Nguồn lực xã hội đang đầu tư rất lớn cho lĩnh vực hạ tầng giao thông nhưng mới chỉ có một vài dự án thí điểm áp dụng nên chưa thể đánh giá hết hiệu quả của việc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) cho các dự án giao thông. Phóng viên Tạp chí Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tâm - Tổng giám đốc Công ty CP Ideco Việt Nam một số nội dung xung quanh vấn đề này.
|
- Xin ông cho biết, thực trạng việc áp dụng BIM cho công trình hạ tầng giao thông tại Việt Nam hiện nay (thực trạng năng lực từ phía người quyết định chủ trương đầu tư, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định, thẩm tra, tư vấn thiết kế, giám sát, các nhà thầu thi công…)?
- Ông Trần Văn Tâm: Có thể tóm tắt quá trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam qua 3 giai đoạn sau:
Một, giai đoạn thí điểm: Kể từ khi có Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành, một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đã thí điểm áp dụng BIM trong công tác thiết kế, thi công, quản lý dự án như Cầu Cửa Đại; cầu Sông Rin, Quảng Ngãi; cầu vượt 550, Bình Dương... Qua các dự án này, các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng bước đầu đã dần tiếp cận, học hỏi và làm quen dần với tiến trình BIM.
Hai, giai đoạn khuyến khích áp dụng:
Đến năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong đó đề cập đến việc khuyến khích áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng. Sau đó, Bộ Xây dựng đã ban hành hàng loạt văn bản hướng dẫn để hoàn thiện khung pháp lý về việc áp dụng BIM như: Quyết định số 348/QĐ-BXD, Quyết định số 347/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 về Hướng dẫn áp dụng mô hình BIM, Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 hướng dẫn chi phí áp dụng BIM.
Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, quy mô phức tạp của TP.HCM đã triển khai sau các hướng dẫn này như: Metro 2 (Bến Thành - Tham Lương); Nút giao thông An Phú; Đường Trần Quốc Hoàn nối vào nhà ga T2 sân bay TSN và mới đây nhất BIM cũng đang được áp dụng trong công tác thiết kế dự án Vành đai 3 TP.HCM…
Các dự án này đã và đang áp dụng BIM đầy đủ từ giai đoạn thiết kế đến triển khai thi công. Thông qua các dự án này, các bên liên quan đã có kinh nghiệm trong việc triển khai áp dụng BIM một cách đầy đủ, hoàn chỉnh.
Ba, giai đoạn bắt buộc áp dụng với công trình cấp 1 trở lên:
Hiện nay, theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chỉnh phủ, kể từ năm 2023 bắt buộc áp dụng BIM đối với công trình cấp 1 trở lên.
Các dự án thực tiễn đã triển khai trong giai đoạn 1 và 2 nêu trên đã cung cấp những nguồn thông tin, tài liệu và kinh nghiệm quý giá để các bên liên quan trong ngành Xây dựng có thể nghiên cứu, học hỏi, nâng cao hiểu biết về BIM.
Bên cạnh đó, thông qua các dự án này, người quyết định chủ trương đầu tư, chủ đầu tư, các cơ quan thẩm định, thẩm tra, tư vấn thiết kế, giám sát, các nhà thầu thi công… cũng đã có một số kinh nghiệm nhất định để có thể tiếp tục áp dụng BIM thành công các dự án lớn trong thời gian tới theo lộ trình Chính phủ quy định.
- Xin ông chia sẻ một số thông tin về các dự án giao thông trong nước đã áp dụng thành công BIM? Những dự án này đã đem lại hiệu quả thiết thực như thế nào?
- Ông Trần Văn Tâm: Các dự án giao thông áp dụng BIM được nêu trên, đặc biệt là các dự án triển khai từ năm 2021 trở lại đây theo hướng dẫn chi tiết của Bộ Xây dựng như: Metro 2 (Bến Thành - Tham Lương); Nút giao thông An Phú; Đường Trần Quốc Hoàn nối vào nhà ga T2 sân bay Tân Sơn Nhất, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác thiết kế, thi công và quản lý dự án nói chung, cụ thể như:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác thiết kế. Các dự án triển khai áp dụng BIM tại TP.HCM trong thời gian qua đều là các dự án trọng điểm, có quy mô phức tạp và đều triển khai với tiến độ rất gấp. Việc áp dụng BIM với các mô hình có tính trực quan, dễ hình dung, giảm các sai sót do nhầm lẫn.
