Ngày 28/3, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng Việt Nam và Cục Chính sách chuyển đổi xanh, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã tiến hành ký kết hợp tác trong lĩnh vực cấp, thoát nước.
Hoạt động nhằm cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ được ký giữa Bộ Môi trường Hàn Quốc và Bộ Xây dựng Việt Nam trên lĩnh vực hợp tác phát triển môi trường hạ tầng kỹ thuật đô thị (gọi tắt là MOU) vào ngày 01/11/2023 tại Hà Nội. Trong đó, cơ quan thực hiện phía Hàn Quốc là Cục Chính sách chuyển đổi xanh và cơ quan thực hiện phía Việt Nam là Cục Hạ tầng kỹ thuật.
Theo biên bản ký kết, hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong việc xây dựng dự án đánh giá tổng thể hiện trạng cấp, thoát nước tại Việt Nam, tập trung vào khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Bộ Môi trường Hàn Quốc cũng sẽ xem xét hỗ trợ tài chính cho việc tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp, thoát nước tại Việt Nam, trên cơ sở thảo luận và thống nhất giữa hai bên.
Bên cạnh đó, Bộ Môi trường Hàn Quốc sẽ mời đoàn công tác Việt Nam sang thăm Hàn Quốc, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp, thoát nước; đồng thời cử chuyên gia sang Việt Nam để hỗ trợ Bộ Xây dựng trong lĩnh vực này.
Tại buổi ký kết, ông Tạ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, Việt Nam hiện có 902 đô thị trên toàn quốc, cùng dân số hơn 100 triệu người, tuy nhiên lĩnh vực cấp, thoát nước còn nhiều khó khăn, hạn chế so với các nước phát triển trong khu vực, đặc biệt là lĩnh vực thoát nước, chống ngập đô thị và xử lý nước thải.
Cũng theo ông Tạ Quang Vinh, hiện Việt Nam đứng trước thách thức rất lớn, khi toàn quốc mới có 750 nhà máy cấp nước, công suất xấp xỉ 13 triệu khối/ngày đêm. Trong khi lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải mới có gần 90 nhà máy, công suất 1,5 triệu mét khối/ngày đêm.
“Theo kế hoạch, tháng 5/2025, Luật Cấp, thoát nước sẽ được trình lên Quốc hội lần đầu; tháng 10/2025 sẽ trình Quốc hội thông qua. Do đó các kinh nghiệm quốc tế, trong đó có kinh nghiệm của Hàn Quốc trog lĩnh vực này hết sức có ý nghĩa và cần thiết đối với Việt Nam”, ông Tạ Quang Vinh nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi ký kết, ông Chang Ki Bok - Cục trưởng Cục Chính sách chuyển đổi xanh, Bộ Môi trường Hàn Quốc, cho rằng, thực tiễn cho thấy Việt Nam đã xây dựng được một tầm nhìn rất xa trong lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải và chống ngập đô thị…
Các lĩnh vực này cũng đã sớm được Hàn Quốc nhận thức, dành nhiều công sức và nguồn lực để đầu tư phát triển. Từ những năm 2000, hệ thống này đã dần được hoàn thiện và hiện nay đang phát huy hiệu quả vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là cơ sở để Hàn Quốc tiếp tục tăng cường hơn nữa vào việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng lĩnh vực cấp, thoát nước trong tương lai.
Ông Chang Ki Bok bày tỏ hy vọng sau lễ ký kết, hai bên sẽ có những hợp tác cụ thể cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, hai bên sẽ tổ chức trao đổi chuyên gia để tăng cường nhân lực cho Bộ Xây dựng Việt Nam trong lĩnh vực cấp, thoát nước.
Trước đó, ngày 01/11/2023, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng môi trường đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh nghị đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế chính sách về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững; kinh nghiệm và thực tiễn quản lý môi trường đô thị, quản lý rác thải đô thị và quản lý đất đai đô thị của Hàn Quốc.
Bộ Xây dựng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án ODA cho Bộ Xây dựng về phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; tiếp tục duy trì các chương trình hỗ trợ đào tạo cho cán bộ quản lý nhà nước của Việt Nam về phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật...
Chia sẻ tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Han Wha-jin mong muốn hai bên có thể mở rộng hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng môi trường và thúc đẩy các dự án xanh.
Bộ Môi trường Hàn Quốc cũng hy vọng Bộ Xây dựng sẽ hỗ trợ để thực hiện nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực cấp thoát nước theo hình thức đối tác công tư (PPP) giữa hai nước, biến các dự án này thành hợp tác điển hình của hai nước.