Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề tốt để tăng cường công tác BVMT thời gian tới.
Tuy nhiên, do sự phát triển KT-XH, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn (CTR) nói chung và đặc biệt chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng đang phát sinh ngày càng nhiều, tính chất và thành phần phức tạp, chất thải nhựa chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý loại chất thải này còn nhiều hạn chế.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT giai đoạn 2016-2020, CTRSH ở các đô thị tăng từ 10-16%. Khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày, chiếm khoảng 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên cả nước. CTRSH sau khi thu gom được xử lý chủ yếu bằng các phương pháp sau: 71% khối lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 16% khối lượng CTRSH được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% khối lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp đốt.
Thực tế cho thấy, công nghệ sử dụng trong các phương pháp nói trên nhìn chung còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ từ khâu thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.
Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT cho biết, công tác quản lý chất thải, đặc biệt là CTRSH là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Do đó, việc đề xuất được các giải pháp đồng bộ từ mô hình quản lý, mô hình công nghệ xử lý chất thải nhằm kiểm soát, giải quyết được bài toán xử lý triệt tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải là vấn đề hết sức cấp thiết.
Theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, tính đến năm 2020 nước ta có 862 đô thị, tăng 60 đô thị so với năm 2016. Đô thị hóa, đồng nghĩa với việc tập trung dân cư và phát triển công nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh mặt tích cực, quá trình đô thị hóa cũng tạo nên nhiều thách thức, trong đó có thách thức về ô nhiễm môi trường.
Hội thảo - Triển lãm quốc tế về Giải pháp và Công nghệ xử lý chất thải nhằm giới thiệu, quảng bá các giải pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại các đô thị.
Thông qua các hoạt động như: triển lãm, giới thiệu công nghệ thiết bị; triển lãm tranh thiếu nhi vẽ về môi trường, ngày hội đổi rác lấy quà, kết nối cung cầu và hai phiên hội thảo, Hội thảo và Triển lãm có ý nghĩa rất lớn là tạo cơ hội cho các đơn vị trong ngành có cái nhìn tổng quan về cơ chế chính sách mới, thực trạng quản lý và xử lý chất thải, môi trường tại các đô thị Việt Nam; là cơ sở đáng tin cậy để các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, các nhà đầu tư và cộng đồng người dân tìm hiểu, đề xuất giải pháp và công nghệ phù hợp để xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam trong thời gian tới.
Đồng thời, Hội thảo và Triển lãm là cơ hội để các cơ quan, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ; đặc biệt khuyến khích và ưu tiên thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo, phù hợp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong thời gian tới; hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch nhằm góp phần đạt mục tiêu Tăng trưởng xanh và "Giảm phát thải bằng 0 - Net Zero” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh COP26.
Sau Lễ khai mạc, đã diễn ra Hội thảo quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải đảm bảo phát triển bền vững các đô thị tại Việt Nam.