Phản hồi đề nghị của Bộ Tài chính về đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng tới 6 tháng đầu năm 2024, sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 được dự báo chỉ ở mức trên 5%, đây là mức tương đối thấp trong nhiều thập kỷ qua (không tính hai năm đại dịch COVID-19 là năm 2020 và 2021).
Tình trạng khó khăn này được dự đoán sẽ tiếp tục kéo dài trong giai đoạn đầu năm 2024 khi kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi và kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề thách thức.
Do đó, việc nới lỏng chính sách tài khóa, thông qua việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng vào thời điểm này là hết sức cần thiết, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm.
Biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng đã được thực hiện trong hai năm 2022 và 2023 và mang lại nhiều tác động tích cực đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là việc giúp tăng tiêu dùng nội địa trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VCCI, các doanh nghiệp gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị định 44/2023/NĐ-CP nhằm hướng dẫn việc thực hiện, nhưng trên thực tế, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng. Nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu Phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%.
Có doanh nghiệp phản ánh, tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.
Với những lý do trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8%.
Ủng hộ quan điểm này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho hay, phương án giảm thuế giá trị gia tăng tất cả hàng hóa, dịch vụ đang thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng 10% sẽ được giảm xuống 8%, bao gồm cả hàng ở khâu nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, thương mại, gia công... và kể cả các hộ cá nhân kinh doanh, nghĩa là phủ sóng toàn bộ tất cả các hàng hóa dịch vụ sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Như vậy, sẽ tháo gỡ được phần lớn những vấn đề vướng mắc và sự lúng túng trong việc triển khai tính thuế và thu thuế đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chia sẻ, cộng đồng doanh nghiệp hiện nay rất mong mỏi việc áp dụng sớm chính sách này nếu đề xuất được ban hành.
Có như vậy, doanh nghiệp sẽ không còn bỡ ngỡ và việc áp dụng càng sớm, càng tốt bao nhiêu thì doanh nghiệp có lợi bấy nhiêu. Điều này cũng trực tiếp có lợi cho người tiêu dùng.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+