và sẵn sàng chịu mất tiền cọc đặt trước. Để xử lý vấn đề này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề xuất người tham gia đấu giá trúng đấu giá và sau thời gian nhất định mà không nộp tiền mua tài sản và không chứng minh được vì lý do bất khả kháng thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, ngoài việc bị mất tiền đặt trước còn phải bị phạt nộp thêm.

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: quochoi.vn.

Nhất trí với ý kiến của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, quy định hiện hành đã phù hợp và có hiệu quả thực tiễn trong thời gian dài; đồng thời đề xuất có chế tài phạt hợp đồng từ 30 - 50% đối với những người trúng đấu giá nhưng đơn phương hủy hợp đồng để bảo đảm hoạt động đấu giá lành mạnh.

Nghiên cứu quy định hình sự hóa hành vi bỏ cọc

Quan tâm đặc biệt đến vấn đề ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, vì lợi ích cá nhân, thậm chí thao túng, gây rối, đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị tách biệt tiền đặt trước và tiền đặt cọc, nên quy định tiền đặt cọc 20 - 30% giá trúng đấu giá và phải nộp ngay sau khi có kết quả trúng đấu giá. Nếu trúng đấu giá không nộp tiền cọc thì bị loại, cuộc đấu giá sẽ tiếp tục.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. Ảnh: quochoi.vn.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cũng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, Luật Đấu giá có thể tham khảo, bổ sung quy định cụ thể và xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc không thực hiện kết quả trúng đấu giá; có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

Theo đó, Bộ luật Hình sự cần bổ sung thêm những hành vi vi phạm tương ứng trong đấu giá tài sản để có hình phạt phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua.

Đề xuất tăng số tiền đặt cọc lên tối thiểu 20% giá trị tài sản để tránh tình trạng cò tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương lý giải, như vậy những người có nhu cầu thực sẽ tham gia, còn các đối tượng cò sẽ hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề xuất giảm số ngày quy định thời hạn nộp tiền xuống còn 30 ngày. Hiện nay Nghị định số 126 đang quy định thời hạn nộp tiền đặt cọc là 90 ngày là thời gian quá dài và tạo điều kiện cho các đối tượng cò nộp tiền cọc rồi đi tìm người bán lại ngay. Việc giảm thời hạn nộp tiền từ 90 ngày xuống 30 ngày vẫn tạo điều kiện cho cá nhân có nhu cầu mua thực, vừa hạn chế được đội ngũ cò tham gia đấu giá để bán lại hưởng chênh lệch.

Đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nêu một khía cạnh khác, có khả năng người tham gia đấu giá sẵn sàng mua với bất kỳ giá nào và sẵn sàng đặt giá cao với một tài sản để nâng mặt bằng giá, là thủ đoạn để làm lũng đoạn về giá… dẫn đến lúng túng khi thẩm định giá và đưa ra kết quả để đấu giá.

Theo đại biểu Phạm Đức Ấn, cần có những hướng dẫn để thu thập, thống kê thông tin của các cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện kịp thời những bất thường và cùng phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý. Nếu chỉ kiểm tra đơn thuần, thanh tra đơn thuần thì rất khó phát hiện ra những thủ đoạn tinh vi.

Bình luận