Mặc khác, việc ứng dụng các phần mềm trong tiến trình BIM đều mang tính tự động cao, các bản vẽ và khối lượng được trích xuất từ mô hình, giảm các sai sót trong triển khai chi tiết các bản vẽ và bốc tách khối lượng do cách làm thủ công khi áp dụng các phần mềm CAD thông thường.
Ngoài ra, các dự án này đều nằm trong đô thị, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm chằng chịt, nên việc áp dụng BIM đã xử lý các giao cắt, góp phần chuẩn hóa hồ sơ, giảm việc xử lý hiện trường cho sai sót của hồ sơ thiết kế.
Việc thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế dễ dàng hơn với sự hỗ trợ từ các mô hình BIM thông qua Môi trường dữ liệu chung CDE.
Thứ hai, rút ngắn thời gian công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư, tiết kiệm chi phí. Việc ứng dụng BIM rút ngắn thời gian công tác thiết kế, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt hồ sơ.
Việc ứng dụng các phần mềm trong quá trình lập mô hình BIM có thể lâu hơn các giải pháp CAD truyền thống vì hiện nay ứng dụng mô hình BIM trong ngành Giao thông chưa nhiều, do chưa có nhiều biểu mẫu, các mô hình hầu như phải xây dựng từ đầu.
Tuy nhiên tổng thể thì thời gian công tác thiết kế, thẩm tra, thẩm định giảm do hồ sơ thiết kế được chuẩn hóa ngay từ đầu, giảm thời gian chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ.
Chất lượng hồ sơ thiết kế được nâng cao, do đó hạn chế phát sinh thay đổi trong quá trình triển khai thi công dự án, rút ngắn thời gian thi công.
Mô hình trực quan cũng góp phần tiết kiệm thời gian đọc hiểu hồ sơ thiết kế từ các cơ quan liên quan.
Việc rút ngắn thời gian từ công tác chuẩn bị đến triển khai thi công cũng như giảm các sai sót, phát sinh trong quá trình thi công có ý nghĩa lớn trong việc tiết kiệm chi phí cho dự án.
Thứ ba, quản lý tiến độ, sản lượng thi công chặc chẽ. Mô hình BIM trong giai đoạn thiết kế được bổ sung thêm các thông tin về thời gian (BIM 4D) và chi phí (BIM 5D) trong các dự án này để quản lý tiến độ và sản lượng trong quá trình thi công một cách khoa học, chặt chẽ.
Thứ tư, cung cấp cơ sở dữ liệu cho giai đoạn, quản lý vận hành. Mô hình BIM trong giai đoạn thiết kế sẽ được bổ sung các thông tin và thay đổi trong quá trình thi công để tạo lập mô hình BIM hoàn công. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng được lưu trữ, chia sẻ phục vụ công tác quản lý, vận hành khi đưa công trình vào sử dụng.
- Vậy, ông đánh giá thế nào về triển vọng áp dụng BIM cho một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2?
- Ông Trần Văn Tâm: Để phát huy hiệu quả cao nhất, nên áp dụng BIM cho toàn bộ vòng đời dự án từ khi lên ý tưởng đến thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, đến triển khai thi công và đưa công trình vào sử dụng. Các quá trình có tính kế thừa giai đoạn sau sử dụng kết quả của giai đoạn trước.
Tuy nhiên, khi không có điều kiện áp dụng cho toàn bộ vòng đời thì trong từng thời điểm của dự án, nếu lựa chọn quy mô và mức độ áp dụng BIM hợp lý thì cũng có thể phát huy hiệu quả theo mục tiêu đề ra.
