Vượt thách thức trong phát triển đô thị

07:00 24/07/2024
Khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì diện tích của đô thị Thừa Thiên Huế là rất lớn. Điều này đặt ra nhiều thách thức.
Vượt thách thức trong phát triển đô thị
Phần lớn diện tích đất tự nhiên hiện nay của các xã dự kiến sáp nhập trở thành phường ở Phong Điền là đất nông nghiệp, lâm nghiệp và mặt nước. Ảnh: Phụng Đặng

Thừa Thiên Huế được Trung ương xác định là đô thị có yếu tố đặc thù. Các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị được áp dụng theo quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 9 tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 được sửa đổi tại khoản 2, điều 1 của Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15.

Qua việc rà soát, phân tích, đánh giá, tổng hợp hiện trạng khu vực nghiên cứu lập đề án đô thị loại I, đối chiếu với 5 tiêu chí và 63 tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương được quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 về phân loại đô thị; hiện trạng về hạ tầng đô thị của Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu. Mặc dù vậy, để đô thị Huế khẳng định vị thế của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai bắt buộc phải vượt qua các thách thức hiện hữu.

Trong tiến trình phát triển đô thị trung tâm TP Huế, cơ sở hạ tầng đô thị các khu vực dự kiến thành lập phường là bài toán cần có lời giải. Chính kết quả đánh giá của tỉnh về 5 khu vực dự kiến thành lập phường là Thuận An, Dương Nỗ, Thủy Bằng, Hương Phong, Long Hồ cho thấy, một số tiêu chuẩn vẫn chưa đạt. Đó là mật độ đường cống thoát nước chính, tỷ lệ đường được chiếu sáng, cơ sở hạ tầng thương mại. Ngoài ra, từ khảo sát thực địa của đoàn liên ngành Trung ương cho thấy, một số khu vực xã lên phường như Dương Nỗ, Hương Phong diện tích đất hiện trạng và quy hoạch đất lúa còn nhiều.

Đối với kết quả đánh giá 2 khu vực dự kiến thành lập quận Thuận Hóa (Nam sông Hương), Phú Xuân (Bắc sông Hương), các tiêu chuẩn về tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng, tỷ lệ xử lý nước thải cũng là những trở ngại.

Phần lớn diện tích đất tự nhiên tại Điền Hòa - đơn vị dự kiến sáp nhập thành phường ở huyện Phong Điền là đất nông nghiệp và mặt nước. Ảnh: Phụng Đặng

Thực trạng trên cũng là bài toán mà huyện Phong Điền cần giải quyết khi trở thành thị xã, bởi Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cho rằng, phần lớn diện tích đất tự nhiên hiện nay của các xã dự kiến trở thành phường hoặc sáp nhập trở thành phường ở Phong Điền là đất nông nghiệp, lâm nghiệp và mặt nước; diện tích đất xây dựng chiếm tỷ lệ nhỏ và chủ yếu nằm dọc các tuyến giao thông.

Có một điều đáng mừng đó là các cơ quan Trung ương, chuyên gia đánh giá rất cao tiềm năng, dư địa phát triển của đô thị Thừa Thiên Huế. Qua xem xét các yếu tố về vị trí địa lý, đất đai, quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh, đại diện Cục Phát triển đô thị khẳng định, khu vực các xã, thị trấn dự kiến trở thành phường có tiềm năng, dư địa phát triển lớn. Việc trở thành phường sẽ góp phần thúc đẩy việc đầu tư xây dựng, môi trường và kiến trúc cảnh quan, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, xây dựng trên địa bàn.

Theo đồ án quy hoạch chung, diện tích đất ở bị giới hạn theo tiêu chuẩn đặc thù của đô thị di sản; khu vực phía biển thuộc khu vực thoát lũ, ngập nước. Do đó, đồ án quy hoạch định hướng thành khu vực dự kiến sáp nhập thành phường trong tương lai có nhiều diện tích đất trồng lúa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung đầu tư và từng bước đầu tư xây dựng các khu vực này theo hình thái đô thị, nông nghiệp trong đô thị kết hợp cùng công tác du lịch, dịch vụ, trải nghiệm.

Ngoài những hỗ trợ từ phía Trung ương, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 21/NQ-HĐND về Chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được nghiên cứu trên phạm vi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 4.947km2.

Nghị quyết 21/NQ-HĐND chỉ rõ, tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án phát triển hệ thống hạ tầng khung và công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật có khả năng khắc phục các tiêu chuẩn còn thiếu, còn yếu của đô thị tương ứng với từng giai đoạn: Các khu đô thị mới, dự án tái thiết, dự án tái định cư, khu công nghiệp, khu du lịch... để tăng mật độ dân số; công trình thể dục thể thao cấp đô thị; công trình giao thông để tăng tỷ lệ đất giao thông so với đất đô thị, mật độ đường giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; công viên cây xanh để tăng đất cây xanh toàn đô thị, đất cây xanh công cộng khu vực nội thị; cải tạo chỉnh trang các tuyến phố văn minh đô thị; công trình thương mại dịch vụ cấp đô thị;...

Về giải pháp cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư, tỉnh ưu tiên nguồn vốn ngân sách tỉnh, tranh thủ tối đa các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, trái phiếu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia... ưu tiên cho đầu tư phát triển trong đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, các hạ tầng khung trong các đô thị, các công trình đầu mối trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường đô thị; phát triển các dịch vụ công trong đô thị như thoát nước, xử lý nước thải, cải thiện môi trường, chiếu sáng; phát triển các khu vực mở rộng, tái thiết đô thị, các khu đô thị có chức năng chuyên biệt…

Theo đề án đô thị loại I được tỉnh trình các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt, khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I có phạm vi đánh giá nội thị gồm 2 quận tách từ thành phố Huế. Các đô thị trực thuộc tỉnh gồm các thị xã: Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền.

Các đô thị loại V gồm: Thị trấn A Lưới, thị trấn Khe Tre, thị trấn Sịa, thị trấn Phú Lộc, thị trấn Lăng Cô, thị trấn Phú Đa, đô thị Thanh Hà, đô thị Vinh Thanh, đô thị La Sơn, đô thị Vinh Hiền.

Các xã thuộc huyện ngoại thành, gồm:  Quảng Điền, A Lưới, Phú Vang, Phú Lộc và Nam Đông.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế 

Bình luận