Dự án đầu tư mới phải theo kinh tế tuần hoàn
Chiều 23/11, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Vietbuild 2022 lần 3 tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo “Ngành vật liệu xây dựng với kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu đạt phát thải bằng “0” vào năm 2050”, với sự tham gia của hàng trăm khách mời đến từ Bộ Xây dựng, Hiệp hội VLXD Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hiệp hội vật liệu xây dựng Việt Nam kỳ vọng, nội dung của hội thảo góp phần chung tay thực hiện và thúc đẩy phát triển bền vững lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD).
Gần 10 bài thuyết trình trong Hội thảo cho thấy bức tranh tổng quan về lĩnh vực VLXD hiện nay, từ công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản làm VLXD cho tới việc sử dụng chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng; sự thích ứng của ngành công nghiệp VLXD trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; công nghệ sản xuất một số sản phẩm VLXD cách nhiệt, chống cháy, thân thiện môi trường…
Trong bài thuyết trình của ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD tóm tắt thuyết minh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy, quá trình triển khai 2 quy hoạch trước đây theo Quyết định số 152/QĐ-TTg và Quyết định số 105/QĐ-TTg đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập nhất định: Thiếu thông tin điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; Kỳ quy hoạch, diện tích, quy mô, công suất không còn phù hợp giữa giai đoạn thăm dò và giai đoạn khai thác; có sự chồng lấn quy hoạch khác với quy hoạch VLXD, xi măng; Thăm dò khoáng sản chưa triệt để theo chiều sâu thân quặng nên việc đánh giá trữ lượng hạn chế, không khai thác hết trữ lượng, gây lãng phí tài nguyên; Vướng mắc trong hoạt động cấp phép thăm dò… Bên cạnh đó, 2 quy hoạch nói trên cũng đã hết kỳ quy hoạch. Từ đó, cho thấy sự cần thiết lập mới quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định pháp luật về khoáng sản.
Vậy, những điểm mới trong dự thảo quy hoạch khoáng sản làm VLXD lần này là gì? Ông Phạm Văn Bắc cho biết, 2 quy hoạch khoáng sản làm xi măng và quy hoạch khoáng sản làm VLXD được gộp lại thành 1 bản quy hoạch các loại khoáng sản làm VLXD.
Nội dung một số điểm mới của bản quy hoạch đang được dự thảo: Cấp phép khai thác mới một số khu vực khoáng sản cát trắng, đá ốp lát các loại, đá vôi và đô lô mít làm vôi để đầu tư xây dựng phát triển ngành vật liệu kính, đá nhân tạo, đá ốp lát tự nhiên, vôi, bột nhẹ có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu một phần sản phẩm sau chế biến; Tất cả các giấy phép khai thác cấp mới đều phải gắn với cơ sở chế biến, tạo ra sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao, không cấp phép đầu tư manh mún, tập trung nguồn nguyên liệu để ổn định lâu dài cho các cơ sở sản xuất/chế biến; Định hướng đầu tư mới một số cơ sở chế biến cát trắng, đá ốp lát, vôi và bột nhẹ…
Đặc biệt, các dự án đầu tư mới phải đáp ứng yêu cầu sử dụng công nghệ tiên tiến, theo mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trước năm 2050.
Bên cạnh đó, dự thảo quy hoạch mới cũng đưa ra danh sách thống kê 8 loại khoáng sản tương ứng với 169 mỏ/khu vực khoáng sản trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích đã xác định hơn 14,9 nghìn ha.
Thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Vicem
Cũng tại Hội thảo, đại diện của Tổng Công ty xi măng Việt Nam (Vicem) ông Đỗ Xuân Thịnh - Chuyên gia kỹ thuật đã chia sẻ về quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Vicem và một số kết quả bước đầu trong sử dụng chất thải công nghiệp và sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng.
Qua bài thuyết trình của ông Đỗ Xuân Thịnh cho thấy, Vicem phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước nghiên cứu sử dụng chất thải trong sản xuất xi măng, có thể kể đến hợp tác của Vicem với Tập đoàn FLSmith (Đan Mạch) nghiên cứu sử dụng đá vôi có hàm lượng CaO thấp và MgO cao, sử dụng chất thải làm nguyên liệu thay thế, nghiên cứu sử dụng chất thải làm nhiên liệu thay thế, tối ưu hóa vận hành, cải tạo thiết bị để giảm bức xạ nhiệt và giảm phát thải CO2 ra môi trường.
Vicem cũng hợp tác với Viện Vật liệu xây dựng, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, các Viện nghiên cứu của Việt Nam nghiên cứu sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nguyên liệu thay thế, nhiên liệu thay thế, sử dụng than phẩm cấp thấp trong sản xuất xi măng…
Kết quả của Chương trình nghiên cứu sử dụng bùn thải thay thế nguyên liệu sét trong sản xuất clinker tại 04 đơn vị thành viên, đạt tỷ lệ thay thế trung bình khoảng 3-5%; Chương trình nghiên cứu sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker tại 05 đơn vị thành viên, đạt tỷ lệ thay thế trung bình khoảng 14-18%, đặc biệt một số dây chuyền tại các nhà máy Vicem: Bút Sơn 1 và 2, Kiên Lương 2, Bình Phước đạt tỷ lệ trên 25%.
Kết quả của Chương trình tối ưu sản xuất, tăng cường sử dụng tro, xỉ trong sản xuất clinker và xi măng, nếu như năm 2012 mới chỉ sử dụng khoảng 300 nghìn tấn, đến năm 2021 đã sử dụng 2,6 triệu tấn, dự kiến năm 2022 là 3 triệu tấn, đạt tỷ lệ thay thế trung bình 12-15% sau 10 năm triển khai.
Bên cạnh đó, với Chương trình nghiên cứu, sử dụng thạch cao nhân tạo làm phụ gia, Vicem định hướng dòng xi măng dân dụng sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế từ 50-70% thạch cao tự nhiên, trong đó năm 2021 sử dụng 122 nghìn tấn, năm 2022 dự kiến sử dụng 150 nghìn tấn đạt tỷ lệ 15-20%. Đặc biệt kể đến Vicem Sông Thao sử dụng 100% thạch cao nhân tạo từ năm 2021…
Với định hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực VLXD, xi măng đã dược triển khai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với ngành Xây dựng. Ba trụ cột xã hội - môi trường - kinh tế dường như đã trở thành sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng.