Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa ngành khai thác mỏ

07:00 05/06/2025
Mỏ lộ thiên Yimin, vùng Nội Mông - một trong năm mỏ lớn nhất của Trung Quốc, đã trở thành hình mẫu tiên phong trong việc thay đổi cách vận hành ngành khai khoáng truyền thống bằng công nghệ xe tải điện không người lái.
Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa ngành khai thác mỏ
Đội xe tự động tại mỏ Yimin. Nguồn: ITN

Đây không chỉ là giải pháp đối phó với tình trạng thiếu lao động, mà còn phản ánh chiến lược số hóa sâu rộng của Bắc Kinh trong bối cảnh lực lượng lao động đang suy giảm và dân số già hóa nhanh chóng.

Trước đây, để duy trì hoạt động tại mỏ Yimin, cần tới 1.200 tài xế điều khiển khoảng 300 xe tải mỗi ngày. Nhưng từ tháng 5 vừa qua, gánh nặng đó được chuyển sang đội xe điện tự hành Huaneng Ruichi, dự án triển khai xe tải tự lái lớn nhất thế giới với 100 xe hoạt động, dự kiến nâng lên 300 trong ba năm tới. Các phương tiện này được vận hành từ xa bởi chỉ 24 nhân viên, chia thành bốn kíp, giám sát toàn bộ quá trình qua hệ thống video và dữ liệu thời gian thực.

Hệ thống xe tự hành tại Yimin không chỉ sử dụng mạng 5G, LiDAR (Light Detection and Ranging), trí tuệ nhân tạo (AI) và cảm biến hiện đại, mà còn hoàn toàn “nội địa hóa”. Tất cả các thành phần, từ phần mềm điều khiển đến pin điện, đều do các doanh nghiệp Trung Quốc phát triển. Với khả năng hoạt động trong điều kiện lạnh tới -40°C, đội xe này có thể giúp tiết kiệm khoảng 15.000 tấn nhiên liệu diesel mỗi năm và giảm phát thải CO₂ tới 48.000 tấn.

Sáng kiến của Yimin được thúc đẩy bởi chính sách từ cấp trung ương. Từ năm 2020, Bắc Kinh đã ban hành chiến lược xây dựng “mỏ than thông minh”, hướng tới mục tiêu tự động hóa ít nhất 30% các công việc nặng nhọc và 60% tổng sản lượng vào năm 2026. Hiện nay, hơn 1.000 mỏ tại Trung Quốc đã áp dụng công nghệ thông minh, với số lượng xe tải khai thác tự hành lên tới 1.500 chiếc và dự kiến vượt mốc 10.000 chiếc vào năm 2026.

Tuy nhiên, quá trình này vẫn phải đối mặt với nhiều thiếu thách thức do chi phí triển khai công nghệ cao, đặc biệt tại các mỏ nhỏ và địa hình phức tạp, khiến tính khả thi về kinh tế còn là dấu hỏi. Một số chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc đầu tư ồ ạt vào số hóa có thể dẫn đến lãng phí nếu không được hoạch định rõ ràng.

Dù vậy, triển vọng mà công nghệ này mở ra vẫn rất đáng kể. Từ các nhà máy sản xuất tự động hóa cao như “nhà máy không người” của Midea, đến các trung tâm dữ liệu và cảng biển thông minh, Trung Quốc đang từng bước hiện thực hóa tham vọng trở thành nền kinh tế công nghệ cao, xanh và bền vững.

Trong dài hạn, thành công của mô hình như tại mỏ Yimin có thể không chỉ định hình tương lai của ngành khai khoáng trong nước, mà còn xuất khẩu công nghệ Trung Quốc ra toàn cầu - từ châu Phi đến Mỹ Latinh, nơi tiềm năng ứng dụng công nghệ khai thác tự hành đang được đánh giá rất cao.

Bình luận