
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 914/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo đó, các sản phẩm thuộc diện áp thuế bao gồm thép carbon cán phẳng, dạng cuộn hoặc không cuộn với hàm lượng carbon dưới 0,6% theo khối lượng, đã được phủ, tráng hoặc mạ kim loại chống ăn mòn như kẽm, nhôm hoặc hợp kim gốc sắt.
Tuy nhiên, một số loại thép đặc thù như thép mạ crom, thép không gỉ, hoặc thép mạ kẽm bằng phương pháp điện phân không nằm trong phạm vi áp thuế. Còn các sản phẩm thép mạ kẽm hoặc hợp kim nhôm kẽm hoặc hợp kim nhôm magie được phủ thêm lớp crom hoặc oxit crom thuộc phạm vi áp thuế CBPG tạm thời.
Mức thuế CBPG tạm thời được áp dụng cao nhất là 37,13% đối với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và 15,67% đối với hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc. Biện pháp thuế có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày công bố và sẽ kéo dài trong 120 ngày.
Trước đó, ngày 21/02, Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định áp thuế CBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc, với mức thuế dao động từ 19,38% đến 27,83%, thời gian áp dụng 120 ngày, bắt đầu từ ngày 08/3/2025.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo số liệu hải quan, tính đến hết tháng 3/2024, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra trong 12 tháng đã đạt 454 nghìn tấn, tăng 91% so với cùng kỳ đến tháng 3/2023. Kể cả sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng vụ việc này, lượng nhập khẩu thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn gia tăng đáng kể, chỉ trong vòng 9 tháng cuối năm 2024, lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra đã xấp xỉ 382 nghìn tấn (tăng 20% so với cùng kỳ).
Do vậy, Bộ Công Thương đã xem xét áp dụng biện pháp CBPG tạm thời nhằm ngăn chặn lượng nhập khẩu thép mạ gia tăng nhanh có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trong thời gian tới.
Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện điều tra tại chỗ các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nước ngoài, các doanh nghiệp nhập khẩu để đưa ra kết luận cuối cùng của vụ việc này.
Trong số các doanh nghiệp bị áp thuế, Baosteel Zhanjiang Iron & Steel Co., Ltd. (Trung Quốc) cùng các công ty liên quan phải chịu mức thuế cao nhất 37,13%.
Tại Hàn Quốc, Hyundai Steel Company bị áp thuế 13,7%, trong khi các nhà sản xuất, xuất khẩu khác chịu mức 15,67%.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%, bao gồm Boxing Hengrui New Material Co., Ltd. và Yieh Phui (China) Technomaterial Co., Ltd. từ Trung Quốc; cùng POSCO, KG Dongbu Steel và Dongkuk Coated Metal từ Hàn Quốc. Đây là những công ty được đánh giá không gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành thép Việt Nam.