1. Vật liệu xây dựng xanh [1]
Vật liệu xây dựng xanh là những loại vật liệu sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo hướng tiếp cận có trách nhiệm với môi trường. Nghĩa là vật liệu xây dựng xanh phải sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên không tái tạo được như quặng, than và kim loại. Phải nằm trong chu kỳ tự nhiên và mối tương quan với hệ sinh thái.
Vật liệu xây dựng xanh là loại vật liệu có tối thiểu một trong các tính chất sau:
Là vật liệu không có tính chất độc hại; Là vật liệu được làm từ vật liệu tái chế và phải là vật liệu có khả năng tái chế được; Là vật liệu tiết kiệm tài nguyên, sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; Là vật liệu có vòng đời sử dụng dài; Là vật liệu quan tâm đến vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng và thu hồi sau khi sử dụng.
Theo Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO: Nhãn xanh là sự khẳng định, biểu thị thuộc tính môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ có thể dưới dạng một bản công bố, biểu tượng hoặc biểu đồ trên sản phẩm hoặc nhãn bao gói, trong tài liệu về sản phẩm, tạp chí, kỹ thuật, và các hình thức quảng cáo khác.
Dựa vào tiêu chuẩn quốc tế ISO, nhãn xanh (nhãn sinh thái) được chia làm ba loại, gọi tắt là loại I, loại II, loại III với các yêu cầu cụ thể được nêu trong tiêu chuẩn ISO 14024:1999, ISO 14021:1999, ISO 14025:2000. (Bảng 1)
2. Kinh nghiệm thế giới
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 465 nhãn sinh thái tại 199 quốc gia và bao phủ 25 ngành công nghiệp. Tình hình tiêu chuẩn và số lượng sản phẩm được chứng nhận trong năm 2015 của một số chương trình nhãn xanh phổ biến trên thế giới được đưa ra trong Bảng 2.
Dán nhãn sinh thái là một hình thức phân biệt sản phẩm, các sản phẩm tuân thủ và mang nhãn sinh thái giống như nhận được một giá trị bảo hiểm trong thị trường vật liệu xanh. Điều này sẽ phụ thuộc vào nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề môi trường. Sự tín nhiệm của nhãn xanh, và thị trường cho các sản phẩm được dán nhãn xanh cũng đóng một vai trò quan trọng cho sự thành công của một chương trình dán nhãn xanh.
3. Kinh nghiệm tại Việt Nam
Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH 14 quy định: Sản phẩm thân thiện môi trường là sản phẩm được tạo ra từ các nguyên liệu, vật liệu, công nghệ sản xuất và quản lý thân thiện môi trường, giảm tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sử dụng, thải bỏ, bảo đảm an toàn cho môi trường, sức khỏe con người và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hoặc công nhận; Nhãn sinh thái Việt Nam là nhãn được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận cho sản phẩm thân thiện môi trường; Việt Nam công nhận sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường đã được tổ chức quốc tế, quốc gia ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau với Việt Nam chứng nhận.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định về sản phẩn thân thiện với môi trường, hồ sơ, trình tự, thủ tục chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam.
Ngày 01/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên liên quan tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP 26).
Theo đó, khai thác và sản xuất VLXD là một trong ba lĩnh vực chủ yếu của ngành Xây dựng có tiềm năng, lợi thế đóng góp vào kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tối thiểu giai đoạn đến năm 2030 của ngành Xây dựng là 74,3 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ). Đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải các-bon thấp.
Đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới đạt tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải các-bon thấp. 100% công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa cải tạo phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Ban hành cơ chế khuyến khích phát triển công trình xanh, khu đô thị/đô thị xanh, khu đô thị/đô thị phát thải cac-bon thấp.
Thúc đẩy sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh. Hoàn thiện xây dựng tiêu chí sản phẩm xanh cho các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu. Đến năm 2030, 25% các VLXD chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh. Giai đoạn 2031 - 2050 phải đạt một số mục tiêu cụ thể như: Phát triển rộng rãi vật liệu xây dựng, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, đô thị theo hướng xanh, phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới, 10% đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải các-bon thấp. Trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí công trình xanh. Ngày 22/7/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, giao các nội dung công việc cụ thể cho từng bộ, ngành.
Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 -2030 định hướng đến 2050. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, phát triển các loại VLXD mới thân thiện môi trường.
Chương trình cấp nhãn sinh thái của Việt Nam (Nhãn xanh Việt Nam) được Bộ trưởng Bộ TN&MT tại Quyết định số 253/QĐ-BTNMT ngày 05/3/2009 và Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc gắn Nhãn xanh Việt Nam là hoạt động tự nguyện. Hiện nay chương trình Nhãn Xanh Việt Nam đã xây dựng được 17 bộ tiêu chí cho các nhóm sản phẩm khác nhau. Trong đó nhóm sản phẩm liên quan đến VLXD đã xây dựng được 2 bộ tiêu chuẩn: Sản phẩm sơn phủ dùng cho xây dựng - NXVN 11:2014 và gốm sứ xây dựng - NSVN 05:2014.
