Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến ngày 20/12/2022, tổng giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, số lượng dự án đầu tư mới gia tăng, bên cạnh đó, vốn FDI điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, vốn FDI đã giải ngân ghi nhận đạt khoảng 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, dòng vốn này được đổ vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân.
Đáng chú ý, bất chấp vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2022 sụt giảm so với năm 2021, dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản lại ghi nhận tăng mạnh.
Theo đó, dòng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) tại Việt Nam đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tương đương tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài còn cho biết, vốn FDI rót vào ngành công nghiệp chế biến và chế tạo dẫn đầu với giá trị đầu tư đạt 16,8 tỷ USD, chiếm gần 61% tổng vốn FDI đăng ký.
Kế đến là là ngành kinh doanh BĐS với giá trị vốn đầu đạt 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng số vốn đầu tư đăng ký…
Theo đánh giá của chuyên gia, để đảm bảo ngành BĐS duy trì tốc độ phục hồi ổn định cũng như nguồn cung ở các phân khúc để phục vụ nhu cầu của các ngành kinh tế khác, giải pháp huy động vốn khả thi cho các doanh nghiệp là dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, trong khi các kênh huy động vốn đều không khả thi, các doanh nghiệp nên tìm đến kênh FDI như một giải pháp phù hợp.
Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đánh giá, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dẫn đầu là nhóm ngành sản xuất - chế tạo và BĐS. Đây là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh như hiện nay.