Tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung mới BĐS du lịch, nghỉ dưỡng chỉ hơn 50%

07:00 06/01/2025
Thống kê từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, cả năm 2024, toàn thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ghi nhận khoảng 2.500 giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng hơn 50%. 

Ghi nhận của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), sau giai đoạn phát triển bùng nổ với mức tăng trưởng lên tới 50% mỗi năm, từ năm 2018 đến nay, thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng liên tục biến động bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Thứ nhất, phải kể đến chính là ảnh hưởng của đại dịch covid 19. Mặc dù câu chuyện về đại dịch đã khép lại được khoảng 3 năm. Nhưng tác động của nó tới nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng là không thể phủ nhận.

Đặc biệt với phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, toàn bộ hoạt động khai thác cho thuê gần như bị đóng băng. Kể cả khi đại dịch đã được kiểm soát thì phân khúc này vẫn chưa thể rục rịch khởi động. Bởi thời điểm đó, hầu hết mọi quan tâm của người dân đều tập trung vào nhu cầu thực, nhu cầu cơ bản. Trong khi đó, việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế cũng bị hạn chế.

Điều này ảnh hưởng nặng nề tới nguồn thu của phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, khiến phân khúc này mất hẳn sức hấp dẫn với khách hàng, nhà đầu tư.

Thứ hai, chính là bởi sự quan ngại về tính pháp lý của phân khúc này. Khi thị trường phát triển nóng, câu chuyện về kỳ vọng lợi nhuận quá thu hút, khiến mọi sự quan tâm của khách hàng, nhà đầu tư đều đổ dồn vào đó.

Ảnh: ITN.

Họ tạm gạt yếu tố pháp lý sang một bên. Tuy nhiên, khi thị trường chững lại, khách hàng, nhà đầu tư bắt đầu chặt chẽ hơn, cân nhắc hơn, tính toán hơn. Kỳ vọng về lợi nhuận lúc đó đã không còn đủ lực để trấn an hết các nỗi lo về tính an toàn pháp lý.

Thứ ba, là bởi sự thất bại của một số chủ đầu tư với những dự án quy mô khủng, cùng mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn, nhưng tất cả đều không được hiện thực hóa. Khiến khách hàng, người dân hoang mang, mất niềm tin và dần thờ ơ với phân khúc này.

Điều này được cho là hệ quả của việc đầu tư, phát triển một cách ồ ạt, thiếu tính toán dẫn đến hiện tượng dư thừa nguồn cung một cách cục bộ.

Mặt khác, ngoài mục tiêu tìm chốn nghỉ ngơi, an dưỡng, thì phần lớn nhu cầu đối với phân khúc này chính là nhằm thu được dòng tiền đều đặn, ổn định từ việc khai thác cho thuê.

Nếu như sau một thời gian vận hành, dòng tiền này không đều, không được như kỳ vọng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyết định “xuống tiền” tiếp theo của khách hàng, nhà đầu tư với phân khúc này.

Mặc dù vậy, thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là một phân khúc tiềm năng. Bởi lẽ, mặc dù chậm, nhưng theo thời gian, phân khúc này cũng cho thấy những dấu hiệu phục hồi đầy nỗ lực 

Ghi nhận của VARS cho thấy, năm 2023, cả nước chỉ có khoảng 3.165 sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng mới, giảm hơn 80% so với năm 2022. Lượng giao dịch cũng chưa phục hồi như kỳ vọng, toàn thị trường chỉ ghi nhận 726 giao dịch thành công.

Sang đến năm 2024, nguồn cung BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đã có sự cải thiện, toàn thị trường ghi nhận khoảng 4.400 sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng mới mở bán, tăng 40% so với năm 2023.

Thanh khoản cũng ghi nhận kết quả tích cực. Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận khoảng 2.500 giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng hơn 50%. 

Kết quả phục hồi tích cực của ngành du lịch, cũng được cho là căn cứ vững chắc, bệ phóng quan trọng thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.

Bình luận