Viglacera hé lộ kế hoạch thoái vốn và loạt dự án mới

14:58 10/06/2025
Ngày 10/6, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 Tổng công ty Viglacera - CTCP, ông Trần Mạnh Hữu đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Khẳng định thành tựu về sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển

Năm 2024, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng (VLXD) giảm sút, thiên tai ảnh hưởng nặng nề, bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, nhưng Viglacera đã chủ động thích ứng linh hoạt và triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả, mang lại kết quả vượt kế hoạch: Doanh thu thuần hợp nhất đạt 11.906 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.630 tỷ đồng - vượt 47% so với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thông qua; Tỷ lệ chia cổ tức là 22% - cao hơn 2% so với mục tiêu cam kết với ĐHĐCĐ.

Kết quả ấn tượng này cho thấy, năm 2024, Viglacera đã duy trì được sự tăng trưởng ổn định, trở thành doanh nghiệp có lãi cao nhất trong các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng.

Trong đầu tư kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, một mô hình mới về khu công nghiệp (KCN) hiện đại, nhân văn được Viglacera kích hoạt - bắt đầu từ sự kiện công bố Thuan Thanh Eco Smart IP phát triển theo tiêu chí xanh và thông minh. Viglacera cũng bổ sung vào quỹ đất của mình thêm 839 ha đất KCN thông qua việc Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 3 KCN mới, lần lượt là KCN Dốc Đá Trắng (tỉnh Khánh Hòa), KCN Sông Công II (TP Sông Công - tỉnh Thái Nguyên) và KCN Trấn Yên (huyện Trấn Yên - tỉnh Yên Bái). Các KCN của Viglacera đều được đầu tư khu nhà ở công nhân với hạ tầng và tiện ích, dịch vụ đầy đủ, mang lại môi trường sống tốt nhất cho người lao động.

Dự án công trình khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao (Angsana Quan Lạn Hạ Long) được bấm nút hoạt động tại vùng biển đảo được coi là trung tâm kinh tế biển mới của tỉnh Quảng Ninh.

Về VLXD, thương hiệu Viglacera gắn liền với uy tín các sản phẩm vật liệu xanh, thân thiện môi trường, thông minh và tiết kiệm năng lượng. Hệ sinh thái VLXD xanh và đồng bộ cho mọi công trình được Viglacera công bố rộng rãi tới toàn thị trường, dẫn dắt một xu thế văn minh từ sản xuất tới tiêu dùng. Phía sau sự xuất hiện những sản phẩm mới và tiêu biểu như đá nung kết vân trong xương, sen vòi phủ PVD, sứ vệ sinh thông minh kháng khuẩn tiết kiệm nước,… là những chương trình đầu tư bài bản về chiều sâu công nghệ sản xuất hiện đại. Cũng năm 2024 Viglacera đã tập trung nguồn lực củng cố và phát triển hệ thống hệ thống mạng lưới kinh doanh, qua đó mở rộng thị trường tới các vùng miền trên cả nước. Kết quả, lợi nhuận nhóm gạch ốp lát  và bê tông khí đều vượt kế hoạch.

Về xuất khẩu, giá trị xuất khẩu đạt 46,86 triệu USD, tăng xấp xỉ 1,2 % so với thực hiện năm 2023. Đây không chỉ là năm đạt giá trị xuất khẩu cao nhất, mà còn mở rộng xuất khẩu tới hàng loạt quốc gia  có yêu cầu tiêu chuẩn cao của Mỹ, khối EU, UK, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông và các nước trong khu vực.

Năm 2025 và các mục tiêu tăng trưởng

Năm 2025, Viglacera sẽ dành nguồn lực tập trung đầu tư chiều sâu giải pháp công nghệ, kỹ thuật, nâng cao mức độ tự động hóa, tỷ lệ thu hồi, tiết giảm chi phí trong các lĩnh vực sản xuất. Qua đó đáp ứng những yêu cầu mới trên thị trường cao cấp, các sản phẩm phục vụ xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, các mặt hàng có giá trị cao và hiệu quả. Cụ thể như hệ thống băng áp lực cao và robot phun men... với nhóm sứ vệ sinh; hay các giải pháp công nghệ nâng cao năng lực ngành kính và gia công sau kính (kính chống cháy, kính thông minh, kính chống phản quang, kính tiết kiệm năng lượng 2 lớp bạc; kính trang trí nội thất, kính nghệ thuật, kính kết hợp với các vật liệu khác như kim loại và gỗ).

