1. Ninh Bình là vùng đất cổ, có giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên, về chiều sâu văn hóa - lịch sử, là nơi “sơn bao, thủy bọc”, nước non cẩm tú - sơn thủy hữu tình.
Nơi đây, khoảng 30 nghìn năm về trước, người Việt cổ đã biết sống quần cư, với những chòm xóm đầu tiên, cấu trúc sơ khai để từ đó hình thành nên hệ thống làng xã, đô thị như ngày nay.
Cũng dựa vào hình thế tự nhiên, lấy “núi đá làm thành, sông nước làm hào lũy”, vào thế kỷ thứ 10, Hoa Lư đã trở thành cố đô của nước Đại Cồ Việt, gắn với ba triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, tạo dựng nên một thời kỳ phát triển rực rỡ, hào hùng về chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế, xã hội không chỉ cho vùng đất Ninh Bình mà cho cả nước ta sau hơn ngàn năm Bắc thuộc.
Với chiều dày văn hóa lịch sử hàng ngàn năm, Ninh Bình hiện có 1.821 di tích, trong đó có 370 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia, nổi bật là quần thể danh thắng Tràng An và khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước. Đặc biệt, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới vào năm 2014.
Đây là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Với tính chất toàn cầu của Di sản này, đã cho ta một góc nhìn rõ hơn về ý nghĩa, vai trò của cảnh quan thiên nhiên trong quá trình hình thành, phát triển Đô thị di sản Ninh Bình mà ta đang hướng tới.
Từ trước đến nay, ở nước ta chỉ nói đến Di sản đô thị (Urban Heritage), chứ chưa có một định nghĩa nào về Đô thị di sản. Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009) cũng không đề cập đến loại hình này.
Trong các văn bản của Chính phủ về phân cấp đô thị cũng không nói đến đô thị di sản. Đây thực sự là khoảng trống pháp lý! Vậy Đô thị di sản là gì? Đó là di sản văn hóa có quy mô lớn nhất trong mọi loại hình di sản do con người kiến tạo trong lịch sử tiến hóa của nhân loại.
Đó vừa là sản phẩm sáng tạo văn hóa của loài người, vừa là môi trường chứa đựng những hoạt động văn hóa ấy, trong đó có cảnh quan thiên nhiên.
Di sản đô thị gồm di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản thiên nhiên. Còn theo GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, thì "Đô thị di sản là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên, là xuất phát điểm chi phối tất thảy". (Hoàng Đạo Kính, 2011. Huế - đô thị di sản, phát triển trong sự tiếp nối).
Theo tôi, cho đến thời điểm này, định nghĩa về Đô thị di sản do GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính đưa ra cách đây 13 năm là đầy đủ, rõ ràng nhất.
2. Ở nước ta, bên cạnh các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, thì cũng có nhiều di sản thiên nhiên được vinh danh là di sản thế giới, như: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Quần thể danh thắng Tràng An; Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng hai yếu tố nổi bật về Văn hóa và Thiên nhiên.
Đó là nơi lưu giữ một quỹ di tích kiến trúc văn hóa đặc sắc, độc đáo có giá trị rất cao về lịch sử phát triển của hai triều đại Đinh - Tiền Lê, như những ngôi đền, chùa, lăng tẩm…; bên cạnh đó là cấu trúc không gian các làng truyền thống, nơi chứa đựng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có bề dày lịch sử.
Đó là nơi có "Kiến tạo địa chất độc đáo" và "Vẻ đẹp nổi bật toàn cầu", là ví dụ đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của Trái đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất quan trọng hình thành nên các dạng địa hình, đặc điểm địa mạo Karst nổi bật, gồm các tháp Karst dạng nón, với vách dốc đứng cao 200 m so với nền đất và mực nước xung quanh.
Cảnh quan tháp Karst Tràng An được ví như một “Hạ Long trên cạn”, là một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục nhất thuộc loại này trên thế giới. Những rặng núi hẹp nối liền hai đỉnh núi bao quanh các thung, trũng, hố sụt tròn và dài, với những dòng sông, suối nối với nhau, chảy quanh co xuyên qua các hang động dài lên tới 1 km, với vô vàn thạch nhũ, rèm nhũ hình dạng phong phú, đẹp, độc đáo đầy sức hấp dẫn được thiên tạo bởi quá trình phong hóa hàng triệu năm.
