Việt Nam sẽ có từ 3 đến 5 đô thị mang tầm quốc tế

23:23 15/05/2023
Việt Nam sẽ có từ 3 đến 5 đô thị mang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế.

Trên đây là một nội dung của dự thảo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được đưa ra lấy ý kiến góp ý ngày 15/5, tại Hà Nội. Dự Hội nghị góp ý có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa

Tại Hội nghị, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đã trình bày dự thảo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia trình bày dự thảo Quy hoạch. 

Theo đó, Quy hoạch có mục tiêu thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh, hiệu quả, có chất lượng; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương…

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hoá; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn…

Về tầm nhìn, tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng miền; phát triển theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong.

Xây dựng được từ 3 đến 5 đô thị mang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế đô thị theo hướng hiện đại với tỷ trọng các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm đa số.

Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp, với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc (ảnh trên) và Sở Xây dựng Bắc Ninh góp ý kiến tại Hội nghị.

Đơn vị tư vấn cũng thuyết minh sơ lược những nội dung cơ bản của dự thảo Quy hoạch, gồm định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia, định hướng phát triển hệ thống khu dân cư nông thôn, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; định hướng sử dụng đất, bảo vệ môi trường cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu; định hướng phát triển đô thị và nông thôn vùng biên giới kết hợp với an ninh, quốc phòng; định hướng phát triển đô thị và nông thôn vùng biển, ven biển.

Bên cạnh đó là các nội dung về liên kết đô thị - nông thôn, liên kết vùng và liên kết ngành; các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, liên quan đến thời kỳ quy hoạch; những khó khăn trong phân loại đô thị; vướng mắc về quy hoạch đô thị và nông thôn, kiểm soát dân số đô thị; tỉ lệ dân cư sử dụng nước sạch, diện tích cây xanh…

Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn về phương án phát triển đô thị và nông thôn; chuỗi đô thị; bổ sung thêm số liệu, dữ liệu trong khu vực quốc tế…

Giải quyết những bất cập, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hoá

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu kết thúc Hội nghị.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, đây là một quy hoạch quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, được đánh giá là chưa có tiền lệ, rất khó, là một phần của Quy hoạch tổng thể quốc gia, cụ thể hoá Quy hoạch tổng thể quốc gia, với các yêu cầu được Thủ tướng đặt ra là phải có tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới, giá trị mới; từng ngành, lĩnh vực phải thể hiện được tư tưởng này.

Tư vấn đã có gắng rà soát, đánh giá hiện trạng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn; những hạn chế, bất cập trong phát triển đô thị thời gian vừa qua; để từ đó đưa ra những giải pháp cho giai đoạn tới, góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, giải quyết được những bất cập của quá trình đô thị hoá trước đây.

Quy hoạch này cũng được lập đồng thời với các loại quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch chuyên ngành các lĩnh vực, quy hoạch tỉnh. Do đó rất cần những ý kiến góp ý thiết thực, đặc biệt là về các hình thái đô thị mới: đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thông minh.  

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, dự thảo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được gửi các địa phương và cơ quan liên quan để lấy ý kiến góp ý lần 2, thời hạn tiếp nhận ý kiến góp ý sẽ kết thúc vào ngày 25/5 tới đây.

Ngày 24/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 294/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 14/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 390/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Dự kiến, Hội đồng thẩm định sẽ họp vào tháng 7 - 8/2023 để xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định. Từ đó, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia sẽ tiếp thu giải trình và hoàn thiện Hồ sơ để gửi Bộ Xây dựng trước ngày 31/8/2023, để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bình luận