Lợi nhuận trước thuế đạt 132% kế hoạch
Theo Ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera - CTCP (Viglacera), trong năm 2023, những biến động bất ổn của tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái khiến hoạt động kinh doanh trong nước cũng ảnh hưởng nặng nề, đồng thời những khó khăn trong kinh doanh BĐS khiến Viglacera đứng trước những thách thức chưa từng có tiền lệ.
Dù vậy, với sự điều hành quyết liệt, chủ động và linh hoạt của HĐQT, và ban lãnh đạo Viglacera, sự đồng lòng đoàn kết và cố gắng nỗ lực của các đơn vị, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 đã có những thành công đáng ghi nhận.
Hiệu quả hoạt động vượt kế hoạch đặt ra, duy trì sự ổn định, tiếp tục khẳng định vị thế của doanh nghiệp hàng đầu ngành Xây dựng, khẳng định năng lực và thương hiệu Viglacera ở tầm cao mới.
Theo đó, năm 2023, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Viglacera là 1.602 tỷ đồng, đạt 132% kế hoạch năm. Đặc biệt, công ty mẹ đã thể hiện vai trò đầu tàu với doanh thu thuần 5.337 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.911 tỷ đồng, đạt 146% kế hoạch năm, tăng 201 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022.
Tài chính của công ty mẹ được vận hành, sử dụng và bảo toàn vốn có hiệu quả; tăng trưởng về lợi nhuận. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) Công ty mẹ là 10,7%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 22,1%.
Cũng trong năm 2023, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu toàn Tổng công ty đạt 46,3 triệu USD, tăng trưởng 53%. ĐHĐCĐ thông qua chia cổ tức 22,5% bằng tiền mặt, cao hơn so với kế hoạch ĐHĐCĐ đã phê duyệt là 20%.
Năm 2024, BĐS tiếp tục đóng vai trò chủ đạo
Tại Đại hội, ban lãnh đạo Viglacera đã trình cổ đông thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu hợp nhất 13.353 tỷ đồng, tăng nhẹ so với kết quả thực hiện năm 2023 và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.110 tỷ đồng.
Theo Viglacera, các chỉ tiêu lợi nhuận và doanh thu trong kế hoạch đã được xét đến các yếu tố ảnh hưởng bất lợi đến thị trường trong lĩnh vực vật liệu như: Chi phí nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng tăng, đặc biệt giá nguyên vật liệu nhập khẩu và giá xăng dầu.
Trong bối cảnh lĩnh vực vật liệu gặp khó khăn, sẽ phải tái cơ cấu lại các đơn vị sản xuất theo hướng tăng năng suất lao động, giảm chi phí, giảm giá thành thì Viglacera xác định, BĐS sẽ tiếp tục là mảng chủ đạo trong năm 2024 của Tổng công ty.
Theo đó, Viglacera sẽ tập trung khai thác các dự án KCN: Yên Mỹ, Phong Điền, Thuận Thành, Tiền Hải, Yên Phong 2C, Đông Mai, Yên Phong mở rộng, Đồng Văn IV với mục tiêu xấp xỉ 173 ha trong năm 2024.
Đồng thời, tiến hành khảo sát, đề xuất lập hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư để triển khai đầu tư các KCN mới tại các địa phương có vị trí có lợi thế về hạ tầng, thu hút đầu tư và khả năng kinh doanh.
Tổng công ty cũng sẽ thành lập các pháp nhân, chi nhánh mới để triển khai thực hiện các dự án như KCN Phù Ninh 400ha, KCN Bắc Sơn 200 ha tại Phú Thọ; KCN Đông Mai mở rộng 150ha tại Quảng Ninh; KCN Trấn Yên 255 ha tại Yên Bái; KCN Tây Phổ Yên 868ha, KCN Sông Công II 296 ha tại Thái Nguyên; KCN Số 1 260 ha tại Hưng Yên; KCN Dốc Đá Trắng 288ha tại Khánh Hòa; các KCN tại Bắc Ninh, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Lào Cai, Lạng Sơn, Hưng Yên…, các KCN tại phía Nam và các địa điểm khác.
Trong lĩnh vực NƠXH, nhà ở công nhân, Viglacera sẽ tiếp tục triển khai đầu tư 50.000 căn NƠXH được Bộ Xây dựng giao. Bên cạnh đó, Viglacera có kế hoạch tiếp tục phát triển các khu NƠXH đồng bộ với phát triển KCN hiện có, chuẩn bị đầu tư và đầu tư mới dự án trọng điểm tại các KCN: Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai, Yên Phong; NƠXH tại Kim Chung CT3-CT4.
Tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án NƠXH tại KCN: Tiền Hải 5,2ha, KCN Phú Hà 8,4ha; tiếp tục tham gia công tác lựa chọn nhà đầu tư dự án Khu NƠXH tại Tiên Dương – Đông Anh. Tổng công ty dự kiến tiếp tục triển khai đầu tư các dịch vụ thương mại tại các Khu đô thị Đặng Xá, Xuân Phương (Hà Nội), Yên Phong (Bắc Ninh).
Đồng thời triển khai các bước chuẩn bị đầu tư phát triển các KCN mới...; tiếp tục triển khai dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải giai đoạn 1 có diện tích 35 ha. Qua đó, hoàn thành và đưa vào vận hành khách sạn 5 sao quốc tế, đồng thời triển khai các bước đầu chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2 với diện tích 40ha.
Đối với lĩnh vực vật liệu, Tổng công ty sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về điều kiện đầu tư của Dự án Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ, giai đoạn 2, công suất 900 tấn/ngày. Tuy nhiên, thời điểm nào triển khai đầu tư giai đoạn 2 sẽ phụ thuộc vào thực tế diễn biến nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng khác của Viglacera sẽ khảo sát, đầu tư mở rộng và đầu tư mới các mỏ nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp sản xuất VLXD phát triển theo hướng bền vững, chủ động.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm nay là tiếp tục triển khai các bước chuẩn bị cũng như thủ tục cho công tác thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty theo chủ trương và các chỉ đạo của Bộ Xây dựng và của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2024, Viglacera dự kiến sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Tại Đại hội, Tổng công ty đã thông tin một số nội dung, lĩnh vực cổ đông quan tâm như: BĐS KCN; dự kiến giá bán, doanh thu, lợi nhuận NƠXH; VLXD...