Việc điều chỉnh số tầng cao tối đa đối với các đô thị cần thực hiện theo quy định của pháp luật

07:00 01/11/2022
Việc điều chỉnh số tầng cao tối đa đối với các đô thị trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp cần thực hiện theo quy định pháp luật về điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Tháp liên quan đến việc điều chỉnh tầng cao trong Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, Bộ Xây dựng khẳng định, việc thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp cần tuân thủ Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1580/QĐ-TTg ngày 09/9/2013, Quy hoạch chung thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030 được UBNND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt tại Quyết định số 1286/QĐ-UBND.HC ngày 18/12/2014 và Quy hoạch chung thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt tại Quyết định số 13/QĐ-UBND.HC ngày 07/01/2022.

Một góc đô thị tỉnh Đồng Tháp hôm nay. Ảnh tư liệu

Việc UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị điều chỉnh số tầng cao tối đa theo quy định tại Khoản 6, Điều 1, Quyết định số 1580/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các đô thị trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp cần thực hiện theo quy định pháp luật về điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được quy định từ Điều 35 đến Điều 39 Luật Xây dựng và từ Điều 46 đến Điều 52 Luật Quy hoạch đô thị.

Ngày 09/9/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1580/QĐ-TTg phê quyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030. Phạm vi lập quy hoạch bao gồm 15 xã, phường: Các phường An Lộc, An Thịnh, An Lạc, các xã Tân Hội, Bình Thạnh thuộc thị xã Hồng Ngự; các xã Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Lạc, Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự; các xã Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình và thị trấn Sa Rài thuộc huyện Tân Hồng.

Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp được định hướng quy hoạch thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp, gắn với các cửa khẩu quốc tế. Đây cũng là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, trước hết trong quan hệ với Campuchia, đồng thời là khu vực đô thị biên giới có ảnh hưởng và lan tỏa thúc đẩy sự phát triển vùng phía Bắc tỉnh Đồng Tháp, có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Bình luận