Trương Gia Bình - Người thắp sáng những niềm hy vọng! Trương Gia Bình - Người thắp sáng những niềm hy vọng!

Trương Gia Bình - Người thắp sáng những niềm hy vọng!

Trong báo cáo của Chính phủ, thành quả của công cuộc đổi mới trong 10 năm 1991 - 2000 là rất ấn tượng, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp. Nhiều ngành hàng được thống kê cấp quốc gia so sánh năm 2000 với năm 1991, từ “thượng vàng” như dầu thô gấp 6,0 lần và tăng bình quân mỗi năm 19,6%; than sạch gấp 2,3 lần, tăng 8,7%/năm; điện gấp 3,0 lần, tăng 11,6%/năm; thép cán gấp 16,5 lần, tăng 32,4%/năm; … đến “hạ cám” như giày dép da gấp 14,9 lần, tăng 31,0%/năm; giày vải gấp 4,9 lần, tăng 17,2%/năm; quần áo may sẵn gấp 2,6 lần, tăng 10,0%/năm; giấy bìa gấp 4,8 lần, tăng 17,0%/năm …

Tính đến thời điểm ấy, đã 13 năm trôi qua kể từ khi Việt Nam khai thông trạm thông tin vệ tinh công nghệ phương Tây đầu tiên ở TP.HCM, đồng thời kết nối với Ôxtrâylia, tự động hòa mạng viễn thông Việt Nam với thế giới năm 1987. Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nhận xét: “Đó là bước ngoặt lớn trong lịch sử viễn thông Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam thực sự bước vào làm ăn với phương Tây về viễn thông trong khi đang bị cấm vận.

Đây là bước ngoặt đánh dấu nhiều điều. Thứ nhất, chúng ta lấy được công nghệ phương Tây. Thứ hai, mở ra cơ hội kiếm tiền trên công nghệ mới. Thứ ba là thí điểm xem công nghệ hiện đại có vào Việt Nam được không, thị trường Việt Nam có hấp dẫn với nước ngoài không. Thứ tư là thí nghiệm về việc các công nhân, kỹ sư Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ hiện đại hay không”.

Cho dù vậy, đến cuối năm 1992, cả nước mới có khoảng 500 ngàn thuê bao điện thoại cố định. Di động chưa có, internet chưa có. Việt Nam lúc đó hầu như chưa sản xuất được thiết bị viễn thông, tất cả hầu hết là nhập ngoại. Công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số… hầu như chưa có gì. Tất cả đều rất chậm chạp và xơ cứng.

Ngày ấy, nhận thức về công nghệ thông tin của tuyệt đại đa số (vâng, có thể là 99,99%) người dân và kể cả các nhà lãnh đạo cao cấp đều chỉ xung quanh khái niệm “xử lý hộp đen”. Các cơ quan, ban ngành từ cao xuống thấp của bộ máy Nhà nước cùng các phương tiện truyền thông, báo chí đều thường xuyên nhắc đến nguyên lý hoạt động của “hộp đen” để mô phỏng sự đổi mới trong nguyên lý hoạt động của toàn bộ nền kinh tế đất nước nhằm thoát khỏi cơ chế cứng nhắc tập trung - quan liêu - bao cấp là “đầu vào thì cứng mà đầu ra thì mềm”. Còn “hộp đen” hoạt động ra sao thì không ai phân tích nổi.

Trong một hội nghị của Bộ Nội thương, ông Thứ trưởng Lê Hữu Duyên, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, nhận xét: “Cả cuộc đời tôi chỉ biết có mỗi một cái khi vào thì cứng mà khi ra thì mềm”. Cả hội trường cười ồ lên và đều thầm nghĩ về sự mơ hồ của “xử lý hộp đen”.

Tuy vậy, đến cuối những năm của thế kỷ 20, trước sự phát triển như vũ bão về IT trên toàn thế giới, Việt Nam cũng có những chuyển động tích cực nhưng chỉ tựa như cỏ cây trước rừng đại ngàn. Tính đến thời điểm ấy, cả nước mới có khoảng 260 doanh nghiệp và hơn 5.000 lập trình viên làm phần mềm ở các mức độ khác nhau, nhưng thường là ở mức độ đơn giản nhất, mức độ gia công, làm những phần mềm nhỏ ứng dụng, chưa có phần mềm đóng gói và phần mềm lớn. Đặc biệt, chưa có được đội ngũ kỹ thuật viên làm phần mềm theo chuẩn quốc tế từ thấp đến cao. Doanh số ước đạt 50-60 triệu USD/năm.