Rừng nhiệt đới nguyên sinh Hoa Lư bao trùm phủ thảm xanh lên một diện tích hơn 3.375 ha, bám vào cả các vách đá và đỉnh núi trải qua bao biến thiên của lịch sử vẫn còn nguyên nét hoang sơ như cách đây hàng chục ngàn năm.
Các yếu tố đá, nước, rừng, bầu trời, ánh sáng kết hợp với nhau tạo nên một thế giới thiên nhiên sinh động, vô cùng tuyệt đẹp và quyến rũ. Tràng An còn là "thí dụ nổi bật về môi trường sống của người tiền sử".
Nơi mà thiên nhiên và văn hóa không thể tách biệt, nơi mà văn hóa chứa đựng sự kỳ diệu, bí ẩn và hùng vĩ của thế giới tự nhiên và đã được tự nhiên biến đổi để thích nghi.
Tràng An là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới với những bằng chứng cho thấy cách con người tương tác với cảnh quan thiên nhiên và thích ứng với những thay đổi quan trọng về môi trường kéo dài hơn 30.000 năm (từ 1.200 đến 33.100 năm).
Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 12.252 ha, là một vùng ôm trọn nhiều di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của tỉnh Ninh Bình, như khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư... Liên kết giữa các khu vực này là hệ sinh thái rừng đặc dụng Hoa Lư phủ xanh cả núi đá vôi, đất ngập nước và hệ thống sông, hồ, đầm.
Trong đó, Vùng lõi Tràng An có diện tích 6.172 ha là vùng bảo vệ đặc biệt của danh thắng Tràng An, nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, TP Ninh Bình và TP Tam Điệp, nằm trên phạm vi 12 xã (Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Xuân, Ninh Văn, Ninh Thắng (Hoa Lư), Ninh Nhất, Ninh Tiến (TP Ninh Bình), Gia Sinh, Yên Sơn (TP Tam Điệp) và Sơn Hà, Sơn Lai (Nho Quan), nhưng chủ yếu thuộc hai xã Trường Yên và Ninh Hải của huyện Hoa Lư.
Vùng đệm nằm trên phạm vi 20 xã gồm 12 xã kể trên, và 8 xã: Ninh Giang, Ninh Mỹ, Ninh An, Gia Trung, Gia Tiến, Quỳnh Lưu, Tân Bình và Ninh Phong. Theo Quy hoạch, thì Quần thể danh thắng Tràng An sẽ thuộc địa giới của TP Ninh Bình (hoặc có tên là TP Hoa Lư) trong tương lai không xa, đó sẽ là tiền đề quan trọng để xác định thành phố đặc biệt này là Đô thị di sản.
Nghiên cứu của các chuyên gia Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đã cho thấy, vùng Karst Tràng An là phần tận cùng về phía Đông Nam của các dải đá vôi thuộc nhánh đại dương Tethys cổ từ Trung Quốc kéo vào Việt Nam, tạo thành một loạt cao nguyên đá vôi Tây Bắc độc đáo, sau khi qua Vườn quốc gia Cúc Phương về tới Tràng An chuyển thành các khối núi, dãy núi hẹp xen các thung lũng.
Có thể nói, không nơi nào trên thế giới có được cảnh quan của một Vịnh Hạ Long đã trở thành “hóa thạch nổi trên cạn” như ở đây. Nguyên nhân vùng biển cổ Hoa Lư trở thành một “Vịnh Hạ Long trên cạn” là do đặc thù của quá trình phát triển đồng bằng châu thổ Sông Hồng và tiếp đó là hoạt động nhân sinh, đắp đê ngăn lũ và lấn biển của người Việt từ thế kỷ 9, 10 đến nay.
Chính sự đa dạng của môi trường thiên nhiên và sự hài hòa giữa sinh vật, hang động, thủy vực, tạo nên cảnh sắc “non xanh, nước biếc” hữu tình, thơ mộng như một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, khổng lồ.
