Sở dĩ vốn đầu tư 2 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh so với cùng kỳ do Tập đoàn Masan thông qua công ty con là The Sherpa mua cổ phần của Công ty Trust IQ Pte.Ltd tại Singapore với tổng vốn đầu tư 105 triệu USD (sở hữu 25% vốn) với mục tiêu phát triển trí tuệ nhân tạo trong bán lẻ và trong tiêu dùng.
Bên cạnh đó, có 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 109,4 triệu USD, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ; có 04 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 5,68 triệu USD, cùng kỳ năm trước là -7,2 triệu USD.
Trong số 10 ngành đầu tư ở nước ngoài của các nhà đầu tư Việt Nam, ngành thông tin và truyền thông dẫn đầu với 1 dự án đầu tư mới có vốn đăng ký 105 triệu USD, chiếm 91,2% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Ngành dịch vụ khác đứng thứ hai với 1 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 5 triệu USD, chiếm 4,3%; tiếp theo là các ngành bán buôn, bán lẻ; y tế, công nghiệp chế biến chế tạo…
Có 10 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023, trong đó dẫn đầu là Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 105,5 triệu USD gồm 01 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, chiếm 91,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Israel, Thái Lan, Lào…
Lũy kế đến ngày 20/02/2023, Việt Nam đã có 1.617 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 21,89 tỷ USD. Trong đó có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng vốn đầu tư cả nước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng 31,8%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 15,7%. Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào 21,8%; Campuchia 13,4%; Venezuela 8,3%.