4. Thuận lợi, khó khăn
Hiện nay, miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường đã được quy định tại Thông tư số 128/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cụ thể là các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Theo đó, miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường có tên trong Biểu thuế xuất khẩu và có văn bản chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam và giảm 50% mức thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải có tên trong Biểu thuế xuất khẩu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định các nguồn lực hỗ trợ thực hiện bao gồm: Ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn hỗ trợ và vay ưu đãi, tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động công - tư cho các dự án xanh, các quỹ trong nước.
Theo xu thế hiện nay, sản phẩm xanh có tiềm năng phát triển, ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, có một số khó khăn như sau: Các nhà sản xuất chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển thương hiệu sản phẩm xanh; Nhận thức của người tiêu dùng chưa cao; Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy thị trường; Các tiêu chí, quy định, căn cứ xác định vật liệu xây dựng xanh/VLXD sinh thái còn thiếu, chưa phù hợp; Thiếu các tiêu chuẩn, phương pháp thử, cơ sở vật chất thử nghiệm phù hợp cho các sản phẩm mới, đặc thù.
5. Định hướng phát triển
Để thực hiện mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg và cam kết của Việt Nam đối với thế giới về cắt giảm khí nhà kính, Viện VLXD (là đơn vị hỗ trợ Bộ Xây dựng nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng các tiêu chuẩn, chính sách cho ngành sản xuất VLXD) đã thực hiện các nghiên cứu sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Hiện nay, Viện VLXD cũng đang thực hiện nghiên cứu đối các sản phẩm VLXD chủ yếu: Xây dựng cơ sở dữ liệu về vòng đời sản phẩm (LCA); Xây dựng các tiêu chí dán nhãn năng lượng, nhãn xanh; Nghiên cứu xây dựng định mức tiêu hao năng lượng; Nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải khí nhà kính, MRV; Nghiên cứu, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm theo yêu cầu của sản phẩm mới.
Trong đó, yêu cầu cơ bản khi xây dựng tiêu chí cho Nhãn VLXD sinh thái/VLXD xanh bao gồm: Phải cung cấp thông tin chính xác về các khía cạnh môi trường của một sản phẩm; Không tạo ra các rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế; Được xây dựng dựa trên các phương pháp luận khoa học đầy đủ và hoàn chỉnh; Thông tin phải sẵn có và cung cấp theo yêu cầu của các bên liên quan; Không được kìm hãm sự đổi mới, hướng tới cải thiện tính năng môi trường của sản phẩm.
Các tiêu chí đánh giá của sản phẩm VLXD xanh/VLXD sinh thái phải tính đến vòng đời của sản phẩm bao gồm: khai thác tài nguyên, sản xuất, phân phối, sử dụng và thải bỏ liên quan đến những chỉ thị môi trường trung gian tương ứng.
6. Kết luận
Mặc dù hiện nay tồn tại nhiều định nghĩa và mô tả về nhãn sinh thái/nhãn xanh, tuy nhiên nhìn chung có thể phân loại thành 2 nhóm sau: (1) Tự tuyên bố, là nhãn sinh thái/nhãn xanh dán trên sản phẩm do nhà sản xuất, nhà bán lẻ hoặc nhà tiếp thị sản phẩm công bố, và đánh giá có thể được thực hiện trên một thuộc tính đơn hay trên tổng thể sản phẩm. Tuy nhiên, những tuyên bố này thường không được thẩm định độc lập; (2) Công bố độc lập của bên thứ ba, là dựa trên sự tuân thủ đúng các tiêu chí đã đề ra, được thẩm định độc lập bởi cơ quan có thẩm quyền.
Các tiêu chí về nhãn sinh thái dựa trên các tuyên bố của bên thứ ba thường được xây dựng trên cơ sở tiếp cận đến toàn bộ vòng đời sản phẩm, theo đó các tiêu chí sản phẩm liên quan đến môi trường thường được xây dựng theo những phân tích về tác động môi trường từ giai đoạn sử dụng nguyên liệu thô đến giai đoạn sử dụng cuối cùng và loại bỏ.
Viện VLXD đã và đang tiếp tục thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, công cụ để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược và cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về phát triển VLXD xanh, công trình xanh, giảm phát thải khí nhà kính theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg và COP 26.
Tài liệu tham khảo
1. Ross Spiegel & Dru Meadows, “In A Guide to Product Selection and Specifications Green Building Materials”, Third Edition, John Wiley & Sons, Inc., Hoboken, 2010.
2. The Global Ecolabelling Network, “ANNUAL REPORT 2015”, 2015
3. Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh,.
4. Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 -2020.
5. TCVN ISO 14020:2009 (ISO 14020:2000) - Nhãn môi trường và bản công bố môi trường - Nguyên tắc chung.
6. TCVN ISO 14024:2005 (ISO 14024: 1999) - Nhãn môi trường và công bố môi trường - Ghi nhãn môi trường kiểu 1 - Nguyên tắc và thủ tục.