Hòa quyện với cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan Karst là thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh, quanh năm có sương sớm, mây chiều, tạo ra phong cảnh mê hoặc lòng người.
Khu rừng đặc dụng Hoa Lư là điển hình của một vùng Karst đá vôi trồi lên giữa vùng đồng bằng ven biển tương đối bằng phẳng của miền Bắc Việt Nam, với rừng phủ trên núi đá vôi đan xen với nhiều hang động đẹp như Thiên Hà, Vái Giời, Tiên Cá, Ba Cô, Tiên, Thủy Cung, hang Bụt, hang Sinh Dược... tạo nên những tuyến du lịch nổi tiếng như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động.
Môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp cùng cảnh quan nông thôn, với làng mạc, vườn tược và ruộng đồng bát ngát. Các làng xóm có quy mô nhỏ được liên kết với nhau bởi những con đường mòn, cùng mạng lưới sông, suối, kênh rạch tạo nên một sự hài hòa, thân thiện rất đặc sắc giữa con người với thiên nhiên.
Những ngôi chùa, đền, miếu ẩn mình bên vách đá với mái ngói cổ rêu phong, thâm trầm, tạo nên một yếu tố văn hóa bình dị, kín đáo, hài hòa với cảnh quan non nước hữu tình chung quanh.
Qua phân tích, ta có thể thấy các di tích, di sản văn hóa vật thể trong quần thể danh thắng Tràng An có mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh với di sản danh thắng, cảnh quan thiên nhiên và hoạt động của cộng đồng dân cư nông nghiệp.
Theo số liệu (tính từ 2014 đến nay), dân cư của 20 xã nơi có vùng di sản quần thể danh thắng Tràng An vào khoảng 122 nghìn người (dân số 12 xã vùng lõi khoảng 73 nghìn và dân số 8 xã vùng đệm là 49 nghìn), thì trong đó, vùng lõi danh thắng Tràng An có 14 nghìn người; vùng đệm có 21 nghìn người sinh sống.
Cư dân vùng lõi (vùng bảo vệ danh thắng) và vùng đệm chủ yếu là cư dân nông nghiệp, sản xuất nhỏ, làm nghề truyền thống và dịch vụ du lịch, nằm xen kẽ trong rừng với tập quán sinh sống từ bao đời nay dựa vào thiên nhiên vẫn còn tồn tại.
Đã từ lâu cư dân ở đây hình thành lối sống thích ứng với thiên nhiên và di sản. Và chính cộng đồng làng xóm này, tuy còn nhiều hạn chế về nhận thức, hiểu biết về pháp luật, quy định về bảo tồn, nhưng cũng có vai trò tích cực vào giữ gìn bảo tồn di sản cố đô Hoa Lư và cảnh quan thiên nhiên của quần thể danh thắng Tràng An.
Với sự tham gia của các doanh nhân nổi tiếng, doanh nghiệp lớn, khu du lịch tâm linh Tràng An với tổng thể kiến trúc chùa Bái Đính rộng lớn, hoành tráng đã góp phần làm nổi bật, tôn vinh quần thể danh thắng Tràng An không chỉ trong tỉnh Ninh Bình, trong nước và còn lan tỏa tích cực trong khu vực và trên thế giới. Mà quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh là Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới đã chứng minh điều đó.
3. Ngày nay, trước những biến đổi cực đoan có tần suất ngày càng cao của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, dẫn đến băng tan, nước biển dâng, sạt lở, lũ lụt, động đất, sóng thần và đại dịch gây thảm họa cho con người, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, vấn đề bảo vệ môi trường đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trước sự sống còn và phát triển bền vững của nhân loại cũng như các hệ sinh thái động thực vật trên trái đất.
Bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên không còn là kêu gọi của Liên Hợp Quốc mà đã trở thành mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới từ những thập niên 80 - 90 của thế kỷ 20.
Việt Nam, một trong số các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu trong thế kỷ 21, đã và đang thực hiện nhiều chương trình quốc gia nhằm giảm thiểu tối đa sự tác động cực đoan của biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, trong đó có bảo vệ các di sản, di tích văn hóa lịch sử và danh thắng, cảnh quan thiên nhiên.
