Trình Quốc hội xem xét tái khởi động dự án điện hạt nhân

06:00 28/11/2024
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trình Quốc hội xem xét tái khởi động dự án điện hạt nhân
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN.

Chiều 27/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày một tăng cao

Trình bày Tờ trình về việc tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc tái khởi động Dự án là cần thiết, có cơ sở và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo Tờ trình của Chính phủ, tính đến cuối tháng 8/2024, trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành với tổng công suất lắp đặt 737.735 MWe và 62 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971 MWe.

Bên cạnh 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, có 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.

Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo tiếp tục tăng cao, với tổng công suất hệ thống điện của cả nước khoảng 80 GW, cần thêm khoảng 70 GW đến năm 2030 và 400 - 500 GW đến năm 2050.

Từ năm 2009, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Trong đó, EVN đã hợp tác với đối tác đến từ Nga tại dự án Ninh Thuận 1, đối tác đến từ Nhật Bản tại dự án Ninh Thuận 2, để triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư.

Các địa điểm được lựa chọn đã được các tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá rất kỹ; là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: quochoi.vn.

Như vậy, việc sử dụng các địa điểm đã nghiên cứu trước đây để phát triển, xây dựng điện hạt nhân trong thời gian tới là rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí trong nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm.

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, mục tiêu phát triển Dự án nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…

Trong đó, mục tiêu cụ thể là cung cấp nguồn điện nền, đóng góp đáng kể trong cơ cấu sản xuất điện, đa dạng hóa năng lượng sơ cấp…

Thống nhất tiếp tục chủ trương đầu tư điện hạt nhân

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy thống nhất sự cần thiết tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án với những cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và quan điểm, mục tiêu đã được nêu tại Tờ trình.

Theo Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tại Kỳ họp thứ 6, ngày 25/11/2009, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư Dự án, trên cơ sở đó Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các bước đầu tư xây dựng Dự án.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực hiện bảo đảm yếu tố an toàn cho nhà máy điện hạt nhân trên thế giới thời điểm đó; Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án, tại Kỳ họp thứ 2.

Đến nay, trước bối cảnh nền kinh tế - xã hội toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam, việc tiếp tục triển khai Dự án là hết sức cấp thiết, bảo đảm mục tiêu cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định, là nguồn năng lượng xanh và bền vững.

Theo đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo đề xuất của Chính phủ và đưa nội dung này vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đề xuất chương trình phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam gắn với nhiệm vụ tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân.

Nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý phù hợp về điện hạt nhân; Rà soát, hoàn thiện pháp luật có liên quan đến điện hạt nhân.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân; Nâng cao năng lực trong nước để nội địa hoá thiết bị điện hạt nhân.

Thực hiện tuyên truyền, thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận trong xã hội về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân; Nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phù hợp với tình hình thực tế và pháp luật hiện hành…

Bình luận