Trụ sạc xe điện sẽ phải được công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy CR

14:39 26/03/2025
Theo dự thảo Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trụ sạc xe điện, các trụ sạc xe điện phải được công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy (CR) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường…
Trụ sạc xe điện sẽ phải được công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy CR
Ảnh minh họa, nguồn: ITN.

Bộ KH&CN đang dự thảo Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trụ sạc xe điện, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh trụ sạc xe điện, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phải có kết cấu để xe điện

Dự thảo Quy chuẩn đặt ra các quy định kỹ thuật về: Yêu cầu chung, yêu cầu về an toàn, yêu cầu về tương thích điện từ (EMC) đối với trụ sạc xe điện, yêu cầu về truyền thông, yêu cầu riêng đối với trụ sạc điện một chiều (DC), thiết bị đo điện năng của trụ sạc pin xe điện, yêu cầu về ghi nhãn và hướng dẫn.

Trong đó, yêu cầu chung đối với trụ sạc xe điện là phải có kết cấu để xe điện có thể kết nối với trụ sạc xe điện bảo đảm trong các điều kiện sử dụng bình thường, việc truyền năng lượng được thực hiện một cách an toàn, tin cậy và giảm thiểu rủi ro, nguy hiểm cho người sử dụng và môi trường xung quanh.

Dự thảo Quy chuẩn cũng đồng thời đặt ra các quy định về quản lý đối với trụ sạc xe điện được sản xuất, lắp ráp trong nước hay nhập khẩu, việc công bố hợp quy, phương thức đánh giá sự phù hợp, hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy, quy định về thử nghiệm, nguyên tắc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp.

Theo đó, trụ sạc xe điện sản xuất, lắp ráp trong nước phải được công bố hợp quy theo Quy chuẩn và được gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Trụ sạc xe điện nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa thông qua việc xem xét hoạt động công bố hợp quy theo Quy chuẩn và được gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Việc công bố hợp quy cho trụ sạc xe điện phải dựa trên kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức chứng nhận được chỉ định.

Phương thức đánh giá sự phù hợp được thực hiện để chứng nhận hợp quy cho các trụ sạc xe điện là phương thức 5 hoặc phương thức 7.

Giấy chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 có hiệu lực không quá 3 năm kể từ ngày phát hành Giấy chứng nhận; theo phương thức 7 chỉ có giá trị đối với lô hàng đã được chứng nhận hợp quy.

Việc thử nghiệm phục vụ chứng nhận hợp quy phải được thực hiện bởi tổ chức thử nghiệm được chỉ định hoặc được thừa nhận theo quy định của Quy chuẩn…

Phải công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy

Đáng chú ý, dự thảo Quy chuẩn quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức đánh giá sự phù hợp; sản xuất, lắp ráp, kinh doanh; và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp, kinh doanh phải có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức chứng nhận các tài liệu kỹ thuật của trụ sạc xe điện để phục vụ việc thử nghiệm điển hình và chứng nhận hợp quy khi có yêu cầu; cung cấp các thông tin thể hiện trên Giấy chứng nhận: tên nhà sản xuất, địa chỉ nhà sản xuất và các thông số danh định của sản phẩm và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin này;

Tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp, kinh doanh đồng thời phải công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trụ sạc xe điện; bảo đảm các trụ sạc xe điện lưu thông trên thị trường phải có kết cấu, linh kiện và chất lượng phù hợp với hồ sơ đã công bố hợp quy; công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy (CR) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; lưu trữ hồ sơ công bố hợp quy và hồ sơ kỹ thuật của trụ sạc xe điện ít nhất 10 năm kể từ ngày được xuất xưởng hoặc nhập khẩu…

Tại Việt Nam hiện nay, số lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý đối với trụ sạc điện vẫn còn hạn chế, thiếu các quy định quản lý về yêu cầu kỹ thuật đối với trụ sạc điện. Do đó, việc sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trụ sạc xe điện là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 về quy định công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ KH&CN ban hành, gồm 08 phương thức đánh giá sự phù hợp.

Trong đó, phương thức 5 thực hiện thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. Nói cách khác, phương thức 5 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất để kết luận về sự phù hợp. Việc đánh giá giám sát được thực hiện thông qua việc thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc mẫu lấy trên thị trường kết hợp đánh giá quá trình sản xuất.

Phương thức 7 thực hiện thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa. Nói cách khác, phương thức 7 căn cứ kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hóa được lấy theo phương pháp xác suất thống kê cho lô sản phẩm, hàng hóa để ra kết luận về sự phù hợp của lô. Kết luận về sự phù hợp chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa cụ thể và không cần thực hiện các biện pháp giám sát tiếp theo.

Bình luận