Tại hội nghị quốc tế gần đây của các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu như COP 26, COP 27, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện các mục tiêu để phát thải ròng đến 2050 sẽ đạt mức bằng 0 (Net zero).
Mà trong đó phát triển xanh, bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Đối với di sản đô thị, bên cạnh việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di sản văn hóa, thì cảnh quan thiên nhiên bao bọc xung quanh di sản, di tích cần được nhìn nhận một cách khoa học và xã hội, nhất là di sản thiên nhiên trong đô thị hay vùng đô thị.
Theo Quyết định 218/QĐ-TTg ngày 04/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và các Nghị quyết có liên quan, thì đến năm 2050, Ninh Bình là thành phố trực thuộc trung ương văn minh, hiện đại, thông minh có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới; có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; là một trong những địa phương đầu tiên đưa phát thải nhà kính về mức “0” (Net zero) của Việt Nam, tiêu biểu về khởi nghiệp sáng tạo, phát huy sức mạnh mềm trong hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Địa bàn vững chắc về quốc phòng, an ninh, chính trị ổn định, kinh tế thịnh vượng, xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Để đạt được mục tiêu có tính lịch sử trên, Ninh Bình chắc chắn sẽ phải có kế hoạch, lộ trình thực hiện từ nay cho đến 2050 với những giải pháp quyết liệt, sáng tạo và đổi mới. Trong đó có việc bảo tồn phát huy giá trị không gian xanh trong các di sản đô thị, mà đặc biệt là quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới.
i, Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản, cảnh quan thiên nhiên trong quần thể khu vực danh thắng, đặc biệt là khu vực vùng lõi - vùng bảo vệ di sản. Tạo điều kiện để người dân sống trong khu vực quần thể di sản tham gia vào bảo vệ, giữ gìn và phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, như lái thuyền, đò chở khách du lịch tham quan, danh lam thắng cảnh Tam Cốc - Bích Động; khu du lịch văn hóa tâm linh Chùa Bái Đính hiện nay.
ii, Tăng cường công tác kiểm tra phòng chống cháy rừng, đặc biệt là khu vực rừng nguyên sinh Hoa Lư. Nghiêm cấm chặt phá, đốt rừng để lấy đất canh tác, săn bắn, đặt bẫy để bảo vệ hệ sinh thái rừng hiện có.
Bảo vệ môi trường nước trong sạch của hệ thống sông, ngòi, suối trong vùng quần thể danh thắng Tràng An, đặc biệt là khu vực vùng lõi, vùng bảo vệ di sản.
Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ di sản văn hóa, di sản cảnh quan thiên nhiên; nghiêm cấm việc phá hủy cảnh quan thiên nhiên, chặt phá cây xanh để xây dựng nhà nghỉ, kinh doanh bất động sản, du lịch tự phát trong vùng di sản.
iii, Phát huy giá trị nghề truyền thống, chuyển đổi phương thức sản xuất cho phù hợp với thời kỳ mới, không làm ảnh hưởng môi trường và nâng cao chuỗi giá trị kinh tế. Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch xanh.
iv, Đưa giá trị quần thể danh thắng Tràng An tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa, với sự ứng dụng của những tiến bộ công nghệ - thông tin, kỹ năng kinh doanh, sử dụng giá trị của di sản như là nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, để tạo ra là các sản phẩm - dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, du lịch ngày mạnh mẽ và đa dạng của nhân dân và du khách.
Nhưng hạn chế đến mức thấp nhất tác động của du lịch, của phát triển kinh tế vào giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên lịch sử của khu vực Danh thắng Tràng An.
*
* *
Đô thị di sản có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của một địa phương, một thành phố, một vùng lãnh thổ và quốc gia. Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, cố đô lâu đời của nước Việt cổ, nơi chứa đựng biết bao di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của cả nước.
Vì thế, hơn lúc nào hết rất cần một kịch bản phù hợp, khả thi với nhiều giải pháp hữu hiệu về khoa học, văn hóa, kiến trúc, lịch sử, kinh tế để đưa TP Hoa Lư trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ như khát vọng của cả nước, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Binh trong thời kỳ phát triển mới.