Vành đai 4 TP.HCM có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 128 nghìn tỷ đồng

09:30 02/09/2024
Khái toán tổng mức đầu tư dự án Vành đai 4 TP.HCM khoảng 128.063 tỷ đồng, bao gồm 39.827 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, 30.882 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Vành đai 4 TP.HCM có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 128 nghìn tỷ đồng
Bản đồ tổng hướng tuyến Vành đai 4 TP.HCM. Ảnh: Sở GTVT TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc trình hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tổng thể dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, đi qua 5 tỉnh, thành bao gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án Vành đai 4 TP.HCM là đường bộ lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ từ trước đến nay, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối giao thông và phát triển kinh tế.

Đồng thời, Dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có tính kết nối giao thông liên vùng rất quan trọng trong giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistic.

Hiện nay, TP.HCM và các tỉnh liên quan đã tổ chức lập và cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án xây dựng đường Vành đai 4 với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 207 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23 km; Đồng Nai 45,54 km; Bình Dương 47,45 km; TP.HCM 17,3 km; và Long An 78,3 km.

Theo đó, toàn tuyến xây dựng tổng số 23 nút giao liên thông gồm: 4 nút tại TP.HCM, 6 nút trên địa bàn Long An, 3 nút tại Bà Rịa - Vũng Tàu, 6 nút tại Đồng Nai và 4 nút tại Bình Dương.

Giai đoạn 1, quy mô Dự án thực hiện GPMB một lần theo quy hoạch được duyệt với mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục trên toàn tuyến (bề rộng 3 m); xây dựng đường song hành, đường dân sinh hai bên tuyến theo nhu cầu giao thông từng đoạn, từng địa phương (đoạn đi qua khu đô thị, khu dân cư...).

Theo UBND TP.HCM, khái toán tổng mức đầu tư Dự án khoảng 128.063 tỷ đồng, trong đó dự kiến bao gồm vốn NSTW 39.827 tỷ đồng, vốn NSĐP 30.882 tỷ đồng.

Đoạn qua địa bàn TP.HCM dự kiến có vốn đầu tư khoảng 14.089 tỷ đồng; Long An 67.024 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 7.972 tỷ đồng; Đồng Nai 19.151 tỷ đồng; Bình Dương 19.827 tỷ đồng. Kế hoạch phân bổ vốn ngân sách cho Dự án giai đoạn 2021-2025 là 15.843 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 54.867 tỷ đồng.

Đường Vành đai 4 TP.HCM có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định đến năm 2030, hoàn thành đường Vành đai 4 TP.HCM.

Để kịp thời triển khai và đáp ứng tiến độ cấp bách đã đề ra, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tổng thể dự án Vành đai 4 TP.HCM; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế và chính sách đặc thù áp dụng cho toàn bộ tuyến đường.

TP.HCM sẽ chủ trì phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan để nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, trình cấp thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp tháng 10/2024.

UBND Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì tham mưu tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định; báo cáo Thủ tướng về việc cân đối và bố trí nguồn vốn NSTW cho Dự án, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đăng ký chương trình làm việc trong kỳ họp tháng 10/2024.

Để đảm bảo tiến độ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, từ nay đến tháng 10/2024, các địa phương phải thần tốc hoàn thành hàng loạt nhiệm vụ, thủ tục. Hiện Sở GTVT các tỉnh cùng đơn vị tư vấn, thành viên tổ công tác... đang làm xuyên lễ để đảm bảo tiến độ hoàn thiện hồ sơ.

Bình luận