Trong tuần từ ngày 19 - 25/8, lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc có một số tin tức đáng chú ý như: (1) Phát triển, sắp xếp hệ thống đô thị và nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện; (2) Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị Kinh Môn; (3) Quy hoạch tạo động lực bứt phá mới cho KKT cửa khẩu Mộc Bài; (4) Đô thị Hiệp Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV; (5) Kon Tum phát triển đô thị bền vững gắn với phát huy giá trị di sản. (6) Đà Nẵng còn hơn 420 quy hoạch chậm triển khai.
Sau đây là thông tin cụ thể:
Phát triển, sắp xếp hệ thống đô thị và nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện
Ngày 22/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2030 đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển, sắp xếp, phân bố hệ thống đô thị và nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Đến 2050, hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền.
Nông thôn có môi trường sống kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị, văn minh, xanh, sạch, đẹp giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát triển TP Hà Nội, TP.HCM và các thành phố khác trực thuộc Trung ương trở thành các đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị.
Theo quy hoạch, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, TP.HCM (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị Kinh Môn
Ngày 21/7, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị đánh giá Đề án đề nghị công nhận thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là đô thị loại III.
Qua đánh giá của địa phương đối với 5 tiêu chí và 63 tiêu chuẩn của đô thị loại III, thị xã Kinh Môn đạt 87,12/100 điểm. Phường Duy Tân (sáp nhập xã Hoành Sơn vào phường Duy Tân) đạt 13/13 tiêu chuẩn đối với phường thuộc thị xã.
Hội đồng nhất trí bỏ phiếu thông qua Đề án phân loại đô thị Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại III, với 86,36/100 điểm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đề nghị địa phương tiến hành rà soát lại các thuyết minh, số liệu, bảng biểu để thống nhất; sớm tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện văn bản để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Quy hoạch tạo động lực bứt phá mới cho KKT cửa khẩu Mộc Bài
Ngày 23/8, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị thẩm định đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045.
KKT cửa khẩu Mộc Bài có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với các chức năng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch và nông - lâm nghiệp.
Đồng thời là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia.
Đây cũng là khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh.
Các thành viên Hội đồng thẩm định bỏ phiếu thống nhất thông qua đồ án quy hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến góp ý tại Hội nghị.
Đô thị Hiệp Hòa đạt tiêu chí đô thị loại IV
Ngày 21/7, Hội đồng thẩm định liên ngành đã tổ chức Hội nghị đánh giá Đề án phân loại đô thị Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Kết quả tự rà soát, đánh giá của địa phương đối với 5 tiêu chí và 63 tiêu chuẩn của đô thị loại IV, đô thị Hiệp Hòa đạt 5/5 tiêu chí, tổng số điểm đạt 85,75/100 điểm.
Hội đồng thẩm định đánh giá Đề án phân loại đô thị Hiệp Hòa đạt 84,36/100 điểm, đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Để hoàn thiện Đề án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn lưu ý địa phương sớm hoàn thiện hồ sơ Đề án theo ý kiến góp ý các thành viên Hội đồng thẩm định trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Kon Tum phát triển đô thị bền vững gắn với phát huy giá trị di sản
Tuần qua, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, định hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Kon Tum bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phát triển bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản…
Hệ thống đô thị kết hợp đồng bộ, bảo đảm hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới.
Đồng thời từng bước xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống đô thị theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của vùng Tây Nguyên và cả nước.
Danh mục các dự án ưu tiên gồm dự án hạ tầng xã hội, dự án hạ tầng kỹ thuật khung; dự án lập các đồ án quy hoạch chung đô thị, lập chương trình phát triển từng đô thị, lập đề án phân loại đô thị. Dự kiến sơ bộ nhu cầu kinh phí khoảng 67.911,54 tỷ đồng.
Đà Nẵng còn hơn 420 quy hoạch chậm triển khai
Báo cáo Giám sát của HĐND TP Đà Nẵng cho thấy, Đà Nẵng có 421 quy hoạch chậm triển khai sau nhiều năm quy hoạch; trong đó có 361 quy hoạch quá 5 năm phê duyệt chưa hoàn thành, 70 quy hoạch quá 8 năm chưa hoàn thành, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu của mặt tồn tại đó là do yếu tố lịch sử trước đây trong việc phê duyệt sơ đồ ranh giới sử dụng đất và quản lý quy hoạch thông qua các quyết định phê duyệt ranh giới sử dụng đất là không phù hợp với qui định pháp luật.
Ngoài ra, một số hạn chế khác như quy hoạch chi tiết không phù hợp với quy hoạch cấp trên; chất lượng đồ án quy hoạch chưa được đảm bảo dẫn đến tỷ lệ điều chỉnh quy hoạch còn khá cao.
Để khắc phục những tồn tại, HĐND TP Đà Nẵng khuyến nghị thành phố cần rà soát, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ các quy hoạch không khả thi, chậm triển khai nhằm tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi của người dân về đất đai.