Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023 diễn ra ngày 8/11 tại Hà Nội, do Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức.
Diễn đàn xoay quanh chủ đề chính là "Quản lý và phát triển đô thị Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" gồm một phiên toàn thể và ba hội thảo chuyên đề, với các nội dung: Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững; Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị; Phát triển đô thị thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề "Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững", bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong 6 nhóm giải pháp quan trọng, có tính đột phá được xác định trong Nghị quyết này là nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.
Bà Trần Thu Hằng thông tin, đến tháng 6/2023, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt khoảng 42%, với mức tăng trưởng dân số đô thị trung bình khoảng 1 triệu người/một năm, tương đương với dân số của một tỉnh. Cả nước hiện có 902 đô thị, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Trên cơ sở của công tác quy hoạch và quản lý thực thi quy hoạch, số lượng đô thị và không gian đô thị ngày càng được mở rộng, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội được đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Hệ thống đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp trên 70% GDP cả nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, bà Trần Thu Hằng cũng thẳng thắn chỉ ra, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị hiện nay, từ đó chưa phát huy tốt vai trò định hướng phát triển không gian đô thị. Cụ thể, một số quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới quy hoạch chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu và mô hình phát triển mới. Về phương pháp tiếp cận, việc quy hoạch hiện chưa có liên kết chặt chẽ tới quản lý phát triển đô thị, tới quá trình thực thi quy hoạch, bao gồm việc thiếu lồng ghép các công cụ kiểm soát triển khai quy hoạch, huy động nguồn lực cho phát triển đô thị. Các vấn đề xuyên suốt như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở cho người thu nhập thấp... chưa được tích hợp đúng mức trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
“Những tồn tại, hạn chế nêu trên đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục chung tay, tập trung nhận diện vấn đề và giải quyết, để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch đô thị” - bà Trần Thu Hằng nhấn mạnh.

Theo đề xuất của Ban tổ chức, tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia đã tập trung thảo luận một số nội dung:
Một là, thực trạng về phương pháp tiếp cận và triển khai lập quy hoạch đô thị hiện nay tại Việt Nam; những phương pháp, quan điểm tiếp cận quy hoạch mới.
Hai là, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương liên quan tới lập và phê duyệt quy hoạch đô thị; mối liên hệ, căn cứ và tầng bậc giữa các quy hoạch đô thị: quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết cũng như nội dung về phương án quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng.
Ba là, phương thức lập quy hoạch nhằm đảm bảo sự khả thi trong quá trình triển khai, thực thi các dự án đô thị, bao gồm các dự án phát triển mới và chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Bốn là, định hướng lồng ghép tiêu chí hướng tới các mô hình phát triển đô thị bền vững trong giai đoạn lập quy hoạch đô thị và sự cần thiết của giám sát và đánh giá quy hoạch đô thị.
Năm là, phương thức và định hướng tích hợp vấn đề xuyên suốt, có tính phổ quát toàn cầu vào công tác quy hoạch đô thị, góp phần hướng đến hệ thống đô thị Việt Nam phát triển bền vững, góp phần thực thi Chương trình nghị sự Đô thị mới của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết tham gia triển khai.

Kết luận Hội thảo, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc đánh giá, Hội thảo hôm nay là dịp quan trọng để các Bộ, ngành, các địa phương, nhất là những người trực tiếp làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị cùng nhau trao đổi và nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về vai trò, vị trí quan trọng của quy hoạch trong định hướng phát triển đô thị bền vững. Các ý kiến thiết thực và hiệu quả tại Hội thảo sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
Trên cơ sở các nội dung thảo luận tại Hội thảo, bà Trần Thu Hằng khuyến nghị một số nội dung:
Thứ nhất, quy hoạch đô thị cần có sự thống nhất giữa các cấp độ cũng như cần phải phải đổi mới để đơn giản hóa trình tự thủ tục, đặc biệt là theo phương thức tiếp cận đa ngành, tích hợp và có sự tham gia của các bên trong việc nhận diện và giải quyết các vấn đề nổi cộm của phát triển đô thị.
Thứ hai, khung chính sách về quy hoạch đô thị cần được chỉnh sửa, hoàn thiện theo hướng khuyến khích xây dựng bộ công cụ phù hợp để việc lập quy hoạch có sự tham gia xuyên suốt, hiệu quả của các bên.
Thứ ba, ngay trong quá trình lập quy hoạch cần tính đến các giải pháp, công cụ phù hợp, cũng như là khung giám sát và đánh giá cần thiết cho quá trình triển khai quy hoạch để đảm bảo tính khả thi khi đưa vào thực hiện.
Thứ tư, cần có bộ tiêu chí phù hợp trong quá trình xây dựng các mô hình mới như đô thị mới, đô thị xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu… cần khuyến khích thử nghiệm, sau đó thể chế để có thể triển khai nhân rộng.
Thứ năm, triển khai bổ sung, hoàn thiện những tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức để phù hợp khi ứng dụng những công nghệ mới vào công tác quy hoạch đô thị.
Thứ sáu, cần có bộ cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật theo hướng mức độ phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương trong công tác lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch, và chủ động giải quyết theo nhu cầu thực tiễn của địa phương khi có những vấn đề mới phát sinh.
Thứ bảy, cần có những chính sách khuyến khích hoặc ràng buộc để chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin địa lí GIS trong việc lập, quản lý và có những dự báo mục tiêu phát triển trong tương lai.
Thứ tám, quy hoạch gắn với tính khả thi trong các dự án cải tạo, chỉnh trang và tái phát triển đô thị.
Thứ chín, các mục tiêu phát triển bền vững và các vấn đề xuyên suốt như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở xã hội và phù hợp với khả năng chi trả cần được phối hợp lồng ghép trong quá trình lập quy hoạch cũng như các hoạt động phát triển đô thị.
Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định “Đô thị hóa là tất yếu, là động lực của phát triển đô thị”. Với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ở mức 42,6% hiện nay, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển đô thị.
“Vì vậy, với sự tham gia của các địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng các Bộ, ngành Trung ương cũng như sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, chúng ta có thể tháo gỡ những bất cập gặp phải để hoàn thiện chính sách, hướng tới mục tiêu quy hoạch phát triển đô thị bền vững” - bà Trần Thu Hằng nhấn mạnh.