Để tỉnh phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, không gian phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả, giúp phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ 2021-2030, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch theo Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 12/03/2020, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức việc lập quy hoạch.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện đầy đủ các quy trình, báo cáo, xin ý kiến các cấp thẩm quyền thuộc tỉnh và các bộ, ngành và đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh giáp ranh với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; trở thành trung tâm của vùng về công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, du lịch, y tế, đào tạo nghề. Đến năm 2050, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tập trung phát triển 3 động lực tăng trưởng quan trọng: công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao; du lịch; nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao.
Chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế đảm bảo phát triển nhanh, bền vững; chuyển sang phát triển chủ yếu dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số và chuyển đổi số; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh và kết cấu hạ tầng để nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội…
Về các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch, tỉnh Tuyên Quang đưa ra 3 trụ cột tăng trưởng; 3 khâu đột phá chiến lược; 4 cực phát triển, tăng trưởng; 3 động lực tăng trưởng và 6 nhiệm vụ trọng tâm: nâng cao chất lượng, hiệu quả, sự sáng tạo trong tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực, phát huy giá trị văn hóa, sắp xếp ổn định sản xuất...
Theo các chuyên gia, đối với thực trạng phát triển của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tỉnh Tuyên Quang cần bổ sung trong từng ngành, lĩnh vực, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu; những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; từ đó, xây dựng được phương án quy hoạch khả thi, đưa ra được các giải pháp khắc phục, định hướng cho việc đề ra các phương án trong thời kỳ quy hoạch.
Tại Tuyên Quang, do kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, nên cần đề xuất các phương án kỹ thuật, phân kỳ đầu tư để thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư theo quy hoạch.
Kêu gọi, thu hút đầu tư đối với các dự án giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch có khả năng thu hồi vốn tốt nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách, tận dụng tối đa nguồn lực của kinh tế tư nhân. Cùng với đó, cần hình thành nên những quần thể du lịch dịch vụ có sức hấp dẫn thu hút du khách.