Trong khi đó, ở các nước như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản…, doanh số tỷ USD vẫn bị coi là “muỗi”!

Các cụ xưa nói “Buôn có bạn, bán có phường”, và thế là có cuộc gặp gỡ có thể coi là cột mốc lịch sử, khởi đầu cho công cuộc khai phá “mỏ vàng trí tuệ” tại Việt Nam.

Quán cà phê Le Tonkin của cô chủ Mai đang đông khách đến ăn nhẹ bữa trưa. Bên một chiếc bàn nhỏ có ba người đàn ông tầm tuổi trên dưới 40, vóc dáng khác nhau, ăn mặc cũng khác nhau nhưng cùng với vẻ mặt đăm chiêu và suy tư.

Một người dễ dàng được nhận ra bởi anh là một doanh nhân khá nổi tiếng trong lĩnh vực IT, đương kim Chủ tịch Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn FPT lừng danh Trương Gia Bình. Còn hai người kia cũng là giám đốc của hai công ty IT nhỏ hơn, anh Hà Thế Minh, Giám đốc Công ty CMC và anh Nguyễn Nhật Quang, Giám đốc Công ty Hài Hòa.

Câu chuyện của 3 người, của 3 doanh nhân trẻ đầy khát vọng ấy không gì khác ngoài việc tìm con đường phát triển không chỉ cho doanh nghiệp của mình mà còn cho cả một nền công nghiệp IT đang quá sơ khai và mới mẻ ở Việt Nam.

Sơ khai về cơ sở vật chất đã đành, mà sơ khai cả về trong tư duy của nhiều nhà lãnh đạo đất nước, về hệ thống pháp lý, về đào tạo nguồn nhân lực… Thế kỷ 21 đã bắt đầu được hơn một năm trong bối cảnh thế giới đang tiến như vũ bão khai thác nền công nghiệp đầy trí tuệ này.

- Chúng ta không thể đi bán máy tính mãi như thế này được. Các nước như Ấn Độ, Trung Quốc đang phát triển công nghệ phần mềm ầm ầm, doanh thu hàng chục tỷ đô la mà mình sao có thể bó tay chịu đói khổ, nghèo hèn?

- Muốn làm thì phải hội tụ được ít nhất là 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nay thiên thời thì bí rì rì như thế, địa lợi thì lơ mơ. Người ta làm ầm ầm nhưng chưa chắc mình làm đã thành công. Còn mỗi nhân hòa là có vì anh em chúng ta ai cũng nóng lòng nóng ruột.

- Làm phần mềm phải có nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Với cung cách đào tạo kỹ sư phần mềm của Việt Nam lọ mọ như thầy bói đi đêm hiện nay, làm được để cạnh tranh với họ không phải dễ.

- Thời thế tạo anh hùng nhưng anh hùng cũng có thể tạo ra thời thế. Thiên thời đã bắt đầu xuất hiện. Bộ Chính trị vừa có nghị quyết chuyên về phát triển IT. Chính phủ cũng đã bật đèn xanh cho lĩnh vực này với mục tiêu từ nay đến 2005 thực hiện cho được 500 triệu USD trong sản xuất phần mềm, trong đó xuất khẩu 200 triệu USD, trong nước 300 triệu USD. Còn địa lợi, người ta làm được thì mình cũng làm được. Chúng ta phải chớp lấy thời cơ này…

Thế rồi, cả 3 cái đầu chụm lại bàn mưu tính kế và đi đến quyết định phải tập hợp lực lượng để hình thành một tổ chức xã hội - nghề nghiệp chuyên về phát triển phần mềm. Bởi cứ như hiện nay, các doanh nghiệp IT của Việt Nam còn quá nhỏ bé, sẽ khó lòng chen chân vào một thị trường có tính quốc tế hóa cao như thị trường phần mềm.

Ngay lập tức, Trương Gia Bình quyết định đóng góp 10.000 USD, anh Minh góp 5.000 USD, anh Quang góp 3.000 USD để chi phí cho việc thành lập một hiệp hội chuyên về phát triển phần mềm đầu tiên của Việt Nam có tên là Vinasa.

Cuộc gặp gỡ của 3 doanh nhân trẻ hôm ấy chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ nhưng lại là thời khắc đáng ghi vào sử sách của nền công nghiệp phần mềm Việt Nam bởi tầm tư duy, lòng nhiệt huyết và sẵn sàng đương đầu với thách thức. Họ đã nhen nhóm lên một ngọn lửa hy vọng cho một nền công nghiệp mới mẻ trong giới trẻ của đất nước trong tương lai.

Kỳ sau: Phải làm cho “các cụ” hiểu đã!