Các giải pháp thiết kế - sử dụng gói sản phẩm đồng bộ (bao gồm kính, sứ, sen vòi, gạch ốp lát, bê tông khí) của Tổng công ty để tối ưu thi công và tối ưu chi phí cho các bên liên quan được chú trọng đầu tư.

Viglacera sẽ tiếp tục phát triển các KCN mới tại các địa phương có vị trí lợi thế về hạ tầng, có khả năng thu hút đầu tư và kinh doanh hiệu quả; Đầu tư bổ sung các hạng mục công trình tiện ích; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý vận hành; Cải thiện chất lượng môi trường KCN bằng giải pháp tích hợp công nghệ xanh, thông minh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại lợi ích lớn hơn cho các nhà đầu tư.

Kế hoạch phát triển mạnh KCN xanh, thông minh nằm trong chiến lược hình thành thành phố công nghiệp tích hợp đô thị sinh thái, tạo dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, phù hợp định hướng phát triển bền vững của Chính phủ, đóng góp vào mục tiêu quốc gia đạt NetZero năm 2050.

Trong năm, Viglacera hướng tới các địa bàn tiềm năng như Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thái Bình, Lạng Sơn, Yên Bái, Khánh Hòa…, dự kiến góp phần nâng tổng quỹ đất KCN lên 6.000 - 7.000 ha.

Ông Trần Mạnh Hữu (đứng thứ 3 từ trái sang) được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera - CTCP.

Đối với lĩnh vực nhà ở thương mại, dịch vụ, bất động sản nghỉ dưỡng, doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung phát triển các khu nhà ở xã hội/nhà ở công nhân đồng bộ với các KCN hiện có tại Hà Nam, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Hà Nội... Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở xã hội/nhà ở công nhân tại các KCN hiện có của Tổng công ty tại Thái Bình, Phú Thọ và các địa phương có nhu cầu hợp tác phát triển. Việc khảo sát, tìm kiếm phát triển các quỹ đất mới để đầu tư các khu nhà ở công nhân/nhà ở xã hội tại các địa phương có điều kiện phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành cũng được chú trọng.

Tại Đại hội, Ban lãnh đạo Tổng công ty đã thông tin với các cổ đông về tiến độ thoái vốn Nhà nước của Viglacera. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang hỗ trợ Tổng công ty rất nhiều trong vấn đề thoái vốn. Gelex cùng Viglacera đã xúc tiến rất nhiều các nhà đầu tư phù hợp để vào làm cổ đông chiến lược, tuy nhiên họ đang chần chừ do lo ngại vấn đề thuế quan và định giá cổ phiếu. Hiện tại Gelex chưa có nhu cầu tăng thêm tỷ lệ sở hữu tại Viglacera. Sau khi được ĐHĐCĐ thông qua, sẽ tái cấu trúc toàn diện Viglacera để Tổng công ty phát triển bền vững trong tương lai. Đây là một việc rất quan trọng.

Ban Kiểm soát Tổng Công ty ra mắt tại Đại hội.

Về lợi nhuận trong giai đoạn này, Viglacera xác định là có những khó khăn nhất định, việc kinh doanh bất động sản KCN có chu kỳ, Tổng công ty đang chủ động thích ứng và chuyển đổi cho phù hợp.

Tại ĐHĐCĐ đã bầu bổ sung ông Trần Mạnh Hữu là thành viên HĐQT Tổng công ty Viglacera - CTCP nhiệm kỳ 2024 - 2029. HĐQT Tổng công ty Viglacera đã họp và bầu ông Trần Mạnh Hữu là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera - CTCP.

ĐHĐCĐ cũng đã bầu bổ sung ông Nguyễn Việt Trung là thành viên Ban Kiểm soát Tổng công ty Viglacera - CTCP nhiệm kỳ 2024-2029. Ban Kiểm soát Tổng công ty cũng đã họp và bầu bà Nguyễn Thị Thắm là Trưởng Ban Kiểm soát Tổng công ty Viglacera - CTCP.

Ngày 10/6, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 của Tổng công ty Viglacera - CTCP (VGC; HOSE) đã thông qua với các chỉ tiêu chính như: Doanh thu thuần hợp nhất là 14.437 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tổng công ty - CTCP là  1.743 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 7% so với thực hiện năm 2024, chi trả cổ tức 22% vốn điều lệ.

Bình luận