Viglacera phát huy thế mạnh phát triển khu công nghiệp

16:26 27/05/2024
Bước chân vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS khu công nghiệp từ năm 1998, gần 30 năm qua bằng những nỗ lực không ngừng, Viglacera là một trong số ít các doanh nghiệp trong nước để lại được dấu ấn tích cực ở mảng kinh doanh đặc thù này.

Hiện nay, Tổng công ty Viglacera - CTCP (Viglacera) sở hữu tới 15 khu công nghiệp (KCN), trong đó có 1 KCN tại nước ngoài, tổng diện tích lên đến hơn 4.000 ha, thu hút đầu tư tới 18 triệu USD, trong đó hơn 70% là vốn đầu tư nước ngoài.

Không ngừng mở rộng quy mô, địa bàn

Các KCN của Viglacera có đặc thù là nằm tại các khu vực kinh tế trọng điểm miền Bắc và đang có xu hướng mở rộng. Cụ thể, cho đến cuối năm 2023 giới hạn các KCN của Viglacera nằm tại địa bàn các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Bình, Thừa Thiên Huế thì ngay trong những tháng đầu năm 2024 đã mở rộng ra Thái Nguyên, Khánh Hòa. Trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển tới các địa bàn hứa hẹn tiềm năng phát triển công nghiệp và giao thương mạnh mẽ như: Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai….

Ở một số địa bàn, địa phương, Viglacera không chỉ ghi dấu ấn phát triển bền vững cho mình mà còn lan tỏa hiệu quả tới nền công nghiệp địa phương. Ví dụ, như tại Bắc Ninh, uy tín thương hiệu của Viglacera gắn liền với các KCN như: KCN Tiên Sơn, KCN Yên Phong, KCN Yên Phong mở rộng, KCN Yên Phong II-C; KCN Thuận Thành, với tổng diện tích lên đến 1.477,6 ha.

KCN Yên Phong II-C tại tỉnh Bắc Ninh do Viglacera làm chủ đầu tư.

Tại Quảng Ninh - một tỉnh được ví như địa đầu Tổ quốc, nơi “cánh cửa” đón nhận làn sóng đầu tư công nghiệp sạch, thì Viglacera cùng lúc sở hữu 2 KCN là Hải Yên và Đông Mai với quy mô 350 ha

Hướng phát triển mới theo tiêu chí xanh và thông minh

Tuy nhiên, song hành với những mục tiêu như nâng cao số lượng KCN, thì điều Viglacera tập trung trong giai đoạn hiện nay là nghiên cứu hướng phát triển bền vững cho mảng kinh doanh này trong một tầm nhìn dài hạn.

Ngay những ngày ra quân đầu năm 2024, Tổng công ty Viglacera - CTCP vừa chính thức công bố KCN Xanh và Thông minh “Thuan Thanh Eco-Smart IP” tại thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đây là một bước tiếp cận mới mẻ của Viglacera. Hành trình xây dựng các KCN xanh, thông minh, hướng tới thiết lập KCN sinh thái, nhằm từng bước góp phần thu nhỏ “dấu chân carbon” chính thức khởi hiện.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng - Chi nhánh Tổng công ty Viglacera - CTCP cho biết: Thuận Thành Eco-Smart IP đánh dấu sự thay đổi đáng kể của doanh nghiệp qua việc chuyển đổi để có thể phát triển bền vững hơn, bắt nhịp xu hướng phát triển xanh của các ngành sản xuất.

KCN Thuận Thành Eco-Smart IP (tỉnh Bắc Ninh).

Ngay sau dự án “mở màn” năm mới 2024 tại Thuan Thanh Eco-Smart IP, Ban lãnh đạo Viglacera chính thức xác lập tiêu chuẩn đầu tư các dự án KCN tiếp theo của Viglacera sẽ tuân thủ nghiêm túc mục tiêu xanh, thông minh.

Những mục tiêu cốt lõi cũng được đưa vào kế hoạch hành động như cắt giảm tối đa tiêu hao nguyên, nhiên liệu, giảm tiêu thụ nước, giảm ô nhiễm môi trường. Với các KCN đã đầu tư, đang vận hành, sẽ được đầu tư chuyển đổi, nâng cấp từng phần để đạt được mức xanh hóa cao nhất.

Nhìn rộng ra, không phải ngẫu nhiên, mà Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chọn mô hình KCN xanh tại Việt Nam để đầu tư dự án hơn 1 tỷ USD. Còn Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn.

Lý do được chỉ ra các thị trường này đang đẩy mạnh áp dụng Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) thông qua việc đánh thuế carbon tất cả hàng hóa nhập khẩu.

Có thể thấy không chỉ EU, các thị trường Mỹ, Nhật Bản cũng ngày càng nâng chuẩn về môi trường trong sản xuất. Viglacera đã định hướng sớm và đúng với quy luật phát triển kinh tế xã hội để có sự đầu tư chuyển hướng chuẩn xác, kịp thời, qua đó đón nhận làn sóng đầu tư mới.

Hiệu ứng tích cực từ thực tiễn

Mới đây hàng loạt dự án nhà xưởng thế hệ mới của Tập đoàn Frasers Property Vietnam (FPV) cũng lựa chọn các KCN của Viglacera làm địa điểm đầu tư. FPV là công ty đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Cơ sở khoa học (Science Based Targets initiative – SBTi) công nhận các mục tiêu giảm phát thải nhà kính. 

KCN Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) do Viglacera làm chủ đầu tư.

Tại sự kiện khác vừa diễn ra tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), Viglacera đã ký kết hợp đồng với 4 doanh nghiệp hoạt động trong mảng sản xuất điện tử, công nghệ cao, bán dẫn của Trung Quốc với tổng trị giá 210 triệu USD.

Những dự án điện tử, công nghệ cao, bán dẫn được ký kết trong đợt này có nhiều nội hàm với yêu cầu khắt khe. Các đối tác đều chung quan điểm việc ra quyết định lựa chọn đầu tư xây dựng dự án của họ tại các KCN trên chính là bởi môi trường sản xuất tại đây nhiều thuận lợi, họ tin tưởng vào năng lực vận hành của chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, đại diện cho một tỉnh có chỉ số thu hút vốn đầu tư nước ngoài hàng đầu ở khu vực miền Bắc cho biết, với định hướng phát triển KCN xanh, thông minh, các KCN của Viglacera chắc chắn sẽ chuyển đổi dần theo bởi nhu cầu bất động sản công nghiệp xanh và phát triển bền vững của nhà đầu tư nước ngoài được dự báo ngày càng tăng. Các địa phương như chúng tôi sẽ có cơ hội lựa chọn nguồn vốn chất lượng hơn khi cùng sở hữu các KCN xanh.

Bình luận