Hiện nay, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đang được thiết kế bản vẽ thi công và đang bước đầu triển khai thi công. Dự án này có tầm quan trọng đối với quốc gia, tiến độ và chất lượng đang được quan tâm hàng đầu. BIM có ưu điểm trong việc quản lý tiến độ, sản lượng và chất lượng thi công. Do đó, có thể áp dụng BIM với mục tiêu cụ thể là quản lý tiến độ, sản lượng, chất lượng công trình, đảm bảo sớm đưa công trình vào khai thác, phục vụ sự phát triển kinh tế của đất nước.
Mặc khác, với hệ thống hàng nghìn km đường cao tốc đang được đầu tư xây dựng, việc quản lý vận hành sao cho hiệu quả cũng đang được đặt ra. Việc ứng dụng BIM với mức độ hợp lý và mục tiêu cụ thể trong giai đoạn này là cơ sở dữ liệu để tiếp tục tận dụng cho giai đoạn sau.
Với cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, hiện nay chúng ta có thể áp dụng BIM ở 02 mức độ như sau:
Đối với các kết cấu như hầm, cầu phức tạp: Nếu chưa có thiết kế bản vẽ thi công chi tiết thì có thể áp dụng BIM để mô hình, xuất bản vẽ, khối lượng từ mô hình đảm bảo độ chính xác cao. Đồng thời, sử dụng mô hình BIM để quản lý chất lượng, tiến độ và sản lượng công trình.
Đối với các phần còn lại: Mô hình hóa với mức độ chi tiết của mô hình (Level Of Development - LOD) một cách phù hợp để phục vụ cho công tác quản lý chất lượng, tiến độ và sản lượng công trình.
Sau khi hoàn thành công trình, tiến hành cập nhật mô hình BIM hoàn công để phục vụ cho việc quản lý vận hành sau này.
- Theo ông, sẽ có những thuận lợi, khó khăn gì nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép và nhà đầu tư đã quyết tâm thực hiện?
- Ông Trần Văn Tâm: Hiện nay, đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp về BIM đang rất thiếu, các giải pháp công nghệ phần mềm liên quan đến BIM hầu hết do nước ngoài cung cấp, là những trở ngại khi nhà đầu tư muốn áp dụng BIM.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, khó khăn nhất của việc áp dụng BIM thành công không phải ở vấn đề nhân lực tư vấn hay cơ sở vật chất để áp dụng BIM, mà nằm ở tư tưởng, tư duy quen cách làm cũ, khó thay đổi nhanh chóng của các bên tham gia dự án.
Nếu nhà đầu tư quyết tâm thực hiện sẽ là thuận lợi vô cùng lớn. Đồng thời, cần đề ra các mục tiêu cụ thể, hợp lý để việc áp dụng BIM có thể mang lại hiệu quả thiết thực như đã đề cập ở trên.
- Ông có giải pháp gì để bảo đảm áp dụng thành công BIM cho một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2?
- Ông Trần Văn Tâm: Nếu các đơn vị được cho phép áp dụng và quyết tâm áp dụng, theo tôi, để đảm bảo áp dụng BIM thành công, cần có một số giải pháp chính như:
Thứ nhất, lựa chọn đơn vị tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm về BIM: Các công trình áp dụng BIM trong ngành Giao thông chưa nhiều, kinh nghiệm và kiến thức về BIM của các bên liên quan còn thiếu, do đó việc kiểm tra, giám sát của các bên liên quan đến quá trình thực hiện BIM còn nhiều hạn chế. Trong bối cảnh đó, cần lựa chọn đơn vị tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm để thực hiện BIM để đảm bảo chất lượng của công tác liên quan đến BIM.
Thứ hai, đề ra các mục tiêu áp dụng BIM hợp lý: BIM có rất nhiều lợi ích, tuy nhiên phải lựa chọn mục tiêu phù hợp trong từng giai đoạn thì mới phát huy hiệu quả của ứng dụng BIM.
Thứ ba, lên kế hoạch thực hiện một cách rõ ràng, chi tiết: BIM là một giải pháp mới mẻ ở Việt Nam. Do đó, để đảm bảo thành công cần lên một kế hoạch thực hiện với đầy đủ yếu tố về: Nhân lực, lựa chọn hệ thống giải pháp công nghệ phần mềm, thời gian và tiến độ thực hiện chi tiết.
- Trân trọng cám ơn ông!