Vĩnh Long: Quy hoạch đô thị - cần tư duy mới, tầm nhìn chiến lược

15:00 09/02/2023
Theo Sở Xây dựng, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý QH kiến trúc đô thị và công tác nâng cấp, phát triển ĐT được các địa phương quan tâm thực hiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế phát triển, làm cơ sở kêu gọi đầu tư. Theo đó, diện mạo các đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng môi trường sống.

Phát triển đô thị theo quy hoạch

Sau khi Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị được ban hành, theo yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết.

Nhìn chung, công tác phát triển đô thị (ĐT) trên địa bàn tỉnh đặc biệt được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo nên diện mạo ĐT của tỉnh đã có nhiều thay đổi đáng kể, các ĐT cơ bản phát triển đúng quy hoạch (QH).

Đến nay, công tác phát triển ĐT của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Trong đó, chương trình phát triển ĐT của tỉnh được phê duyệt làm cơ sở để quản lý, phát triển hệ thống ĐT đảm bảo các định hướng phát triển hệ thống ĐT Việt Nam và chương trình phát triển ĐT quốc gia.

UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình phát triển ĐT TP Vĩnh Long, TX Bình Minh… đảm bảo phù hợp các định hướng QH phát triển của tỉnh giai đoạn mới.

Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án điều chỉnh và mở rộng QH chung TT Cái Nhum, huyện Mang Thít đến năm 2030.

QH nhằm xây dựng định hướng phát triển không gian TT Cái Nhum là đầu mối giao lưu kinh tế, xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy ĐT hóa, thu hút đầu tư, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Bên cạnh, hướng phát triển không gian ĐT từ trung tâm thị trấn hiện hữu mở rộng thêm phần còn lại khoảng 1.389ha về phía Đông, Tây, Bắc, hình thành các khu dân cư, khu ĐT mới đáp ứng nhu cầu phát triển…

Bên cạnh, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đồ án QH chung ĐT Hựu Thành, huyện Trà Ôn đến năm 2030. Theo đó, định hướng Hựu Thành trở thành ĐT loại V theo QH xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng định hướng phát triển không gian ĐT Hựu Thành đến năm 2030 là phát triển vùng nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển thương mại cấp tiểu vùng, du lịch sinh thái, cụm công nghiệp... tạo điều kiện thúc đẩy ĐT hóa, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống của người dân, hướng tới phát triển bền vững…

Định hướng phát triển ĐT từ trung tâm xã hiện hữu mở rộng, phát triển về phía Bắc, Tây Bắc và Tây Nam…

Về định hướng thiết kế ĐT đối với cả 2 đồ án QH trên, sông rạch giữ vai trò quan trọng trong không gian ĐT, khai thác tối đa yếu tố mặt nước trong bố cục cảnh quan.

Ông Đỗ Công Danh - Trưởng Phòng QH Kiến trúc (Sở Xây dựng) cho biết, năm 2023, sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương còn lại trong việc lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển ĐT.

Trên cơ sở QH chung xây dựng ĐT, QH phân khu, chương trình phát triển ĐT được duyệt, UBND cấp huyện tiếp tục lập thủ tục đầu tư các công trình.

Cần tư duy mới, tầm nhìn chiến lược

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị ĐT toàn quốc năm 2022, phổ biến và triển khai Nghị quyết số 148 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về QH, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững ĐT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cần nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.

Thông báo nêu rõ, phát triển ĐT đồng thời là động lực của phát triển kinh tế, là cảm hứng cho sự phát triển chung của đất nước.

Hiện nay, khu vực ĐT đã có những đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia.

Nếu phát triển đúng hướng, bài bản, có tầm nhìn, có đột phá, ĐT sẽ phát huy được hết vai trò. Ngược lại, phát triển ĐT thiếu định hướng và tầm nhìn có thể gây ra những hậu quả phải giải quyết lâu dài.

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 06 và Nghị quyết số 148, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan tham mưu triển khai thực hiện cần tập trung lưu ý một số quan điểm chỉ đạo lớn.

Trong đó, công tác QH phải đi trước một bước, cần có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, của tỉnh, của vùng, phát hiện ra những yếu kém để có giải pháp xử lý phù hợp. 

Đồng thời, QH và phát triển ĐT phải đa dạng hóa nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn lực từ con người, đất đai, biển, sông nước, nguồn lực từ truyền thống lịch sử, văn hóa.

Theo đó, quan điểm chỉ đạo chung là phải nâng cao nhận thức về vai trò, vị thế của ĐT trong sự phát triển chung. Nâng cao nhận thức về phát triển ĐT, bao gồm 3 trụ cột chính gồm: công tác QH, công tác xây dựng và công tác quản lý.

Cùng với đó, tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm tạo ra không gian phát triển mới và tạo sinh kế cho người dân. Đồng thời, thông báo cũng nêu rõ: Phát triển ĐT không phải là nhiệm vụ của một ngành, một cấp, mà đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Theo Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có 8 ĐT gồm: TP Vĩnh Long (loại II), TX Bình Minh (loại III) và 6 thị trấn (ĐT loại V, riêng TT Tam Bình đang lập đề án phân loại ĐT). Theo niên giám thống kê 2021, dân số toàn tỉnh là 1.029.015 người (dân số toàn ĐT là 233.716 người; dân số ĐT loại V là 58.764 người). Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 1.525,73km2; diện tích đất ĐT khoảng 279,95km2. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP) ước 55,485 triệu đồng. Năm 2022, tỷ lệ ĐT hóa của tỉnh tiếp tục tăng, đạt 27,92%.

Nguồn:baovinhlong.com.vn 

Bình luận