Trong khuôn khổ Diễn đàn BĐS Mùa Thu lần thứ nhất: Dự báo thời điểm phục hồi của thị trường BĐS và khuyến nghị đầu tư, VIRES đã công bố báo cáo thị trường BĐS Việt Nam: Hành trình “vượt bão” và động lực phục hồi.
Cụ thể, theo đánh giá của VIRES, GDP Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 dự báo ở mức trung bình 6,2 - 6,8%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 được dự báo có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn (khoảng 7%) nếu Việt Nam chuyển đổi số tốt, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tốt hơn.
Đáng chú ý, nguồn vốn cho thị trường BĐS thời gian qua đã đóng góp vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển của thị trường.
Trong đó có 6 nguồn vốn chính bao gồm: Nguồn vốn tín dụng là nguồn vốn có quy mô lớn nhất và luôn giữ vai trò chủ đạo trên thị trường; Nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp BĐS bao gồm vốn từ thị trường chứng khoán; Nguồn vốn FDI tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhưng không chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường; Nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp BĐS; Nguồn vốn từ các quỹ đầu tư; Nguồn vốn ngân sách.
Theo dự báo của VIRES, các nguồn vốn hỗ trợ cho thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhờ sự phát triển của thị trường tài chính và chứng khoán trong thời gian tới.
Tuy nhiên, VIRES cũng lưu ý, những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 sẽ là giai đoạn nhiều thách thức.
Đánh giá thực trạng thị trường và tình hình doanh nghiệp BĐS Việt Nam giai đoạn 2022 - 2023, VIRES chỉ rõ sự sụt giảm nghiêm trọng, trong đó có sụt giảm nguồn cung; Sụt giảm nguồn cầu, suy giảm niềm tin của nhà đầu tư; Sụt giảm lượng giao dịch; Số lượng các doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS giảm mạnh; Tính lan tỏa và sự ảnh hưởng đến các ngành, nghề liên quan đến thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, các vướng mắc về chính sách, pháp lý chưa được xử lý triệt để gây ảnh hưởng đến nguồn cung - đây chính là nút thắt lớn nhất hiện nay. Từ đó là trở ngại về dòng vốn gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà.
Đặc biệt, tại nhiều địa phương còn tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc trong một bộ phận cán bộ, công chức, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Chia sẻ về động lực, thời điểm phục hồi của thị trường BĐS Việt Nam và một số khuyến nghị đầu tư trong bối cảnh mới, bà Bùi Thị Hương, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường VIRES cho biết, dự báo thị trường BĐS Việt Nam trong giai đoạn 2023-2030 sẽ phát triển mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý.
Cùng đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng; sự phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại...
Do đó, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc VIRES, triển vọng của phân khúc nhà ở thương mại giá vừa túi tiền là rất khả quan bởi 2 lý do chính. Thứ nhất, nhu cầu của người dân rất lớn nhưng nguồn cung ngày càng khan hiếm.
Thứ hai, định hướng đa dạng hóa các phân khúc trên thị trường BĐS, trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền.
Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường VIRES cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để thu hút vốn đầu tư vào phân khúc này (thuế, lãi suất, cơ chế huy động vốn, chính sách ưu đãi…). Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ, giúp người dân dễ dàng tiếp cận phân khúc nhà ở thương mại giá vừa túi tiền hơn nữa.
“Trong giai đoạn thị trường tồn tại nhiều cơ hội song hành cùng thách thức như hiện nay, các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư BĐS cần chú trọng tìm hiểu cách thức nhận diện phân khúc đầu tư tiềm năng, đồng thời cần tìm hiểu sâu về thông tin và năng lực của chủ đầu tư các dự án.
Những dự án có vị trí tốt, đảm bảo hạ tầng xã hội và tiện ích cho những nhu cầu cơ bản và sáng tạo luôn có thanh khoản tốt. Dự án cũng cần có đầy đủ các giấy tờ pháp lý cần thiết, và nhà đầu tư cũng cần xem kỹ hợp đồng mua bán khi giao dịch BĐS” - Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường VIRES chia sẻ.
Đáng chú ý, báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS Việt Nam của VIRES đã đưa ra dự báo về thời điểm phục hồi của thị trường BĐS. Theo đó, hiện nay, thị trường BĐS Việt Nam đang ở đáy của hình “chữ U” và đang trong chu kỳ đi ngang.
Dự kiến, chu kỳ “đi ngang” và có xu hướng nhích dần lên và sẽ kéo dài đến hết năm 2023. Bước sang năm 2024, thị trường BĐS Việt Nam sẽ chính thức phục hồi theo xu hướng hình “chữ V” từ giữa quý II/2024.